Xe VinFast, Honda, Hyundai,… sản xuất trong nước có thể sẽ được tiếp tục miễn 50% lệ phí trước bạ
Ngày 23/7, CTCP Thành Công Motor Việt Nam (TC Motor) đã có công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của TC Motor.
Đồng thời đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong bối cảnh dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021
Trước đó, hồi tháng 5, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã đề xuất tiếp tục miễn giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô đăng ký mới, song đã bị Bộ Tài chính bác bỏ. Bộ cho rằng đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô đăng ký mới đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Chương trình giảm 50% lệ phí trước bạ so với quy định đối với ô tô sản xuất trong nước được bắt đầu áp dụng từ ngày 29/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 với mục đích kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, từ ngày Từ ngày 1/1/2021, lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước 9 chỗ ngồi trở xuống đã quay về mức 10% cho lần nộp phí đầu tiên, tuỳ từng địa phương.
Như vậy, nếu đề xuất của TC Motor được thông qua, các hãng xe có xe sản xuất, lắp ráp trong nước như VinFast, Honda Việt Nam hay Hyundai, Thaco,... sẽ là những cái tên được hưởng lợi đầu tiên.
Về thị trường ô tô trong nước, 7 tháng đầu năm nay, trước những tác động của làn sóng COVID-19 lần thứ 4, lượng xe bán ra theo báo cáo của VAMA đã giảm 32% xuống hơn 16.000 xe.
Trong đó, doanh số xe du lịch đạt hơn 10.400 chiếc, giảm 34%; xe thương mại hơn 5.100 chiếc, giảm 27%. Xét theo xuất xứ, xe trong nước bán ra hơn 9.000 chiếc, giảm 32%; xe nhập khẩu bán được hơn 7.000 chiếc, giảm 31% so với tháng trước.
Phía TC Motor công bố doanh số bán hàng tháng 7 giảm tới 27% so với tháng trước khi chỉ bán ra 4.031 chiếc. Cộng dồn 7 tháng đầu năm hãng đạt 38.066 xe. Trong đó, Hyundai Accent có số lượng bán hàng tốt nhất với 983 xe đến tay khách hàng trong tháng 7. New Hyundai Santa Fe mới ra mắt tháng 5 vẫn bám sát doanh số của Accent với 912 xe bán ra.
Công ty cho biết kết quả bán hàng Hyundai tháng 7 có sự sụt giảm so với các tháng trước đó do sự ảnh hưởng của COVID-19 khi lệnh giãn cách xã hội được thực hiện tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.
Chứng khoán SSI nhận định, doanh số ô tô dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm trong nửa cuối năm nay do đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài. Đồng thời tăng trưởng doanh thu ngành ô tô nửa cuối năm dự báo cũng sẽ chậm lại so với cùng kỳ do chịu tác động từ việc không được hỗ trợ từ Nghị định 70 và dự kiến không có gói ưu đãi tương tự được áp dụng trong năm nay.
Ngoài ra, sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu dự kiến gây ảnh hưởng đến việc ra mắt các mẫu ô tô mới chậm lại đáng kể trong vòng 6 - 12 tháng tới."Với doanh số bán chậm cùng sức cạnh tranh gay gắt và chi phí nguyên vật liệu (từ thép đến chip vận hành) tăng, dự kiến lợi nhuận ngành ô tô chỉ phục hồi ở mức một chữ số trong nửa cuối năm nay", báo cáo viết.