|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

WHO: Không nên lo sợ lây nhiễm virus COVID-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm

01:56 | 30/08/2020
Chia sẻ
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đây đã nói rằng không cần phải lo sợ về khả năng nhiễm COVID-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.

Theo trang Fox News, hàng loạt các ca nhiễm COVID-19 mới gần đây đã xuất hiện trở lại ở New Zealand sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm nào tại địa phương.

Vài thành viên trong một hộ gia đình ở Auckland đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào đầu tháng 8, mặc dù nguồn lây vẫn khiến các quan chức bối rối. 

Các nhà lãnh đạo cho biết những người mắc COVID-19 trên trước đó không hề đi du lịch nước ngoài.

Một số người bị nhiễm bệnh làm việc tại một cơ sở thực phẩm đông lạnh ở Auckland, dẫn đến suy đoán rằng virus có thể đã tồn tại từ nước ngoài trên thực phẩm ướp lạnh hoặc đông lạnh.

Ngày 24/8 các quan chức New Zealand đã báo cáo 9 trường hợp nhiễm COVID-19 mới đều có liên quan đến ổ dịch Auckland. 

Có 123 ca có dấu hiệu nhiễm COVID-19 và 151 người có liên quan đến ổ dịch này đã được chuyển đến một cơ sở cách ly Auckland, bao gồm 82 người có kết quả xét nghiệm dương tính và những người tiếp xúc trong gia đình của họ. 

Jacinda Ardern, thủ tướng New Zealand cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (24/8) “Cho đến nay, mặc dù đã được kiểm tra toàn diện ở biên giới, mọi công việc được thực hiện trong các cơ sở cách li, chúng tôi vẫn chưa thể xác định được những gì đã xảy ra ở đây và vẫn đang tiếp tục xem xét”.

Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí bioRxiv vào tuần trước cho hay có khả năng virus tồn tại trên thực phẩm nhập khẩu. 

Nghiên cứu không được chứng nhận bởi nhiều nhà nghiên cứu khác. 

Nhóm nghiên cứu đã thêm virus COVID-19 vào các khối cá hồi, thịt gà và thịt heo thái lát có nguồn gốc từ các siêu thị ở Singapore và bảo quản các mẫu ở ba nhiệt độ khác nhau (4˚C, –20˚C và –80˚C) và thu hoạch ở các mốc thời gian cụ thể (1, 2, 5, 7, 14 và 21 ngày sau khi cấy).

Họ phát hiện ra rằng thực phẩm vẫn bị nhiễm virus ba tuần sau khi cả hai mẫu được làm lạnh (4°C) và đông lạnh (–20°C và –80°C).

Nhóm nghiên cứu cho hay: “Khi thêm virus COVID-19 vào thịt gà, cá hồi và thịt heo, không có sự suy giảm virus lây nhiễm sau 21 ngày ở nhiệt độ 4°C (làm lạnh tiêu chuẩn) và –20°C (đông lạnh tiêu chuẩn).

Ashley Bloomfield, Tổng giám đốc y tế New Zealand, cho biết: “Từ các nghiên cứu từ nước ngoài, chúng tôi biết được rằng virus thực sự có thể tồn tại khá lâu trong một số môi trường nhiệt độ thấp”.

Tuy nhiên, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đây đã nói rằng không cần phải lo sợ về khả năng nhiễm virus từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.

Mike Ryan, giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO trả lời phỏng vấn Reuters: “Mọi người không nên quá lo ngại về thực phẩm, bao bì đóng gói hoặc chế biến cũng như qui trình vận chuyển thực phẩm”.

Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland lập luận rằng mặc dù nguy cơ lan truyền là tối thiểu nhưng khả năng bùng phát dịch COVID-19 vẫn tồn tại.

“Mặc dù có thể quả quyết rằng thực phẩm bị nhiễm bệnh không phải là một con đường lây nhiễm chính, nhưng khả năng các vật bị nhiễm bệnh được vận chuyển đến một khu vực không có COVID-19 và bắt đầu bùng phát dịch là một giả thuyết quan trọng,” họ nhận định. 

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm: “Việc hiểu rõ nguy cơ một mặt hàng bị nhiễm bệnh và virus tồn đọng tại thời điểm xuất khẩu, trong điều kiện vận chuyển và bảo quản là rất quan trọng”.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng điều kiện làm việc tại các nhà máy chế biến thịt cũng góp phần làm lây lan virus do sự tiếp xúc gần giữa các công nhân với nhau trong thời gian dài và hệ thống thông gió kém. Các hoạt động sản xuất bị tạm dừng tại các cơ sở chế biến thịt ở Mỹ trong bối cảnh công nhân bị nhiễm COVID-19.

Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng “với việc người lao động bị nhiễm COVID-19 thì thịt có thể bị nhiễm COVID-19 trong quá trình giết mổ và chế biến”.

Cách đây chưa đầy hai tuần, cánh gà nhiễm virus đã gây xôn xao dư luận khi một lô cánh gà đông lạnh xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc có kết quả dương tính với COVID-19. 

Vài ngày trước đó, các quan chức Trung Quốc ở thành phố Yên Đài thông báo virus đã được tìm thấy trên bao bì của hải sản đông lạnh vận chuyển từ Ecuador.

Các quan chức đã lưu giữ hàng hóa và những người có liên quan đến lô hàng đã được cách li và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland cho biết công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của họ cho thấy virus có thể chịu đựng được thời gian và nhiệt độ liên quan đến các điều kiện vận chuyển và bảo quản để xuất khẩu thực phẩm ra quốc tế.

“Chúng tôi tin rằng thực phẩm nhập khẩu bị nhiễm bệnh có thể truyền virus sang người lao động cũng như môi trường. Một người xử lí thực phẩm bị nhiễm bệnh có khả năng trở thành nguồn bệnh của một đợt bùng phát dịch mới”. 

Đối với đợt bùng phát COVID-19 ở New Zealand, một số ca lây nhiễm đã được báo cáo trong số các công nhân tại cơ sở Auckland Americold, và việc kiểm tra bề mặt đã được báo cáo vào tuần trước.

“Phát hiện của chúng tôi, cùng với báo cáo từ Trung Quốc về virus COVID-19 được phát hiện trên vật liệu đóng gói tôm đông lạnh và gà đông lạnh nhập khẩu, sẽ cảnh báo cho các cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm và ngành công nghiệp thực phẩm về một môi trường 'bình thường mới' nơi virus gây ra những nguy cơ về an toàn thực phẩm một cách phi truyền thống”, nhóm nghiên cứu nhận định.

H.Mĩ

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.