Chuyển hướng kết nối, khai thác đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chiều 31/7, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023” với chủ đề Chủ đề: Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ… trước đây luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.
Thế nhưng, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu. Hơn nữa, hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tổng cầu thế giới giảm sút.
Cùng đó, lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...
Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng bởi đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ.
Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số. Nguyên nhân bên cạnh những tác động chung như xung đột địa chính trị, lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm còn do thị trường Mỹ khởi xướng điều tra với một số sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam, quy định liên quan đến môi trường và rừng của EU…
“Dù đang đối diện thách thức lớn nhưng không nên quá bi quan bởi đây chỉ là nhất thời. Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ, cần sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Thương vụ tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường, truyền tải thông điệp Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định của EU”, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho rằng, việc chia sẻ thông tin thị trường sở tại nhanh, chính xác là rất quan trọng với doanh nghiệp. Bởi lẽ, với những quy định mới và khó tại EU, Hoa Kỳ bản thân doanh nghiệp trong nước rất lúng túng cần sự hỗ trợ thông tin và tham vấn chính sách của thương vụ.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, da giày Việt Nam ngày càng chiếm vị trí lớn tại EU. Nếu như năm 2016 Việt Nam xuất khẩu 3,3 tỷ USD sang EU, năm 2022 tăng lên 5,9 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng da giày sang thị trường này tăng cao. Tuy nhiên, xuất khẩu da giày của Việt Nam đang phụ thuộc vào một số nhãn hàng chính tại EU.
Với ngành hàng dệt may, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng. Việt Nam hiện đứng thứ 4 về thị phần dệt may tại EU sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự như da giày, dệt may Việt Nam có nhiều ưu đãi về thuế do vậy có nhiều tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Cùng đó, đồ gỗ năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 57 triệu USD sang EU. Dù được hưởng nhiều ưu đãi tuy nhiên EU có yêu cầu cao và chặt chẽ liên quan đến môi trường cũng là thách thức cho doanh nghiệp ngành gỗ gia tăng xuất khẩu.
“Thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải caron, quyền sửa chữa và tái chế, nhân quyền, đạo luật chống phá rừng … Với quy định này, doanh nghiệp Việt Nam khó xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình do phía EU đòi hỏi phải có chuỗi thu mua, xử lý sản phẩm để tái chế”, ông Trần Ngọc Quân cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp các ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU. Để tận dụng được các ưu thế này, đáp ứng quy tắc xuất xứ là rất quan trọng. Mặt khác, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp trong nước cần chuyển đổi bởi khi các quy định đi vào thực thi sẽ ảnh hưởng mạnh tới xuất khẩu của doanh nghiệp.
“Thương vụ Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia các hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng cơ hội xuất khẩu tại EU”, ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.
Bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, kim ngạch xuất khẩu da giày sang Canada đã tăng gấp đôi kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Bởi vậy, Việt Nam có thể kỳ vọng việc xuất khẩu mặt hàng này sang Canada đạt kim ngạch tỷ USD.
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, theo bà Trần Thu Quỳnh, doanh nghiệp cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng có thể tính đến chuyên môn hoá vào các loại giày dép đặc chủng, giày dép bảo hộ, giày đồng phục công nghiệp (giày làm hầm lò, giày phòng cháy, giày làm nghề gỗ…).
Từ đó có được thị trường và thương hiệu riêng uy tín, tránh phụ thuộc vào đơn hàng gia công và điều kiện của đối tác vì Việt Nam sẽ sớm không còn ưu thế về giá nhân công.
Hơn nữa, doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế cũng như lưu ý việc chuẩn hoá, đổi mới quy trình sản xuất, chuẩn bị theo hướng tự động hoá, giảm hàm lượng nhân công trong sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Đỗ Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày nhưng gần đây hoạt động này đang sụt giảm tương đối lớn và cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục, lấy lại đà tăng trưởng.
Bởi vậy, doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh nội địa, xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng hoá cũng như công nghệ sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp ngành hàng ngoài tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến thị trường ngách để xuất khẩu bởi các nhà phân phối lớn có trở ngại là khi họ giảm các nhu cầu sẽ ngắt kết nối điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đứt gãy. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại nên tìm đến doanh nghiệp, người địa phương để ký kết hợp đồng tư vấn để có được cơ hội giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội hiếm hoi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương.
Bên cạnh đó, đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ hiệp hội, địa phương trong phát triển thị trường.
Ngoài ra, Thương vụ tăng cường phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu.
Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp; phối hợp với cơ quan liên quan, có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; tổ chức có hiệu quả tư vấn, xúc tiến thương mại cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại hiệu quả.
Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững.
Mặt khác, tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.
Đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng lưu ý tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của thị trường ngoài nước.