Warren Buffett lý giải vì sao nhân viên không làm được việc thì bị đuổi, còn CEO luôn ngồi ấm ghế
Theo Warren Buffett, một trong những điều trớ trêu nhất trong quản trị kinh doanh là CEO kém cỏi dễ giữ ghế hơn nhiều cấp dưới thiếu năng lực.
Ví dụ, nếu thư ký được thuê với yêu cầu là phải đánh máy được ít nhất 80 từ mỗi phút nhưng chỉ gõ được 50 từ một phút, cô ấy sẽ nhanh chóng bị đuổi việc. Tương tự, nhân viên bán hàng không thể hoàn thành chỉ tiêu được giao sẽ sớm phải rời đi.
Tuy nhiên, CEO không tạo ra được thành tích tốt lại thường giữ được "ghế nóng" vô thời hạn. Warren Buffett chỉ ra ba lý do dẫn đến tình trạng tréo ngoe này trong cuốn sách The Essays of Warren Buffett: Lessons for Corporate America.
Lý do thứ nhất là công việc của CEO hầu như không có tiêu chuẩn hiệu suất. Tại những doanh nghiệp hiếm hoi có tiêu chuẩn đánh giá CEO, chúng thường mơ hồ hoặc có thể được miễn hoặc bào chữa, ngay cả khi các thiếu sót về hiệu suất là lớn và lặp đi lặp lại. Tại nhiều doanh nghiệp, sếp lớn là người tự vẽ ra tiêu chuẩn, đặt trọng tâm vào những thành tích ông ta đạt được.
Lý do thứ hai là điểm khác biệt quan trọng khác giữa sếp và nhân viên quèn: CEO không có cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc của ông ta. Trưởng nhóm bán hàng giữ lại toàn nhân viên yếu kém sẽ nhanh chóng bị sa thải. Do đó, vì lợi ích của chính mình, trưởng nhóm sẽ sớm sửa chữa sai lầm về nhân sự. Nếu không thì chính ông ta có thể bị mất việc. Người quản lý văn phòng đã thuê thư ký kém cỏi cũng đối mặt với số phận tương tự.
Nhưng sếp của CEO là HĐQT – hội đồng này ít khi tự đo lường hiệu quả của chính mình và hiếm khi phải chịu trách nhiệm vì kết quả hoạt động yếu kém của công ty.
Nếu HĐQT thuê nhầm người làm CEO và để mặc sai lầm đó thì sao? Ngay cả khi công ty bị thâu tóm vì lãnh đạo kém cỏi, công ty mua lại có thể vẫn sẽ trả cho thành viên HĐQT khoản phúc lợi béo bở.
Cuối cùng, mối quan hệ giữa HĐQT và CEO thường được mặc định là ăn ý và thông cảm cho nhau. Tại các cuộc họp HĐQT, những chỉ trích về hiệu suất của CEO thường bị coi là vô văn hóa như kiểu hắt xì vào mặt người khác. Còn quản lý văn phòng không chịu những gò bó như vậy khi đánh giá người đánh máy không đạt tiêu chuẩn.
Phẩm chất của thành viên độc lập
Từ lâu năng lực và tính trung thực của các nhà quản lý đã cần được theo dõi. Có khá nhiều CEO dù là người tử tế nhưng lại hành xử không tốt trong công việc, vẽ ra những con số giả mạo và yêu cầu thù lao khổng lồ cho thành tích kinh doanh tầm thường.
Vì sao các thành viên HĐQT thông minh lại thất bại thảm hại như vậy? Theo Warren Buffett, lý do chủ yếu là "bầu không khí phòng họp".
Ví dụ, trong một phòng họp toàn những người lịch sự, việc đặt ra câu hỏi liệu có nên sa thải CEO hay không gần như là không thể. Các thành viên HĐQT cũng rơi vào tình thế khó xử không kém nếu muốn bày tỏ nghi ngờ về đề xuất mua lại (M&A) mà CEO cổ vũ, đặc biệt là khi các nhân viên và cố vấn của ông ta có mặt trong phòng và nhất trí ủng hộ.
Giải pháp nhiều người nghĩ đến là bổ sung thành viên "độc lập" trong HĐQT. Tuy việc có các thành viên dám có suy nghĩ và phát biểu khác với CEO là điều đáng quý, nhưng điều này không có nghĩa là chọn ai cũng được.
Thành viên độc lập trong HĐQT cần có ba phẩm chất quan trọng: hiểu biết về kinh doanh, vì quyền lợi của cổ đông và quan tâm thực sự đến công ty. Trong đó, phẩm chất quan trọng nhất là hiểu biết về kinh doanh. Nếu thiếu đi yếu tố này thì hai phẩm chất còn lại hầu cũng không có ích gì.
Nhiều người thông minh, ăn nói giỏi và được ngưỡng mộ lại không có hiểu biết thực sự về kinh doanh. Đó không phải là tội lỗi; họ có thể tỏa sáng ở nơi khác. Nhưng họ không thuộc về HĐQT của công ty.