|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chưa qua cú sốc đơn hàng giảm, doanh nghiệp dệt may lại thêm áp lực với chi phí trách nhiệm mở rộng

07:28 | 01/08/2023
Chia sẻ
Chưa hết “choáng váng” với cú sốc đơn hàng giảm, doanh nghiệp dệt may của nước ta lại sắp phải đối mặt với rào cản mới của các thị trường xuất khẩu lớn, điển hình như chi phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta đạt 18,6 tỷ USD giảm 18% so với cùng kỳ 2022. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chưa đủ đơn hàng cho quý III và IV, khó khăn với ngành dệt may dự kiến kéo dài hết năm 2023.

 

Chưa hết “choáng váng” với cú sốc đơn hàng giảm, doanh nghiệp dệt may lại sắp phải đối mặt với rào cản mới của các thị trường xuất khẩu lớn, điển hình như chi phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết ngày 27/7 vừa qua, EU đã đề ra chiến lược cho ngành dệt may bằng cách đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn trong hàng dệt may, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền của sản phẩm dệt may và quyền sửa chữa.

Ngoài ra, EU cũng đang xem xét việc giới thiệu EPR rộng khắp châu Âu đối với hàng may mặc. Điều này buộc các công ty dệt may phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa, hạn chế tối đa việc đốt hoặc chôn lấp sản phẩm.

Hay nói cách khác, tất cả sản phẩm dệt may đưa vào thị trường EU đều phải bền, có thể sửa chữa và tái chế, giảm tác hại của thời trang nhanh với nền kinh tế.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin thêm EU đánh giá dệt may là ngành một trong bốn ngành tạo ra rác thải lớn nhất đối với nền kinh tế. Do đó, thị trường này đang chuyển đổi từ hướng khai thác, phá vỡ, vứt bỏ chuyển sang các sản phẩm bền vững, có thể tái sử dụng, sửa chữa.

“Khi quy định EPR được thực thi, ngành dệt may Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sản phẩm dưới thương hiệu của doanh nghiệp vào EU, vì thị trường yêu cầu phải xây dựng chuỗi cửa hàng, thu mua, xử lý sản phẩm.

Trong khi thực tế, doanh nghiệp Việt vẫn đang làm gia công cho các nhãn hàng của EU, còn đối tượng thu hồi, xử lý thiết kế, phát minh về vải vẫn nằm ở nước sở hữu nhãn hiệu, tức doanh nghiệp châu Âu chịu trách nhiệm với sản phẩm chịu trách nhiệm EPR”, ông Quân cho biết.

Hiện nay, EU đang chuyển dịch sang nền kinh tế theo hướng xanh, sạch, bền vững, tuần hoàn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến nghị các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh thích hợp, tránh trường hợp khi khuyến nghị EPR trở thành quy định bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Thương vụ đang làm việc với Hiệp hội Dệt may châu Âu để yêu cầu có những hướng dẫn và kế hoạch hợp tác cụ thể nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của EU.

Chương trình EPR hướng đến việc giảm tác động của thời trang nhanh đến môi trường và nền kinh tế. (Ảnh: Phạm Mơ)

Ngoài EU, Canada cũng là thị trường sắp ban hành những quy định mới liên quan đến EPR với ngành dệt may.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết quần áo cũ đóng góp tới gần 60.000 tấn rác và là nguồn rác thải nhựa lớn thứ ba của Canada, sau bao bì và xe ô tô cũ. Quần áo cũ thải loại đóng góp khoảng 7% vào tổng lượng rác thải nhựa của nước này.

Để giảm rác thải nhựa và phát thải CO2, Canada đang hướng đến phát triển ngành thời trang và dệt may tuần hoàn và vận động tiêu dùng dệt may bền vững.

Trong thời gian tới, Canada sẽ xây dựng các cơ chế để giảm rác thải dệt may, trong đó có việc yêu cầu các thành phố phải thực hiện thống kê bắt buộc rác thải dệt may và thực hiện phân loại rác thải dệt may.

Bên cạnh đó, các cửa hàng (nhãn hàng) có trách nhiệm xây dựng các chương trình thu đổi quần áo cũ tại cừa hàng như là một phần của chương trình EPR.

Ngoài ra, Luật ghi nhãn dệt may cũng sẽ được sửa đổi nhằm khuyến khích hàm lượng sợi tái chế thay vì ghi "chỉ có vật liệu mới" và có cơ chế khuyến khích thuế đối với các sản phẩm dùng sợi tái chế.

Trao đổi với Thương vụ, Liên đoàn dệt may Canada cũng thông tin về định hướng của Canada trong việc yêu cầu thống kê số liệu nhập khẩu quần áo và dệt may theo thành phần sợi.

Trước những yêu cầu mới của thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có chiến lược giảm phát thải carbon và sản xuất tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu dệt may tái chế và sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật về các hệ chứng chỉ mới trong ngành dệt may và tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định của khách hàng.

Hoàng Anh