Xét xử Phạm Công Danh chiều 30/7: 'Số tiền 4.500 tỷ đồng chưa bao giờ thuộc sở hữu của VNCB'
VKS đề xuất án 30 năm tù với Phạm Công Danh, từ 4 - 5 năm tù với Trầm Bê | |
Xét xử Phạm Công Danh sáng 30/7: Luật sư đề nghị CBBank trả lại 4.500 tỷ cho nhóm pháp nhân của Phạm Công Danh |
Chiều nay (30/7) tiếp tục diễn ra phiên xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với bào chữa của các luật sư.
17h: phiên toà kết thúc
16h20: Các luật sư xin giảm nhẹ án cho các bị cáo
Luật sư Võ Đan Mạch bào chữa cho Nguyễn Quốc Viễn, Nguyễn Quốc Thịnh, Hồ Thị Đi đề nghị HĐXX xem xét và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đối với bị cáo Đi, giai đoạn 1 bị cáo chịu mức án là 3 năm tù, lần này cũng bị thêm từ 2-3 năm tù. LS mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo vì đây là tại nạn mà bị cáo là không mong muốn.
LS Vân bào chữa cho bị cáo Phương Nam, Đỗ Minh Thủy và Trần Việt Hà đồng thuận với quan điểm luận tội VKS.
Đối với bị cáo Trần Việt Hà, bản chất hành vi của bị cáo không có gì thay đổi so với xét xử trước. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, LS nhận thấy VKS chưa ghi nhận trách nhiệm dân dự liên quan đến của hành vi bị cáo Hà. Bản thân bị cáo Hà không được hưởng lợi ích gì về việc nhận ủy thác của Quỹ Lộc Việt.
Tại thời điểm trước khi khởi tố, bị cáo Hà phát hiện bệnh ung thư. Đại diện gia đình cũng đã gửi hồ sơ bệnh án cho HĐXX, đây là yếu tố cần xem xét về góc độ trách nhiệm hình sự của bị cáo. LS cho rằng mức án 6-7 năm đối với bị cáo Hà là quá nghiêm khắc.
Bị cáo Hà cho rằng mình không có tư lợi cá nhân, mong HĐXX xem xét để bị cáo nhận sự khoản hồng của pháp luật. Trong khi đó, bị cáo Nam và Thủy không có ý kiến bổ sung.
LS bào chữa cho bị cáo Đỗ Việt Bun cho biết bản thân bị cáo không biết bản chất của mua trái phiếu. Liên quan 29 công ty vay tiền 3 ngân hàng, Công ty Khôi Nguyên Phát vay ít tiền nhất trong các công ty này. Bị cáo Việt Bun cũng mong HĐXX xem xét yếu tố nhân thân, không tách bị cáo ra khỏi xã hội.
LS Tùng bào chữa bị cáo Hoàng Long Hà giữ nguyên quan điểm bào chữa và có một số ý kiến bổ sung. LS khẳng định bị cáo Hà không hề liên hệ, trao đổi với bị cáo Danh. Ngoài truy tố giai đoạn 1 cho rằng bị cáo Hà vi phạm điều 126 luật TCTD, bị cáo còn vi phạm điều 127. LS cho biết, NHNN đã có văn bản trả lời việc vay vốn của Công ty Phong Hiệp tại BIDV đúng quy định, tiền xuất phát từ công ty Phong Hiệp. Do đó, việc truy tố của VKS chưa thỏa mãn quy định của pháp luật mong HĐXX xem xét một cách khách quan, toàn diện.
Bị cáo Hoàng Long Hà mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh, góc độ khía cạnh của BIDV. BIDV không có trách nhiệm xem xét quan hệ VNCB tại công ty Phong Hiệp. Đồng thời cho rằng bị cáo không hề tư lợi cá nhân.
LS Chi bào chữa cho Đặng Thị Bích Thủy bảo lưu quan điểm và bổ sung liên quan đến công văn 15 của VKS. Bị cáo Thủy không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sai phạm tại TPBank. Nguyên nhân chính là do các công ty do ông Danh lập không thực hiện đúng phương án kinh doanh.
Về mặt chủ quan, bị cáo Thủy không cố ý gây ra thiệt hại cho VNCB. Bị cáo không tiếp nhận ý chí của ông Danh. Hành vi này ngoài ý thức của bị cáo và không hề liên hệ với bị cáo Hà để thực hiện cho vay. LS nêu hoàn cảnh gia đình của bị cáo, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ.
LS Huyền Trang bào chữa cho bị cáo Thủy cũng cho rằng những hành vi của bị cáo không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của VNCB, mong HĐXX lưu tâm đến vấn đề này. Bị cáo thực hiện cho vay theo chỉ đạo của cấp trên. Nếu bị cáo không thực hiện thì liệu có bị cáo có bị cho thôi việc hay không. Thời điểm đó, hoàn cảnh bị cáo hết sức khó khăn.
LS đề nghị xem xét HĐXX về việc có hay không chịu liên đới trách nhiệm dân sự khoản tiền hơn 6.000 tỷ đồng và đồng thời thu hồi vật chứng của vụ án.
Bị cáo Thủy mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo.
15h50: nghỉ giải lao
15h35: VNCB lỗ chỉ là bề nổi
Bị cáo Phan Thành Mai bào chữa bổ sung. Theo ông, vấn đề lỗ của ngân hàng VNCB chỉ là bề nổi. Bị cáo và đồng nghiệp đã cố gắng ngăn chặn khoản lỗ nhưng không thể được. Lỗ này do chi phí trả lãi huy động cao lên tới 1.500 tỷ đồng.
Liên quan nguồn vốn tăng vốn điều lệ, thời điểm đó vốn huy động của ngân hàng 5.900 tỷ đồng và phải trả thêm lãi ngoài. Bị cáo cho biết, không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào, vực dậy ngân hàng. Bị cáo đã trình nhiều văn bản báo cáo tổn thất 3 ngân hàng, bổ sung một số tài sản bổ sung vào tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Tại phiên toà, bị cáo Mai trình bày rõ ý đồ tăng vốn điều lệ. VNCB đã có hai văn bản điều chỉnh hạch toán vốn điều lệ và chưa được NHNN chấp nhận, yêu cầu hạch toán kế toán đúng quy định vào cuối năm. Về việc thu hồi vật chứng, mong HĐXX xem xét rõ nguồn gốc của khoản tiền 4.500 tỷ đồng.
15h30: Mức án của ông Phan Thành Mai là quá nghiêm khắc
Luật sư Giang Hồng Anh (bào chữa cho Phan Thành Mai) nêu lên những bất công mà bị cáo Mai và các bị cáo khác đã phải chịu. Theo luật sư, vụ án bị chia các thành 2 giai đoạn khiến cho ông Mai và các bị cáo khác nhận gấp đôi hình phạt.
Ông Phan Thành Mai không phải là người có vai trò quyết định trong vụ án, nên mức án mà VKS (từ 12-14 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù) là quá cao và nghiêm khắc đối với một người không muốn gây thiệt hại cho VNCB. Bên cạnh đó, ông Phan Thành Mai cũng không được hưởng lợi trong vụ án. Do vậy luật sư cho rằng quan điểm của VKS đưa ra là không phù hợp.
15h25: Ông Danh mong muốn được tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục hậu quả
Ông Phạm Công Danh bào chữa bổ sung cho bản thân.
Bị cáo mong muốn HĐXX, VKS tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục hậu quả. Khoản tiền 4.500 tỷ đồng, bị cáo Danh khẳng định không thể hòa tan được và không sử dụng bất kỳ đồng nào mà bị cáo đã bỏ ra vì bị cáo bỏ ra số tiền gấp nhiều lần số tiền này.
Về đề án tái cơ cấu, bị cáo Danh cho rằng nếu cơ quan điều tra phát hiện sớm thì đề án này đã thành công rồi và bị cáo không phải đứng ở phiên tòa này. Bị cáo cho biết, đã bị Bà Phấn lừa và chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng. Mong HĐXX xét nguyên nhân, bối cảnh vụ án, trả lại niềm tin và khắc phục hậu quả.
14h30: "Số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn lệ cần được trả cho những người góp vốn"
Luật sư (LS) bào chữa cho ông Danh cho biết trong phần luận tội của VKS có mâu thuẫn.
Trong suốt quá trình điều tra, khởi tố tất cả bị cáo đều thành khẩn, nhìn nhận sai phạm của mình. Ông Phạm Công Danh luôn luôn đại diện VNCB chi tiêu cho ngân hàng đồng thời chưa bao giờ chi tiêu một đồng nào cho cá nhân vậy lý do nào VKS cho rằng vì lợi ích cá nhân bị cáo Danh và đồng phạm thực hiện hành vi cố ý, làm trái quy định.
LS đồng tình về quan điểm của VKS số tiền 4.500 tỷ đồng, số tiền này chưa bao giờ thuộc sở hữu của VNCB. Đây là số tiền lớn, không thể biến mất, hòa chung như vậy. Nếu bây giờ không hạch toán, thì sẽ vi phạm pháp luật.
“Theo quy định pháp luật, không phải cứ tiền chuyển vào ngân hàng là tiền của ngân hàng”, luật sư cho biết.
Về bản chất tài chính, VNCB chưa được phép hạch toán vốn chủ sở mà phải đưa vào nợ phải trả. Đồng thời, LS cho rằng việc điều chỉnh hạch toán là yêu cầu bắt buộc phải làm.
LS Giang cho rằng trong 4.500 tỷ đồng có 2.900 tỷ đồng giải ngân cho 29 công ty đã được giải quyết ở giai đoạn 1, vì vậy vụ án này bị cáo Danh không phải bồi hoàn số tiền trên. Nếu như VNCB không trả 4.500 tỷ đồng cho những người góp vốn thì ngân hàng đã sử dụng nay còn tiếp tục hưởng lợi số tiền này.
Từ những phân tích trên, LS đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá đúng nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của ông Danh đồng thời đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo. Số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn lệ cần được trả cho những người góp vốn.
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa (Ảnh: PV) |
Tóm tắt phiên tòa sáng 30/7:
Tại phiên tòa, Viện kiểm sát (VKS) công bố mức án đề xuất đối với các bị cáo. Bị cáo Phạm Công Danh đề nghị án 30 năm tù; Trầm Bê từ 4 -5 năm tù; Phan Thành Mai 30 năm tù; Phan Huy Khang từ 3 - 4 năm tù,...Đồng thời, đề nghị thu hồi trên 6.126 tỷ đồng trong đó có 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ được xác định là tiền thiệt hại trong vụ án từ các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank trả cho CBBank để khắc phục hậu quả.
Trước quan điểm luận tội của VKS, Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX đánh giá và nhìn nhận hành vi sai phạm cố ý làm trái về việc dùng tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng để bảo lãnh các khoản vay theo những nguyên nhân, bối cảnh liên quan đến các hành vi để có mức độ xử lý đối với ông Phạm Công Danh và các cá nhân liên quan tại VNCB
Theo luật sư, số tiền 4.500 tỷ đồng do ông Danh dùng các pháp nhân để đưa vào VNCB nhằm tăng vốn điều lệ nhưng không được chấp thuận vậy nên phải trả lại cho các pháp nhân trên để khắc phục hậu quả. Cần thu hồi các số tiền không hợp pháp để có cơ sở giải quyết vụ án.
Luật sư Trần Minh Hải cũng ủng hộ quan điểm nếu không dùng 4.500 tỷ để tăng vốn thì phải trả cho nhóm cổ đông của Phạm Công Danh đã đưa vào ngân hàng. Ông cho rằng số tiền 4.500 tỷ không hiển thị trong số dư của ngân hàng là do trong bản sao kê của ngân hàng không nói lên đâu là dòng tiền sở hữu, đâu là khoản phải trả, đâu là khoản phải thu.
Đến nay, CBBank vẫn chưa xuất được báo cáo tài chính, không thể xem xét lý do này và cần xem xét và ghi nhận xác định rõ số tiền 4.500 tỷ do CBBank sử dụng chứ không phải Phạm Công Danh. Dù sử dụng vào mục đích nào cũng đều với tư cách của CBBank.