|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Warren Buffett: Tăng trưởng và giá trị luôn song hành trong đầu tư

19:48 | 11/08/2021
Chia sẻ
Theo Warren Buffett, nhiều nhà phân tích đã sai lầm khi coi tăng trưởng và giá trị là hai cách tiếp cận trái ngược nhau. Với ông, tăng trưởng luôn là một biến không thể bỏ qua khi tính toán giá trị doanh nghiệp.
Warren Buffett: Tăng trưởng và giá trị luôn song hành trong đầu tư  - Ảnh 1.

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: AP).

Trong suốt hàng chục năm, Warren Buffett trung thành với chiến lược đầu tư cổ phiếu của mình và không ngần ngại chia sẻ với cả thế giới. Trong cuốn sách The Essays of Warren Buffett: Lessons for Corporate America, Warren Buffett viết những doanh nghiệp ông lựa chọn có 4 đặc điểm sau:

1. Hoạt động trong ngành mà ông hiểu rõ 

2. Có triển vọng dài hạn đầy hứa hẹn 

3. Được vận hành bởi những người trung thực và có năng lực 

4. Có mức giá rất hấp dẫn. 

Nhưng làm cách nào để một người biết đâu là mức giá "hấp dẫn"? Để trả lời câu hỏi này, hầu hết các nhà phân tích cảm thấy họ cần chọn giữa hai cách tiếp cận tưởng như trái ngược với nhau là "tăng trưởng" và "giá trị". Nhưng với Warren Buffett và phó tướng Charlie Munger, hai cách tiếp cận này luôn song hành với nhau, không thể tách rời.

Tăng trưởng luôn là một thành phần trong phép tính giá trị, là một biến số mà tầm quan trọng biến đổi trong từng trường hợp, từ không đáng kể đến rất lớn. Tương tự, tác động của tăng trưởng đến giá trị có thể là tiêu cực hay tích cực.

Bên cạnh đó, Warren Buffett cho rằng thuật ngữ "đầu tư giá trị" là dư thừa. "Đầu tư" là gì nếu không phải là hành động tìm kiếm giá trị đủ để ít nhất là biện minh cho số tiền bỏ ra? Cố tình trả giá cho một cổ phiếu cao hơn giá trị tính toán của cổ phiếu với hy vọng sẽ bán được với giá cao hơn nữa nên được coi là đầu cơ.

Nhưng dù có phù hợp hay không, thuật ngữ "đầu tư giá trị" vẫn được sử dụng rộng rãi.

Thông thường, đầu tư giá trị bao hàm việc mua cổ phiếu có các thuộc tính như hệ số P/B thấp, P/E thấp hoặc tỷ suất cổ tức cao.

Thật không may, dù những đặc điểm trên có xuất hiện cùng lúc thì chúng cũng không quyết định liệu giá trị của cổ phiếu nhà đầu tư mua có thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không.

Tương tự, các đặc điểm trái ngược – P/B và P/E cao, tỷ suất lợi tức thấp – cũng không hề mâu thuẫn với nguyên tắc đầu tư "giá trị". Chính Berkshire Hathaway của Warren Buffett cũng không bao giờ trả cổ tức.

Tương tự, tăng trưởng của doanh nghiệp cũng không cho biết nhiều về giá trị. Đúng là tăng trưởng thường có tác động tích cực đến giá trị, đôi khi là cực kỳ lớn. Nhưng hiệu ứng kiểu kiểu này chưa chắc sẽ xảy ra.

Tăng trưởng chỉ có ích cho nhà đầu tư khi doanh nghiệp có thể sinh ra lợi nhuận hấp dẫn – nói cách khác là chỉ khi 1 USD dùng để tài trợ tăng trưởng tạo ra trên 1 USD giá trị thị trường trong dài hạn. Trong trường hợp một doanh nghiệp có lợi nhuận thấp đòi hỏi được cấp thêm vốn, tăng trưởng làm tổn hại nhà đầu tư.

Trong quyển Lý thuyết về đầu tư giá trị được viết cách đây hơn 80 năm, nhà kinh tế John Burr Williams đã đặt ra công thức cho giá trị. Warren Buffett tóm gọn: "Giá trị của bất kỳ cổ phiếu, trái phiếu hoặc doanh nghiệp nào ngày nay được xác định bởi dòng tiền vào và ra —được chiết khấu ở mức lãi suất thích hợp — có thể xảy ra trong suốt vòng đời còn lại của tài sản".

Công thức trên được áp dụng cho cả trái phiếu lẫn cổ phiếu. Nhưng hai loại tài sản này có điểm khác biệt quan trọng: Trái phiếu có ghi sẵn lãi suất coupon và ngày đáo hạn để xác định dòng tiền tương lai, nhưng với cổ phiếu, nhà đầu tư phải tự ước tính "lãi suất coupon" tương lai.

Khoản đầu tư rẻ nhất tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền là loại tài sản mà nhà đầu tư nên mua, bất kể doanh nghiệp tăng trưởng hay không, lợi nhuận ổn định hay biến động mạnh, P/B và P/E thấp hay cao.

Bỏ qua câu hỏi về giá cả, doanh nghiệp tốt nhất để sở hữu là doanh nghiệp mà trong một khoảng thời gian dài có thể triển khai lượng vốn ngày càng tăng để tạo ra tỷ suất lợi nhuận cực cao.

Doanh nghiệp tồi nhất là doanh nghiệp sẽ làm điều ngược lại: Liên tục tiêu tốn lượng vốn ngày càng cao để sinh ra tỷ suất lợi nhuận cực kỳ thấp.

Thật không may, loại hình doanh nghiệp tốt với nhà đầu tư lại rất khó tìm: Hầu hết doanh nghiệp sinh lời cao thường cần tương đối ít vốn. Cổ đông sẽ được hưởng lợi nếu công ty trả lại phần lớn lợi nhuận dưới dạng cổ tức hoặc mua lượng cổ phiếu quỹ đáng kể.

Dù phép tính cần thiết để đánh giá cổ phiếu không phức tạp, nhà đầu tư rất dễ sai lầm trong việc xác định "lãi suất coupon" tương lai. Warren Buffett giải quyết vấn đề này bằng hai cách:

Thứ nhất, Warren Buffett tập trung vào những doanh nghiệp mà ông tin là mình hiểu. Điều đó có nghĩa là chúng phải tương đối đơn giản và có đặc điểm ổn định.

Thứ hai, Warren Buffett đòi hỏi phải có được biên độ an toàn trong giá mua. Nếu Warren Buffett tính toán giá trị một cổ phiếu phổ thông chỉ nhỉnh hơn một chút so với thị giá, thì ông sẽ bỏ qua nói. Nguyên tắc biên an toàn này đã được Ben Graham, cha đẻ của đầu tư giá trị nhấn mạnh nhiều lần. Warren Buffet tin nguyên tắc này là nền tảng của sự thành công trong đầu tư.

Giang