|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xe điện Trung Quốc 'xâm chiếm' châu Âu

21:33 | 30/10/2022
Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm, cứ 20 xe điện bán ra ở Châu Âu thì có 1 mẫu xe mang thương hiệu Trung Quốc.

Cựu CEO Volkswagen Herbert Diess từng được đặt ra câu hỏi hãng xe nào ông khiến ông lo ngại nhất. Thay vì Tesla hay một hãng xe truyền thống nào đó của Châu Âu hoặc Mỹ, ông chọn BYD, một hãng xe Trung Quốc ít được người dùng Phương Tây biết tới.

BYD là một trong số hơn 10 thương hiệu Trung Quốc đang chuẩn bị dùng xe điện để khuấy đảo thị trường châu Âu. Các lãnh đạo và nhà phân tích ngành xe đự đoán sự phát triển vượt bậc của các hãng xe Trung Quốc sẽ tái định hình bức tranh mảng xe tại Châu Âu trong 10 năm tới, theo FT.

“Thị trường cực kỳ cởi mở với các hãng xe Trung Quốc”, Carlos Tavares, CEO Stellantis, nhận định. Thông điệp này được ông Tavares chia sẻ tại sự kiện Paris Motor Show diễn ra gần đây. Tại sự kiện này, các hãng xe Trung Quốc như BYD hay Great Wall cũng có các gian hàng lớn đặt ngay đối diện nhiều hãng xe Pháp có tiếng như Renault và Peugeot.

Thương hiệu xe Ora của Great Wall đặt mục tiêu thâm nhập vào phân khúc giá thấp với mẫu xe Ora Funky Cat (30.000 Bảng Anh) và phân khúc cao cấp với thương hiệu Wey. BYD định giá xe của mình cùng phân khúc với các mẫu xe điện của Volkswagen. Tuy nhiên, hãng này nói rằng các dịch vụ đi kèm 3 mẫu xe của hãng sẽ là thứ tạo ra sự khác biệt.

BYD cũng sản xuất tất cả mọi thứ trong những chiếc xe của mình ngoại trừ kính và lấp xe. Điều này đồng nghĩa với việc BYD sẽ không vướng vào nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng mà phần lớn các nhà sản xuất xe đang gặp phải gần đây.

“Để trở thành một thương hiệu toàn cầu, chúng tôi phải chiến thắng bằng chất lượng”, ông Meng Xiangjun, chủ tịch Châu Âu của Great Wall nói với FT. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi ở thời điểm hiện tại là vào thị trường Châu Âu”.

Ông Michael Shu, lãnh đạo việc triển khai thâm nhập thị trường Châu Âu của BYD, cho biết hãng này không đặt mục tiêu doanh số để hoàn toàn tập trung vào việc làm hài lòng người dùng.

 (Nguồn: Financial Times, Việt hoá: Thái Sơn). 

“Chúng tôi tin rằng đây là điểm mấu chốt giúp cho việc kinh doanh của chúng tôi”, ông nói. “Không phải vấn đề chính trị, cạnh tranh hay giá năng lượng tăng, chúng tôi tập trung vào sự hài lòng của khách hàng, đó là tập trung lớn nhất của chúng tôi”, ông khẳng định.

Michael Dunne, cựu lãnh đạo GM Trung Quôc, nói: “Để chiến thắng, họ cần chiến thắng trên 2 mặt trận: Khách hàng không quen thuộc với thương hiệu và các lãnh đạo chính trị lo ngại về kế hoạch lớn của Trung Quốc”.

Hãng xe SAIC đã giải quyết vấn đề thương hiệu bằng cách mua lại thương liệu MG. Tuy nhiên, các rào cản về chính trị dường như khó làm rõ hơn.

 Great Wall muốn thâm nhập phân khúc xe điện giá thấp bằng chiếc Ora Funky Cat. (Ảnh: Bloomberg). 

Ông Tavares cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc sẽ bán xe lỗ để vượt mặt các thương hiệu Châu Âu và tăng thị phần. Ông kêu gọi EU áp thuế đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc.

William Li, CEO Nio, cho biết ông không lo ngại các vấn đề chính trị. Theo ông, nhiều người dùng Mỹ vẫn mua xe thương hiệu Nhật Bản ở đỉnh điểm của chiến tranh thương mại những năm 1980. Công ty sẽ tập trung vào “lợi ích của người dùng” để vượt lên “bất kỳ xu hướng tiềm năng nào chống lại các thương hiệu Trung Quốc”, ông nói với FT.

Từ lâu, các hãng xe Trung Quốc thường tập trung ở thị trường nội địa và ngay cả tại đây họ cũng gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các thương hiệu xe Nhật Bản.

 (Nguồn: Financial Times, Việt hoá: Thái Sơn).   

Dù vậy, xe điện mở ra một cuộc chơi mới với các hãng xe Trung Quốc. Lúc này, họ đã có những dấu ấn nhất định tại Châu Âu. Cứ 20 xe điện bán ra ở Châu Âu trong 6 tháng đầu năm 2022 có một xe đến từ thương hiệu Trung Quốc, dẫn đầu là MG (SAIC) và Polestar (Geely).

Thế nhưng tất cả mới chỉ là khởi đầu. Transport and Environment, một nhóm vận động vì môi trường, dự đoán các thương hiệu xe điện Trung Quốc sẽ chiếm 1/6 thị phần xe điện Châu Âu vào thời điểm năm 2025.

“Nếu Châu Âu muốn duy trì vị thế cạnh tranh của ngành xe, EU cần đưa ra các chính sách mạnh mẽ tương đương Mỹ hay Trung Quốc để ủng hộ xe điện”, Julia Poliscanova, giám đốc Transport and Environment, nói.

“Làn sóng” nhà máy cũng sẽ đi theo hoạt động bán hàng khi các thương hiệu xe đều muốn sản xuất ở gần khách hàng của mình nhất có thể. BYD đang đàm phán với một số quốc gia để phát triển các nhà máy pin và xe. Công  ty này sẽ quyết định số lượng nhà máy cần thiết dựa trên doanh số bán hàng, ông Su nói.

Nio cũng có thể sẽ xây dựng một nhà máy ở Châu Âu khi doanh số vượt qua mốc 200.000 xe. Hiện tại, thương hiệu này đã có mặt ở Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Thuỵ Điển. Henrik Fisker, CEO Fisker, nhận định mấu chốt là chất lượng sản phẩm sẽ mang về các khách hàng mới. “Nói một cách thẳng thắn, tôi cho là một số thương hiệu xe điện Trung Quốc có sản phẩm khá tốt”, ông nói thêm.

Nam Khánh