|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Xu thế làm việc tại nhà được khởi xướng bởi COVID-19 còn tiếp diễn, chủ đầu tư văn phòng nhanh nhạy hạ giá giữ chân khách thuê

19:25 | 15/04/2020
Chia sẻ
Sẽ có rất nhiều thay đổi trong hoạt động của các DN kể từ khi COVID-19 diễn ra. Trong dài hạn, các doanh nghiệp có thể sẽ cân nhắc các khả năng như làm việc tại nhà, giảm diện tích thuê, thiết kế lại nơi làm việc linh hoạt hơn,… Đây là yếu tố được các chuyên gia lo ngại đối với các chủ đầu tư văn phòng cho thuê.
Tỉ lệ trống dự kiến tăng, tạo đòn bẩy cho việc giảm giá thuê văn phòng - Ảnh 1.

Thị trường văn phòng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của dịch COVID-19 khi các khách thuê xem xét lại nhu cầu thực tế về nhân lực và diện tích thuê. Ảnh: Nguyên Ngọc.

Theo báo cáo của Savills, trong quí I/2020, thị trường văn phòng cho thuê tại TP HCM vẫn tiếp đà tăng trưởng từ năm 2019 nhưng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ cuối tháng 3.

Toàn thị trường có thêm 7 dự án hạng B và C mới với khoảng 61.400 m2. Trong đó, riêng hai dự án hạng B tại khu vực ngoài trung tâm chiếm đến 80% nguồn cung mới. Còn tổng nguồn cung toàn thành phố đạt hơn 2,1 triệu m2, tăng 3% theo quí và tăng 16% theo năm.

Công suất trung bình vẫn được duy trì ở mức cao khi đạt 97%, tăng 1 điểm phần trăm theo quí. Tăng trưởng này chủ yếu từ tăng trưởng công suất của văn phòng hạng B, còn công suất của hạng A và C không đổi.

Do thời hạn thuê thường kéo dài từ 3-5 năm nên tác động của COVID-19 không ảnh hưởng ngay lập tức đến việc xem xét lại các điều khoản thuê, giá thuê hay giảm diện tích trước khi đến hạn hợp đồng. Giá thuê vẫn tăng 2% theo quí ở cả ba hạng.

Đến cuối quí I/2020, đại dịch phát triển với tốc độ nhanh chóng đã khiến các hoạt động kinh doanh bị đình trệ trên khắp cả nước. 

Lẽ tất yếu, thị trường văn phòng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi các khách thuê xem xét lại nhu cầu thực tế về nhân lực và diện tích thuê.

Ở phân khúc hạng C, chủ đầu tư và khách thuê linh hoạt hơn trong việc đàm phán các điều khoản phù hợp với cả hai bên, chẳng hạn như giảm đến 20% giá thuê trong tháng 3.

Trong khi đó, chủ đầu tư các tòa nhà hạng A và B gần như chưa có hành động nào. Việc giảm giá thuê kì vọng để cả chủ đầu tư và khách thuê có thể duy trì hoạt động một cách bền vững trong dài hạn.

Về phía chủ đầu tư, việc sẵn sàng giảm giá hoặc nhượng bộ trong các điều khoản thuê có thể giúp thu hút và giữ chân khách thuê, đặc biệt là các ưu đãi để đổi lấy thời hạn thuê dài hơn.

Trong ngắn hạn, Savills cho rằng khách thuê sẽ chiếm ưu thế hơn trên thị trường, khách thuê nào sớm ra quyết định sẽ đàm phán được các điều khoản có lợi hơn. Tỉ lệ trống dự kiến sẽ gia tăng, tạo đòn bẩy cho việc giảm giá thuê.

Về dài hạn, các doanh nghiệp có thể sẽ xem xét lại hoạt động của văn phòng và cân nhắc các khả năng như làm việc tại nhà, giảm diện tích thuê, thiết kế lại nơi làm việc linh hoạt hơn,… Đây là yếu tố mà các chuyên gia Savills lo ngại đối với các văn phòng cho thuê, sẽ có rất nhiều thay đổi trong hoạt động của các doanh nghiệp kể từ khi COVID-19 diễn ra.

"Nếu muốn áp dụng giảm giá thuê hoặc chiết khấu trong dài hạn, khách thuê cần xem xét cam kết thời hạn thuê dài hơn để đảm bảo công suất tòa nhà và chia sẻ rủi ro với chủ đầu tư", báo cáo của Savills khuyến nghị. 

Theo dự báo của Savills đến năm 2022, thị trường sẽ có thêm 360.000 m2 sàn văn phòng, trong đó có đến 63% nguồn cung nằm tại khu vực ngoài trung tâm. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển ra khỏi khu vực trung tâm sẽ tiếp diễn.

Trong 9 tháng cuối năm 2020, dự kiến sẽ có thêm 16 dự án mới gia nhập thị trường, cung ứng hơn 160.000 m2.

Tuy nhiên, các dự án tương lai có thể bị trì hoãn hoặc chậm tiến độ bởi ảnh hưởng của COVID-19, các biện pháp cách li có thể dẫn đến thiếu nguồn cung nguyên vật liệu và gián đoạn tiến độ xây dựng.

Nguyên Ngọc