Vụ án Phạm Công Danh: Chưa thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng thất thoát
Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh về trại giam. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) |
Thực hiện Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW, ngày 4/9/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã công bố, triển khai kế hoạch kiểm tra tại Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã báo cáo với Đoàn công tác về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế giai đoạn 2013-2018.
Theo đó, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (theo từng giai đoạn tố tụng) như sau: Tổng số vụ án thụ lý là 28 vụ trong giai đoạn điều tra, với tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa là hơn 7,6 tỷ đồng, 11.632 gram vàng… Tổng số vụ án thụ lý trong giai đoạn xét xử là 23 vụ với tổng số tiền, tài sản đã phát hiện, áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa là hơn 69,267 tỷ đồng, 12.299 gram vàng…
Tổng số bản án, quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án dân sự là 30 vụ, với tổng số tiền thu hồi theo quyết định hình sự về tham nhũng, kinh tế của Tòa án nhân dân các cấp là gần 4.000 tỷ đồng… Hiện đã thi hành xong 36 việc với hơn 4 tỷ đồng (đạt 82% số việc). Tuy nhiên, số tiền thu hồi này còn hạn chế trong tổng số tiền phải thi hành vì vụ Phạm Công Danh hiện chưa thu hồi được số tiền hơn 3.946 tỷ đồng.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN) |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, qua thực tiễn triển khai công việc, Đà Nẵng đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng chống tham nhũng. Dù đã đạt tỷ lệ số việc phải thi hành khá cao, tuy nhiên tổng số tiền thu hồi còn hạn chế. Việc Đoàn Kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương làm việc tại Đà Nẵng đã góp phần củng cố thêm niềm tin trong đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đối với Đảng về xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản sai phạm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, mục đích của lần làm việc này nhằm thông qua công tác kiểm tra để đánh giá đúng tình hình, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tìm ra hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, từ đó có biện pháp thiết thực, hữu hiệu nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn, thông qua việc kiểm tra và thực tiễn công tác thu hồi tài sản, thành phố Đà Nẵng sẽ tìm ra sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách về thu hồi tài sản tham nhũng để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Từ đó, giúp tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản của cơ quan chức năng, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, vụ án Phạm Công Danh đang được dư luận xã hội rất quan tâm, số tiền phải thu hồi ở thành phố Đà Nẵng rất lớn (gần 4.000 tỷ đồng), trong khi tài sản phải xử lý để thi hành án là dự án khu phức hợp dịch vụ cao tầng Sân vận động Chi Lăng đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều vướng mắc về mặt pháp lý còn chưa được giải quyết.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổng hợp đầy đủ, cụ thể những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị của thành phố đối với vụ Phạm Công Danh để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ chỉ đạo./.