Ngành ô tô Trung Quốc: Từng đi sau các nước phương Tây nhưng có tiềm năng trở thành người dẫn đầu nhờ xe điện
Khi Shannon Harrison mua một chiếc xe điện từ một đại lý ở khu vực Dallas vào mùa hè, cô không biết nó được sản xuất tại Trung Quốc. Cô thậm chí không nhất thiết phải tìm kiếm một chiếc ô tô điện, theo Washington Post.
Cô chỉ muốn một chiếc xe hybrid, hoặc một thứ gì đó tiết kiệm nhiên liệu để giảm hóa đơn tiền xăng, nhưng các đại lý khi đó có lượng nguồn cung hạn chế. Đúng thời điểm đó, một người bán hàng đề cập đến một thương hiệu điện mà cô chưa từng nghe đến trước đây: Polestar.
Chiếc xe được thiết kế ở Thụy Điển, nhưng cô không biết rằng nó lại được sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Polestar trên thị trường Mỹ là một dấu hiệu cho thấy tham vọng của Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn trong một ngành công nghiệp mà trước đây họ chưa từng chinh phục: ô tô.
Người tiêu dùng Trung Quốc mua nhiều ô tô sản xuất trong nước, nhưng thường ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài như Volkswagen, General Motors và Toyota hơn các mẫu xe nội địa. Trong khi Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu phụ tùng ô tô lớn, thì họ lại không làm được điều tương tự với xe thành phẩm.
Xe điện mở ra cơ hội cho ngành ô tô Trung Quốc
Sự xuất hiện của kỷ nguyên điện đang mang đến cho Trung Quốc một cơ hội khác để khẳng định vị thế trên thị trường ô tô. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào việc phát triển ngành công nghiệp xe điện, với sự hỗ trợ tài chính lớn từ nhà nước.
Các thương hiệu xe điện trong nước đã chiếm được thị phần lớn trong tổng doanh số bán xe điện ở Trung Quốc. Một số đơn vị, bao gồm BYD, Nio và Great Wall Motor, đang bắt đầu xuất hiện ở thị trường nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh mới cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
Matthias Schmidt, người sáng lập Schmidt Automotive Research ở Berlin cho biết, các nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất xe điện trước hầu hết đối thủ phương Tây, mang lại cho họ “lợi thế đáng kể” về hiệu quả sản xuất.
Chính quyền Trung Quốc và thị trường nội địa của quốc gia này đã đẩy nhanh nỗ lực để khẳng định vị thế trên thị trường xe điện bằng cách tung ra các gói trợ cấp cho các nhà sản xuất xe điện trong nước, cơ sở hạ tầng trạm sạc và cả việc hỗ trợ mua xe điện của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ các nhà sản xuất pin Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây gia tăng, tham vọng xuất khẩu của Bắc Kinh đang gặp trở ngại. Các nhà phân tích cho rằng tâm lý có phần tiêu cực của người tiêu dùng về hàng hóa Trung Quốc cũng có thể làm giảm doanh số bán hàng, mặc dù một số người mua có thể không biết hoặc không quan tâm lắm đến nơi sản xuất của nhiều loại xe.
“Tôi không biết nó được sản xuất ở Trung Quốc. Theo như tôi được biết, miễn là bản thân chiếc xe đó là một chiếc xe được sản xuất tốt, có thể đưa tôi đến nơi tôi cần đến thì xuất xứ của nó không ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định mua của tôi”, Harrison nói về chiếc Polestar trị giá 65.000 USD của mình.
Polestar được kiểm soát bởi tỷ phú Trung Quốc Li Shufu, người sáng lập và cổ đông lớn của Zhejiang Geely Holding Group, một nhà sản xuất ô tô lớn ở Trung Quốc đã mở rộng ra nước ngoài vào năm 2010 bằng cách mua Volvo Cars của Thụy Điển. Volvo và Geely sau đó đã thành lập Polestar với tư cách là một công ty riêng biệt vào năm 2017, đặt trụ sở chính tại quê hương của Volvo là Gothenburg, Thụy Điển.
Các nhà quản lý và thiết kế ô tô hàng đầu của Polestar làm việc tại Thụy Điển. Sản phẩm chính của công ty, Polestar 2, được sản xuất tại một nhà máy ở Luqiao, Trung Quốc, nơi cũng sản xuất một mẫu xe điện của Volvo. Công ty cho biết họ đang trên đường giao 50.000 chiếc Polestar cho khách hàng ở 27 quốc gia trong năm nay, gấp đôi số lượng giao hàng vào năm 2021, năm đầu tiên công ty đi vào sản xuất.
Nhà sản xuất ô tô tự quảng cáo mình là một thương hiệu Thụy Điển đang cạnh tranh để thu hút sự quan tâm của những người mua thuộc tầng lớp giàu có. Polestar đã gây bão ở Mỹ trong năm nay với một đoạn quảng cáo tại Super Bowl, hứa hẹn với khách hàng rằng công ty không có kế hoạch “chinh phục sao Hỏa” như người sáng lập Tesla Elon Musk, hoặc sa lầy vào “cổng động cơ diesel” kiểu Volkswagen.
Polestar vẫn là một công ty tương đối nhỏ ở Mỹ, đã bán được khoảng 6.900 xe trong 9 tháng đầu năm nay. Để so sánh, Ford đã bán được khoảng 28.000 chiếc xe điện Mustang Mach-E trong cùng giai đoạn, theo nhà cung cấp dữ liệu Wards Intelligence.
Khó khăn với các thương hiệu xe điện Trung Quốc
Một số người mua ở Mỹ cho biết họ chọn mua xe Polestar vì chiếc xe này có sẵn trong bối cảnh các đại lý đang thiếu nguồn cung xe do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng bán dẫn toàn cầu
Sunil Paul, một doanh nhân công nghệ ở San Francisco, đã mua một chiếc Polestar khoảng một năm trước sau khi lái thử. “Chiếc xe có khả năng xử lý và phong cách tuyệt vời. Nó đáp ứng rất nhiều yêu cầu và phù hợp với mong muốn của tôi”, ông Sunil cho biết.
Thời điểm ông Sunil mua xe, việc chiếc xe được sản xuất tại Trung Quốc không phải là mối bận tâm lớn đối với ông. Ông cảm thấy điều quan trọng là phải hỗ trợ nhiều nhà sản xuất xe điện khác nhau, để “khuyến khích sự đa dạng của nguồn cung xe điện”.
Người tiêu dùng có thể ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả một số thương hiệu phương Tây quen thuộc cũng đang sản xuất xe điện của họ ở Trung Quốc trước khi bán chúng ở các thị trường phương Tây.
BMW đang chế tạo iX3, một chiếc SUV điện, tại Trung Quốc để xuất khẩu sang châu Âu và các nước khác, đồng thời có kế hoạch làm điều tương tự với một số mẫu Mini chạy điện. Gã khổng lồ Tesla đã xuất khẩu hàng nghìn xe từ nhà máy ở Thượng Hải sang châu Âu.
Hiện tại, có lẽ do những rào cản gia nhập thị trường Mỹ, một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang nhắm mục tiêu lớn hơn vào châu Âu và các khu vực khác. Nio, có trụ sở tại Thượng Hải, đang bán mẫu xe ET7 của mình ở Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy, đồng thời cho biết họ đặt mục tiêu thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2025.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, SAIC thuộc sở hữu nhà nước, đã mua thương hiệu MG của Anh vào đầu những năm 2000, đang bán một số mẫu xe điện MG ở châu Âu, bao gồm cả một chiếc hatchback bình dân có giá khởi điểm khoảng 26.000 bảng Anh (khoảng 31.500 USD).
Wei Jianjun, chủ tịch của Great Wall Motor, công ty đang tung ra một mẫu xe điện giá rẻ mới ở châu Âu có tên là Ora Funky Cat, cho biết công ty vẫn đang học cách đáp ứng các thị hiếu và nhu cầu khác nhau ở thị trường nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với China Business Journal, Wei cho rằng hình ảnh thương hiệu là một rào cản lớn, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ.
“Có lẽ không chỉ Great Wall Motor đang phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy. Đó là nỗi khổ chung của hầu hết thương hiệu xe hơi Trung Quốc. Ô tô khác với các sản phẩm khác vì việc quảng bá mất nhiều thời gian hơn và phải đối mặt với nhiều thách thức. Chúng tôi không thể đưa ra phán quyết dựa trên một hoặc hai năm mà phải đưa ra chiến lược phát triển trong vòng ít nhất 10 năm”, lãnh đạo Great Wall Motor cho biết.