|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xu hướng điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Trung Quốc

06:56 | 16/12/2019
Chia sẻ
Các nhà bán lẻ nước ngoài đang mở rộng sự hiện diện và điều chỉnh các chiến lược kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu mở cửa hơn nữa.
Xu hướng điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Biểu tượng của tập đoàn Nike. Ảnh: Reuters

Các nhà bán lẻ nước ngoài đang mở rộng sự hiện diện cũng như điều chỉnh các chiến lược kinh doanh của họ tại thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu mở cửa hơn nữa khi người tiêu dùng trong nước mong muốn có các sản phẩm chất lượng cao.

Đối mặt với tình hình phức tạp và những thách thức gia tăng ở cả trong và ngoài nước trong năm nay, cuộc họp của ban lãnh đạo Trung Quốc ngày 6/12 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những cải cách sâu rộng trong hệ thống kinh tế để đạt được mức độ mở cửa cao hơn.

Đối với các nhà bán lẻ nước ngoài và người tiêu dùng trong nước, cuộc họp đã thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc tiếp tục mở cửa và tạo ra một thị trường ngày càng thịnh vượng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng tăng trưởng ì ạch.

Một thị trường mở...

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kể từ đầu năm 2019, một loạt công ty nước ngoài, trong đó có Adidas, Nike và Lego, đã mở các cửa hàng chiến lược (flagship) mới các tại các phố lớn của Trung Quốc, trong khi chuỗi siêu thị ALDI của Đức thâm nhập thị trường Trung Quốc Đại lục và các cửa hàng tiện ích Lawson đang “càn quét” khắp các thành phố cấp ba và cấp bốn của nước này.

Các xu hướng trên chứng minh Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường tiêu dùng đầy thách thức nhưng cũng quan trọng mà các nhà bán lẻ không thể bỏ qua.

Hai năm sau khi ra mắt tại thị trường Trung Quốc, chuỗi siêu thị giá rẻ ALDI của Đức chính thức khai trương các cửa hàng thí điểm đầu tiên tại Thượng Hải hôm 7/6, sau đó là ba cửa hàng nữa được mở trong tháng Mười. Các cửa hàng này được tùy biến và thiết kế riêng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Yougang Chen, Chủ tịch ALDI tại Trung Quốc, cho hay sự nhiệt tình và ủng hộ của người tiêu dùng Trung Quốc đã giúp tăng thêm sự tự tin cho ALDI trong việc phát triển hoạt động kinh doanh dài hạn tại đây. Bên cạnh đó, những cửa hàng mới mở sẽ giúp mở rộng phạm vi dịch vụ.

Nhà bán lẻ Walmart China mới đây cũng thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động khi mở hơn 500 cửa hàng mới và các kho hàng nhỏ trong 5-7 năm tới, cũng như nâng cấp 200 cửa hàng hiện nay trong ba năm tới. Doanh thu ròng của Walmart China đã tăng 6,3% trong quý III/2019, ghi nhận mức kỷ lục trong 5 năm qua.

Mong muốn mở rộng thị trường tại Trung Quốc của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tăng lên một phần nhờ Hội chợ Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ hai, sau khi Trung Quốc đánh đi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết mở cửa hơn nữa.

Trả lời hãng tin Tân Hoa xã, Giám đốc điều hành tập đoàn LEGO Group, Niels B. Christiansen cho hay Trung Quốc được xem là “thị trưởng tăng trưởng chiến lược” của LEGO, theo đó ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số trong doanh thu tiêu dùng trong nửa đầu năm 2019.

LEGO Group đã hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba để tăng doanh số và thương hiệu. Tập đoàn này cũng hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Tencent để ra mắt phần mềm trò chơi LEGO Cube trên điện thoại dành cho trẻ em.

 ... và đa dạng

Vì sao thị trường bán lẻ của Trung Quốc lại đa dạng? Một thực tế cơ bản là cơ cấu tiêu dùng ngày càng nâng cấp của Trung Quốc đang hướng ngành công nghiệp bán lẻ đến một sự tiện lợi, đa dạng và trải nghiệm.

Chủ trương của Trung Quốc dành ưu tiên hàng đầu cho thiết bị di động và thanh toán di động đã thúc đẩy cuộc cách mạng thương mại điện tử tại Trung Quốc. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Gartner L2, với việc thanh toán di động chiếm tới 86%, Trung Quốc đang tiến gần tới việc trở thành nước không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo trên, thanh toán di động tạo điều kiện thuận tiện cho cả thương mại trực tuyến và truyền thống, cung cấp sự tiếp cận và sức mua cho khách hàng, đồng thời cho thấy tốc độ đổi mới của Trung Quốc, ảnh hưởng của gã khổng lồ công nghệ đối với bán lẻ, giao nhận hàng trong ngày và mua sắm thông qua phát trực tiếp.

Các cửa hàng mới của ALDI tại Thượng Hải ra mắt tính năng tích hợp trải nghiệm bán lẻ tích hợp trực tuyến với truyền thống thông qua chức năng "Quét & Đi" (Scan&Go) trên ứng dụng WeChat và các dịch vụ giao hàng ngay lập tức trong vòng ba km từ các cửa hàng.

METRO AG, công ty quốc tế hàng đầu về bán buôn và bán lẻ thực phẩm, hồi tháng 10/2019, đã đồng ý giao dịch và hợp tác chiến lược với tập đoàn công nghệ Wumei Technology Group (Wumei), theo đó METRO AG sẽ bán toàn bộ cổ phần trong METRO China và nhận được 20% cổ phần trong liên doanh chung này.

Olaf Koch, Giám đốc điều hành METRO AG, cho biết, sau khi đánh giá các lựa chọn khác nhau, METRO AG đã chọn một lộ trình theo đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò của METRO China đối với người tiêu dùng.

Wumei và đối tác công nghệ của mình là Dmall sẽ mang đến kiến thức "bán lẻ mới", kết hợp giữa dịch vụ trực tuyến và truyền thống, có lợi cho METRO China trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng.

Trả lời phòng vấn hãng tin THX, người đứng đầu Hiệp hội tiếp thị Thượng Hải Chen Xinkang, cho biết thị trường bán lẻ chủ yếu được thúc đẩy bởi hai yếu tố là nhu cầu và đổi mới công nghệ. Trung Quốc đang chứng kiến xu hướng thương mại gia tăng rõ rệt. 

Trong khi đó, sự phát triển của thị trường bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng bởi công nghệ dữ liệu lớn và công nghệ thông minh, trong bối cảnh có nhiều đổi mới hơn trong mô hình kinh doanh cá nhân hóa, tiện lợi và thông minh.

Chia sẻ các cơ hội

Theo ông Chen, chỉ trong hơn 20 năm, thị trường bán lẻ Trung Quốc đã hoàn thành quá trình phát triển vốn mà các thị trường Mỹ và châu Âu đã phải mất gần 80 năm để thực hiện. Đồng thời, ông lưu ý rằng các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện có đủ khả năng cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho hay doanh số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc đạt 33.480 tỷ NDT (4.760 tỷ USD) trong thời gian từ tháng 1-10/2019, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, Gartner L2 dự đoán tổng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ đạt 5.600 tỷ USD, vượt Mỹ trở thành thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới.

Bai Ming, một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho hay trong bối cảnh quá trình mở cửa của Trung Quốc ngày càng mạnh, các doanh nghiệp bán lẻ từ khắp nơi trên thế giới đã thâm nhập thị trường Trung Quốc và tạo sự phong phú hơn cho các lựa chọn tiêu dùng của người dân nước này.

Bên cạnh đó, việc người tiêu dùng Trung Quốc nâng cấp nhu cầu mua sắm và chất lượng hàng hóa, cùng với xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng lớn hơn tại Trung Quốc hiện là hai yếu tố thúc đẩy thị trường bán lẻ nước này phát triển.

Minh Hằng