|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối ở nước ngoài để thâm nhập sâu thị trường EU

10:35 | 13/09/2019
Chia sẻ
Để thuận lợi hơn trong việc xâm nhập sâu thị trường châu Âu từ cơ hội của EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với các doanh nghiệp của kiều bào để cập nhật thông tin, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Tại Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào hỗ trợ doanh nghiệp thành phố tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM tổ chức chiều 12/9, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM cho biết TP HCM được xác định là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước. 

Hiện nay, thành phố là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đóng góp khoảng 24% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia, 28% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

TP HCM cũng là địa điểm đầu tư hấp dẫn khi lũy kế đến nay đã có trên 8.000 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài với tổng mức đầu tư đạt hơn 45 tỉ USD.

Trong cơ cấu thành phần kinh tế của thành phố, khu vực tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng, đóng góp hơn 55% GDP và chiếm 72% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Những thành tựu mà TP HCM đạt được hiện nay có phần hỗ trợ, đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào.

Ông Lê Thanh Liêm cũng cho rằng những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA chính là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào một trong những thị trường lớn và tiềm năng nhất toàn cầu. 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tận dụng hết cơ hội từ hiệp định này mang lại. Và với những ý kiến đóng góp, đề xuất và chia sẻ thông tin từ kiều bào sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng tốt EVFTA.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, nhận định Hiệp định EVFTA dù được kì vọng tạo ra nhiều cơ hội song cũng có nhiều thách thức lớn cho ngành nông nghiệp của thành phố, đặc biệt các vấn đề về thông tin, hàng rào kĩ thuật và nhân lực.

"Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào về thông tin thị trường, chủng loại, tiêu chuẩn an toàn của châu Âu (EU) đối với nông sản, giá cả, để định hướng cho nông dân, hợp tác xã sản xuất đáp ứng được nhu cầu thị trường. 

Đồng thời, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào có thể làm cầu nối thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản nông sản và thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất, cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản", ông Nguyễn Phước Trung nói.

20720e431cacfbf2a2bd

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Huỳnh.

Chia sẻ về việc kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp, cho biết cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Pháp có số lượng rất lớn, khoảng 350.000 người và có khả năng hội nhập với văn hóa bản địa tốt.

Doanh nghiệp của người Việt tại Pháp chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, thời trang… Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt muốn kêu gọi đầu tư trong ngành dịch vụ có thể liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư là Việt kiều Pháp.

Với lĩnh vực thương mại hàng hóa, ông Nguyễn Hải Nam thông tin, các nước EU nói chung có văn hóa kinh doanh khác với châu Á, họ thường quan tâm đến thông tin về tài chính, năng lực sản xuất của doanh nghiệp trước khi xem hàng mẫu. 

Do đó, để thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin, nhu cầu, thị hiếu của thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với các doanh nghiệp của kiều bào hoặc đội ngũ chuyên gia người Việt làm việc tại EU.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Nam, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản vẫn đang ở dạng thô hoặc sơ chế, trong khi nhu cầu của EU là sản phẩm chế biến, có giá trị cao và tiện lợi

Vì vậy, các doanh nghiệp cần huy động mọi nguồn lực và hợp tác với nhau trong việc phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu cũng như hệ thống phân phối ở nước ngoài mới có thể thâm nhập sâu vào thị trường EU nói riêng và xa hơn là vươn ra thị trường thế giới.

4d17ac2dbec2599c00d3

Các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp kiều bào tại hội nghị. Ảnh: Như Huỳnh.

Trong khi đó, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho rằng việc khảo sát thị trường xuất khẩu cũng cần được thực hiện bài bản, qui mô. 

"Từng doanh nghiệp đi không thể thành công được nhưng nếu tổ chức thành đoàn hàng chục doanh nghiệp đi thì có thể đặt vấn đề, sắp xếp làm việc được với các tập đoàn, hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài, từ đó mới có thể có cơ hội xuất khẩu vào các thị trường".

Đồng thời tham gia FTA, cần có chương trình huấn luyện, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Trong đó, giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu vì không nước nào muốn nhập hàng của doanh nghiệp không có thương hiệu, đặc biệt chú ý xây dựng thương hiệu ở 7 nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố. 

Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về hành vi tiêu dùng, văn hóa tiêu dùng, qui cách bao bì… của 28 quốc gia trong khối châu Âu, ông Hòa cho biết thêm.

Còn ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM, cho rằng: "Với EVFTA việc các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cần nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu, về chất lượng, giảm chi phí, thời gian lưu kho, giá vận tải, quảng bá thương hiệu sản phẩm tại châu Âu.

Điều này sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm, gia tăng sản phẩm, gắn kết tài chính, nâng cao sự cạnh tranh, tăng cường liên kết các khu vực trong và ngoài nước, nơi có sự tương đồng về sản phẩm, dịch vụ, tạo sự liên kết doanh nghiệp giữa người Việt Nam ở nước ngoài với doanh  nghiệp thành phố nhằm chuẩn bị cho việc hội nhập EVFTA".

Như Huỳnh

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.