|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Warren Buffett hạ bệ niềm tin mù quáng mà nhiều nhà đầu tư tôn sùng

13:02 | 22/08/2021
Chia sẻ
Việc các nhà đầu tư khác nhận định sai lầm đem lại lợi thế lớn cho Warren Buffett, nhưng ông vẫn nỗ lực giúp các đối thủ của mình trở nên khôn ngoan và sáng suốt hơn.
Warren Buffett hạ bệ niềm tin mù quáng trên thị trường - Ảnh 1.

Tỷ phú Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: Reuters).

Phân tích cổ phiếu là vô dụng?

Lý thuyết thị trường hiệu quả (EMT) trở nên rất thịnh hành trong giới học thuật những năm 1970, được nhiều người coi như là thánh kinh. Về cơ bản, lý thuyết này nói rằng phân tích cổ phiếu là vô ích vì mọi thông tin công khai về chúng đều đã được phản ánh đầy đủ vào giá.

Nói cách khác, học thuyết này cho rằng thị trường luôn biết tất cả mọi thứ. Hệ quả tất yếu là các giáo sư giảng EMT dạy sinh viên rằng bất kỳ ai nhắm mắt vơ bừa mã cổ phiếu cũng có triển vọng sinh lời tốt như danh mục đầu tư được chọn lọc kỹ lưỡng bởi nhà phân tích thông minh nhất, cần mẫn nhất.

Điều đáng kinh ngạc là EMT không chỉ được hoan nghênh bởi các học giả mà còn được đón nhận nồng nhiệt bởi nhiều chuyên gia đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp.

Khi quan sát đúng rằng thị trường thường xuyên hiệu quả, những người này kết luận sai lầm rằng thị trường luôn luôn hiệu quả. Sự khác biệt giữa hai kết luận này rõ như ngày và đêm.

Trong thư gửi cổ đông của tập đoàn Berkshire Hathaway, Warren Buffett viết rằng con đường đầu tư chuyên nghiệp hơn 63 năm của ông là minh chứng cho sự ngu ngốc của EMT.

Khi làm việc cho "cha đẻ đầu tư giá trị" Ben Graham, Warren Buffett đã phân tích lợi nhuận của công ty Graham-Newman từ các sự kiện công khai của doanh nghiệp như mua bán và sáp nhập, tái cấu trúc, thanh lý… Ông phát hiện rằng trong giai đoạn 1926-1956, lợi nhuận trung bình không dùng đòn bẩy của Graham-Newman lên đến 20% mỗi năm.

Bắt đầu từ 1956, Warren Buffett áp dụng các quy tắc của Ben Graham cho việc đầu tư của riêng mình, bắt đầu với Buffett Partnership và sau đó là ở Berkshire Hathaway. Warren Buffett tính sơ rằng trong giai đoạn 1956-1988, lợi nhuận trung bình ông kiếm được chắc chắn vượt quá 20%.

Trong vòng 63 năm, thị trường chung chỉ tạo ra tỷ suất lợi nhuận hàng năm dưới 10%, tính cả cổ tức. Đồng nghĩa với việc 1.000 USD sẽ tăng lên thành 405.000 USD nếu tất cả thu nhập được tái đầu tư. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lời 20% sẽ biến 1.000 USD thành hơn 97 triệu USD trong cùng một khoảng thời gian.

Hẳn nhiên, sự khác biệt khổng lồ này sẽ làm dấy lên câu hỏi về tính chính xác của EMT.

Tuy nhiên, những người ủng hộ EMT chưa bao giờ có vẻ quan tâm đến sự khác biệt trên. Dĩ nhiên, ngày nay EMT không còn phổ biến như trước. Tuy vậy, Warren Buffett nói rằng không một học giả nào thừa nhận mình đã sai. EMT tiếp tục là một phần không thể thiếu trong chương trình giảng dạy đầu tư tại các trường kinh doanh lớn, và hàng nghìn sinh viên đã tốt nghiệp với kiến thức sai lầm.

Warren Buffett "thừa nhận" rằng những sinh viên đáng thương và các chuyên gia đầu tư khờ khạo tin vào EMT đã đem lại lợi ích phi thường cho ông và các học trò của Ben Graham. Trong bất kỳ cuộc thi nào — chứng khoán, tinh thần hoặc thể chất — việc có những đối thủ đã được dạy rằng dù cố gắng cũng vô ích là lợi thế to lớn.  

Nếu hành động một cách ích kỷ, Warren Buffett và các học trò của Benjamin Graham có lẽ nên quyên góp tiền cho các trường đại học để đảm bảo EMT được giảng dạy mãi mãi.

Đa dạng hóa là cách tốt nhất để giảm rủi ro?

Warren Buffett tin rằng danh mục đầu tư tập trung có thể giúp giảm thiểu rủi ro vì chiến lược này sẽ buộc nhà đầu tư phải suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về cổ phiếu mà anh ta mua.

Warren Buffett sử dụng định nghĩa rủi ro theo từ điển phổ thông là "khả năng xảy ra mất mát hoặc thương tật".

Tuy nhiên, các học giả thích định nghĩa "rủi ro" đầu tư theo cách khác, quả quyết rủi ro là biến động tương đối của một cổ phiếu hoặc danh mục — nghĩa là biến động của chúng so với biến động của một lượng lớn cổ phiếu.

Sử dụng cơ sở dữ liệu và kỹ năng thống kê, các học giả này tính toán chính xác "beta" của một cổ phiếu — mức độ biến động tương đối của cổ phiếu trong quá khứ — rồi xây dựng các lý thuyết đầu tư và phân bổ vốn phức tạp xung quanh con số này.

Tuy nhiên, trong công cuộc truy lùng một chỉ số thống kê duy nhất để đo lường rủi ro, các học giả quên mất một nguyên tắc cơ bản: Thà gần đúng còn hơn sai hoàn toàn.

Đối với các cổ đông, định nghĩa về rủi ro của giới học thuật xa vời hay thậm chí còn phi lý. Ví dụ, theo lý thuyết dựa trên beta, một cổ phiếu đã giảm rất mạnh so với thị trường (ví dụ như Washington Post khi được Berkshire Hathaway mua lại năm 1973) trở nên "rủi ro hơn" so với khi đang ở mức giá cao.

Mô tả này thực sự rất ngớ ngẩn đối với nhà đầu tư được mời chào mua một công ty với giá giảm đáng kể.

Warren Buffett chỉ ra rằng nhà đầu tư chân chính phải hoan nghênh biến động. Thị trường biến động dữ dội dẫn đến việc doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt bị gán cho định giá thấp phi lý. Thật kỳ cục khi cho rằng việc món hời xuất hiện kiểu này lại bị coi là làm tăng nguy cơ đối với một nhà đầu tư được tự do phớt lờ hoặc tận dụng sự điên rồ của thị trường.

Trên thực tế, danh mục đầu tư tập trung đã đem lại thành công rất lớn cho Warren Buffett. Ba cổ phiếu Apple, Bank of America và American Express có tỷ trọng hơn 64% danh mục của Berkshire Hathaway và tạo ra hơn 75% lợi nhuận từ chứng khoán của tập đoàn.

Giang