|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xây dựng thương hiệu gạo: sơn đẹp, gỗ xấu cũng như không!

09:41 | 26/10/2016
Chia sẻ
Lớp sơn bóng bẩy được phủ lên một khúc gỗ xấu chắc chắn sẽ không giữ được vẻ “hào nhoáng” đó bền lâu theo thời gian và ngược lại, vẻ đẹp sẽ được tôn thêm nếu sơn được phủ lên một khúc gỗ có chất lượng tốt. Đối với xây dựng thương hiệu gạo cũng vậy...

Một cuộc thi logo, một dự án xây dựng thương hiệu cần thiết

Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang cho lấy ý kiến các đơn vị liên quan và doanh nghiệp về thể lệ cuộc thi “Sáng tác biểu trưng (logo) quốc gia gạo Việt Nam” cũng như đề cương dự án “Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam”.

Theo đó, cuộc thi sáng tác logo gạo quốc gia Việt Nam sẽ nhằm lựa chọn được một logo có sự đồng thuận cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp, có tính khái quát thể hiện được hình ảnh, truyền thống, danh tiếng của gạo Việt Nam. Qua đó, sử dụng chính thức để làm logo, dấu hiệu nhận diện trên thị trường đối với sản phẩm gạo mang thương hiệu quốc gia, đồng thời, sử dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với gạo quốc gia Việt Nam...

Còn đề cương dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam nhằm xây dựng, quản lý và khai thác thương hiệu gạo Việt Nam, góp phần nâng cao vị trí, giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm gạo của người dân, doanh nghiệp, tổ chức và tập thể.

Để thực hiện việc quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, dự thảo đề cương đưa ra mức kinh phí dự kiến để thực hiện là 129,7 tỉ đồng, bao gồm năm hợp phần: xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế; quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng; xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Nhưng chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định

Thương hiệu gạo chỉ thật sự bền vững theo thời gian khi phía sau cái logo đẹp là chất lượng của sản phẩm. Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo quốc gia là điều cần làm nhưng chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định sự thành công của thương hiệu. Song song với việc thiết lập logo gạo quốc gia Việt Nam, cần triển khai việc nâng cao chất lượng cho sản phẩm gạo Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho rằng một thương hiệu gạo được gọi là thành công thì người tiêu dùng phải chấp nhận nó. “Người ta phải mua thật nhiều và mọi người đều thích, thì đó chính là thương hiệu gạo, đó là thành công”, ông nói. Việc này, theo ông, “liên quan nhiều vấn đề, nhất là về chất lượng, chứ không phải ở cái nhãn mác, dù nhãn mác rất quan trọng”. Muốn làm được như vậy, thì phải xây dựng cho được vùng nguyên liệu để có được sản phẩm gạo đạt chất lượng.

Ông Vũ Quang Cảnh, Phó phòng Nông sản, thực phẩm thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cũng cho rằng việc tổ chức cuộc thi để tìm ra một logo cho thương hiệu gạo Việt Nam là điều cần thiết. Nhưng ông khẳng định: “Vấn đề quan trọng hơn là cần sớm ban hành tiêu chuẩn chất lượng gạo mang thương hiệu Việt Nam đối với phân khúc gạo thơm, gạo trắng và cả tiêu chuẩn về công nghệ xay xát. Đây là ba tiêu chuẩn hết sức quan trọng để chúng ta nâng cao được chất lượng gạo”.

Theo ông Cảnh, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan nổi tiếng do nước này đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia từ năm 1955. “Chính phủ Thái Lan đã ban hành nghị định về tiêu chuẩn gạo thơm Hom Mali. Khi doanh nghiệp Thái Lan muốn xuất khẩu gạo mang thương hiệu Hom Mali, thì phải đạt tất cả các tiêu chuẩn chất lượng mà Chính phủ Thái Lan đã ban hành. Do đó, các công ty Thái Lan muốn xuất khẩu gạo thơm Hom Mali, thì phải liên kết vùng nguyên liệu, phải thực hiện sản xuất theo quy trình, có kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra chất lượng sản phẩm”, ông cho biết.

Cũng theo ông Cảnh, khi sản phẩm sản xuất ra đạt được tiêu chuẩn quy định và được kiểm định thì Bộ Thương mại Thái Lan sẽ đóng nhãn mác cho doanh nghiệp xuất khẩu (với thương hiệu gạo thơm Hom Mali), như thế sản phẩm này sẽ có giá cao gấp đôi so với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, ông Hồ Quang Cua, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, tác giả của bộ giống lúa ST nổi tiếng ở ĐBSCL, cho rằng muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thành công, mắt xích trước tiên phải giải quyết là... giống.

Theo ông Cua, Bộ NN&PTNT đang rất lúng túng trong việc chọn lựa giống lúa làm “đại diện” để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. “Thành ra mấy cái từ ngữ “xây dựng thương hiệu”, rồi “tái cơ cấu” đâu có làm được, bởi vì cái “mắt xích” chính phải là hạt giống, có hạt giống tốt, phù hợp rồi mới nói đến chuyện sản xuất theo tiêu chuẩn v ệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu là sau nữa”, ông nói.

Ông Cua kể: “Năm 2015, hội nghị triển khai thương hiệu gạo Việt Nam ở Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ NN&PTNT đưa ra lấy ý kiến chọn giống lúa làm thương hiệu, nhưng dư luận góp ý, phê phán quá nặng, thành ra ở hội nghị bàn về xây dựng thương hiệu gạo vào tháng 9-2016 tại Cần Thơ vừa qua, Bộ NN&PTNT không bàn nữa, mà đặt ra ba giống là Jasmines, Nàng Hoa 9 và giống RVT để xây dựng thương hiệu với lý do diện tích sản xuất lớn”.

Ông Cua đặt vấn đề: xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam mà không tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, các dữ liệu, luận cứ liên quan, mà chỉ dựa vào thống kê sản xuất nhiều để làm tiêu chuẩn, thì xuất phát điểm này liệu có đúng hay không?

Theo Trung Chánh