|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xuất hiện làn sóng giảm lãi suất huy động đầu tháng 7

15:54 | 02/07/2020
Chia sẻ
Không có động thái cắt giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước nhưng điều đáng bất ngờ là vào đầu tháng 7 lại xuất hiện "làn sóng" cắt giảm lãi suất huy động tại hàng loạt ngân hàng.

Ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 7, các ngân hàng trong nước đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi ở nhiều kì hạn khác nhau. Ghi nhận tại những "ông lớn" ngân hàng có vốn của Nhà nước như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm từ 0,25 - 0,5 điểm % ở các kì hạn.

Theo biểu lãi suất vừa cập nhật, Vietcombank đã giảm lãi suất tiền gửi ở cả kì hạn ngắn và dài. Cụ thể đối với khách hàng cá nhân, lãi suất tiền gửi kì hạn 1 tháng và 2 tháng giảm 0,3%/năm xuống 3,7%/năm. Tiếp đó, tiền gửi ở kì hạn 3 tháng được hưởng mức lãi suất 4%/năm, giảm 0,25 điểm % so với tháng trước.

Lãi suất kì hạn 6 tháng từ 4,9%/năm xuống 4,4%/năm, kì hạn 9 tháng từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm. Tại các kì hạn dài hơn từ 12 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi cũng được điều chỉnh giảm mạnh 0,5 điểm % so với trước đó.

Với khách hàng doanh nghiệp, mức lãi cao nhất cũng giảm xuống còn 5,5%/năm đối với kì hạn từ 12 đến 36 tháng.

Lãi suất tiết kiệm tại Agribank, VietinBank cũng được điều chỉnh giảm ở nhiều kì hạn. Theo đó, lãi suất huy động kì hạn 1 tháng và 2 tháng cùng ở mức 3,7%/năm, giảm 0,3 điểm % so với trước đó. Lãi suất các kì hạn 3 tháng đến 5 tháng có sự thay đổi giảm xuống còn áp dụng cùng mức 4%/năm thay vì 4,25%/năm như đầu tháng trước. Lãi suất kì hạn từ 6 tháng đến 24 tháng đồng loạt giảm 0,5 điểm % xuống 4,4 - 6%/năm.

Đối với ngân hàng BIDV, các khoản tiền gửi có kì hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng cùng mức lãi suất là 3,7%/năm, giảm 0,3 điểm %. Lãi suất tiết kiệm kì hạn 3 tháng và 5 tháng giảm 0,25 điểm % xuống còn 4%/năm.

Tiền gửi kì hạn 6 tháng và 9 tháng và tiền gửi kì hạn dài như 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng đồng loạt được BIDV điều chỉnh giảm 0,5 điểm % so với biểu lãi suất tháng 6, lãi suất cao nhất là 6%/năm.

Không chỉ những "ông lớn", các ngân hàng thương mại tư nhân cũng có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ tháng 7.

Cụ thể, ngân hàng VIB điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất các khoản tiền gửi kì hạn từ 1 tháng đến 5 tháng 0,3 điểm % xuống cùng mức lãi suất là 3,95%/năm. Với các khoản tiền gửi kì hạn từ 6 đến 11 tháng, mức giảm dao động từ 0,6 - 0,8 điểm % cho từng loại tiền gửi khác nhau.

Tại ACB, các khoản tiền dưới kì hạn dưới 12 tháng được điều chỉnh giảm từ 0,05 - 0,5 điểm % so với đầu tháng 6/2020 và dao động trong khoảng từ 4%/năm – 6,2%/năm tùy thuộc vào số tiền gửi. Đối với kì hạn 12 tháng, lãi suất điều chỉnh giảm cho tất cả các khoản tiền gửi 0,3 điểm %, dao động từ 6,2 - 6,5%/năm.

Ngay cả Techcombank, ngân hàng có lãi suất huy động tại các kì hạn có thể xem là thấp nhất hiện nay cũng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất. Lãi suất các kì hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng hiện nay dao động từ 3,5 – 3,95%/năm tùy thuộc số tiền gửi và hình thức gửi. Lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng là 6,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền từ 3 tỉ trở lên và kì hạn 12 tháng.

Hiện tượng cắt giảm lãi suất đồng loạt của các ngân hàng vào đầu tháng này diễn ra trong bối cảnh NHNN không hề có động thái giảm lãi suất điều hành. Điều đó cho thấy sự chủ động của các ngân hàng nhằm cắt giảm chi phí vốn đầu vào khi việc cho vay ra đang gặp nhiều khó khăn.

Sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu vay vốn của nền kinh tế giảm mạnh, sức hấp thụ vốn rất kém. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 2,45%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, thấp hơn nhiều so với con số cùng kì năm trước là 6,22%.

Mặt khác, việc tiếp tục giảm lãi suất lần này của các ngân hàng sẽ tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, giúp khách hàng, doanh nghiệp sớm tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế sau những tác động của dịch bệnh COVID-19.

Lê Huy