|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sự hồi sinh của Sony

08:19 | 26/07/2021
Chia sẻ
"Vào thời điểm đó, chúng tôi như một tấm thảm chùi chân cho Samsung Electronics và LG Electronics của Hàn Quốc. Toàn bộ tổ chức của chúng tôi đều thiếu tự tin", cựu CEO Sony nhớ lại.

Tập đoàn Sony đang cho thấy sự khởi sắc. Trong năm tài chính 2020, doanh nghiệp ghi nhận mức lãi ròng hơn 1.000 tỷ yên (9 tỷ USD), theo Asia Nikkei.

Kazuo Hirai, cựu Giám đốc điều hành của hãng, người hiện đang nắm giữ vai trò cố vấn cho Sony, đã đưa ra cái nhìn về sự trẻ hóa của Sony ngay cả khi nhiều gã khổng lồ trong lĩnh vực điện tử của Nhật Bản phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những đối thủ của Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Cựu CEO người Nhật đã xây dựng lại đế chế Sony từ cuộc khủng hoảng bằng cách nào? - Ảnh 1.

Ông Hirai là cựu CEO của Sony. (Ảnh: Asia Nikkei).

Gần nửa thập kỷ chìm trong khủng hoảng

Cách đây gần một thập kỷ, khi ông Hirai nhậm chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành vào tháng 4/2012, Sony đã trải qua năm thứ 4 liên tiếp chìm trong khủng hoảng, với khoản lỗ kỷ lục lên tới 4,1 tỷ USD (theo tỷ giá hối đoái hiện tại). Ông Hirai đã đối mặt với sự nghi ngờ trong khả năng lãnh đạo từ những người xung quanh và các cổ đông.

Sự hoài nghi bắt nguồn từ sự nghiệp của ông Hirai bên ngoài hoạt động kinh doanh chính của Sony. Ông gia nhập CBS/Sony, nay được gọi là Sony Music Entertainment vào năm 1984 và trải qua hơn một thập kỷ tại đó. Với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, ông Hirai lần đầu tiên làm việc trong mảng âm nhạc trước khi giúp xây dựng lại công ty trò chơi của Sony ở Mỹ và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử trong nhiều năm. 

Vào thời điểm đó, chúng tôi như một tấm thảm chùi chân cho Samsung Electronics và LG Electronics của Hàn Quốc. Toàn bộ tổ chức của chúng tôi đều thiếu tự tin

cựu CEO Sony Kazuo Hirai

Ông Hirai chỉ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh điện tử của Sony khi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch điều hành năm 2011, một năm trước khi được thăng chức lên vị trí cao nhất. "Tôi nghĩ rằng tôi phải làm điều đó. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi nghĩ rằng sẽ không có cơ hội. Tôi phải chấp nhận sự thật rằng lúc đó ngành kinh doanh điện tử đang không có định hướng", ông Hirai nhớ lại.

"Vào thời điểm đó, chúng tôi như một tấm thảm chùi chân cho Samsung Electronics và LG Electronics của Hàn Quốc. Toàn bộ tổ chức của chúng tôi đều thiếu tự tin".

Một ngày, khi một nhân viên thuyết trình về một mẫu TV mới của Sony, ông Hirai nhận thấy sự thiếu tinh thần và tự tin. Ngay từ đầu, có vẻ như Sony chỉ đang làm việc theo một công thức, tung ra một chiếc TV mới mà không hề tự tin rằng nó có thể đánh bại các sản phẩm của những đối thủ khác.

Cựu CEO người Nhật đã xây dựng lại đế chế Sony từ cuộc khủng hoảng bằng cách nào? - Ảnh 2.

Một sản phẩm TV của Sony. (Ảnh: Asia Nikkei).

 Khi ông Hirai nắm quyền lãnh đạo Sony, mảng kinh doanh TV của hãng đã chìm trong khủng hoảng trong vòng 8 năm. Những tháng ngày vinh quang và tự hào của Sony đã ở rất xa. Đối với ông, mảng kinh doanh điện tử, thứ từng là biểu tượng của Sony nay đã sụp đổ.

Tất nhiên, ông Hirai không thể ngồi yên. Ông đã nghiêm túc lắng nghe các nhân viên để tìm hiểu những gì họ nghĩ. "Các nhân viên, đặc biệt là những người trẻ, đã gia nhập Sony với niềm tự hào. Nói chuyện trực tiếp với họ, tôi nhận ra rằng công ty chỉ đơn giản là không lắng nghe họ. Ngay cả khi có ý tưởng, các lãnh đạo vẫn phớt lờ", ông Hirai chia sẻ. "Tình hình lúc đó tương đối nguy cấp, nhưng nhìn theo một cách khác, tôi thấy rằng Sony vẫn có giá trị".

Động thái bất ngờ: Bán trụ sở chính tại Mỹ

Việc cải tổ mảng kinh doanh điện tử là điều buộc phải làm. Ông Hirai bắt đầu bằng một quyết định không ai ngờ tới: Ông đã bán trụ sở chính của Sony tại Mỹ, nơi được biết đến với thiết kế độc đáo.

Mặc dù việc mua bán là cần thiết về mặt tài chính, nhưng việc này gửi một thông điệp quan trọng hơn tới nhân viên. "Đơn vị tại Mỹ của chúng tôi hoàn toàn phản đối việc bán, nhưng tôi đã nói với họ phải bán ngay lập tức", ông nói.

Sự nổi lên của Sony với tư cách là một thương hiệu toàn cầu gắn trực tiếp với sự thành công của việc kinh doanh TV tại Mỹ. Trụ sở chính nằm ở vị trí đắc địa tại Manhattan, là hình ảnh thu nhỏ của thành công trước đó.

Cùng với đó, Sony bắt đầu cải cách sâu rộng, bao gồm việc bán các mảng kinh doanh hóa chất, pin và máy tính cá nhân; phần phụ của việc kinh doanh TV; và cắt giảm khoảng 10.000 vị trí. Trong khi người ngoài cho rằng những động thái này đang như một dấu hiệu cho thấy Sony đang trên đà hồi phục thì những nhân viên cũ lại tỏ ra bất ngờ và có phần hoang mang.

Khi Sony thông báo rằng họ sẽ bán mảng kinh doanh laptop Vaio, thứ đã giúp Sony trở nên phổ biến với khách hàng, ông Hirai bắt đầu nhận được một loạt đề xuất bằng văn bản từ Tamotsu Iba, Giám đốc tài chính đầu tiên của Sony. Tuy nhiên, ông Hirai cố tình phớt lờ những yêu cầu của ông Iba.

"Các đề xuất từ những người khác cho rằng không thể chấp nhận được việc ban quản lý coi nhẹ mảng kinh doanh điện tử. Cũng có một số đề xuất kêu gọi sự từ chức từ ban lãnh đạo, bao gồm cả tôi", ông Hirai chia sẻ.

Ông Hirai không có ý định phủ nhận những thành tựu mà Ibuka và Morita, những người đã thành lập Sony với lý tưởng cao đẹp chỉ 5 tháng sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, thu hút những người trẻ đầy tham vọng đến với doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, ông cho rằng những thứ xưa cũ chỉ còn là hoài niệm và Sony không thể tồn tại chỉ bằng cách bám víu vào việc sản xuất máy nghe nhạc Walkman.

Cựu CEO người Nhật đã xây dựng lại đế chế Sony từ cuộc khủng hoảng bằng cách nào? - Ảnh 3.

Sony được thành lập năm 1946 bởi sự lãnh đạo của ông Akio Moritatwo, bên trái và Masaru Ibuka. (Ảnh: Asia Nikkei).

Không thể tồn tại bằng cách bám víu vào Walkman xưa cũ

Trong 6 năm, ông Hirai đã cắt giảm biên chế của Sony từ 162.700 thành viên xuống còn 117.300 thành viên. Trong những cuộc đàm phán để thoái vốn các hoạt động khác nhau, ông Hirai cũng kêu gọi những khách hàng tiềm năng nên giữ chân công nhân, ít nhất là trong một thời gian. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng việc cải cách cũng đi kèm với sự đau khổ.

Giữa những lời chỉ trích rằng một người mới tham gia vào lĩnh vực kinh doanh điện tử không thể làm việc hiệu quả trong vai trò chủ tịch, ông Hirai bắt đầu vạch ra giai đoạn tái cấu trúc cho Sony. Ông nhận ra rằng Sony không có sứ mệnh, giá trị hay tầm nhìn nào về vị trí của doanh nghiệp trong tương lai.

Thiết bị điện tử, trò chơi, phim, âm nhạc và các phân khúc khác đang rời rạc và không đi chung một hướng. Do đó, ông cho rằng cần phải xác định "tại sao Sony tồn tại và Sony nên tồn tại như thế nào".

Tin rằng câu trả lời nằm trong chính công ty, ông Hirai sau đó đã đến thăm các nhà máy cũng như trung tâm nghiên cứu và phát triển của Sony trên khắp thế giới, lắng nghe những gì mọi người nói. Ông đã nhấn vào từ "kando" trong tiếng Nhật, có nghĩa là "vô cùng phấn khích và xúc động".

Đồng thời, ông Hirai giải thích sứ mệnh của Sony là trở thành một "công ty tạo ra các sản phẩm mang đậm dấu ấn kando".

Cựu CEO người Nhật đã xây dựng lại đế chế Sony từ cuộc khủng hoảng bằng cách nào? - Ảnh 4.

Một buổi trình chiếu của Sony tại Las Vegas năm 2018. (Ảnh: Asia Nikkei).

Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng trên khắp thế giới, bao gồm cả Sony, đã bị cuốn vào làn sóng hàng hóa. Tạo ra các sản phẩm mang đậm dấu ấn kando sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải có sự khác biệt. Ví dụ, trong mảng kinh doanh TV, Sony đã bỏ mục tiêu bán 40 triệu chiếc mỗi năm, đem lại cảm xúc rằng doanh nghiệp đang theo đuổi chất lượng thay vì số lượng.

Khoảng 4 năm sau nỗ lực cải tổ, ông Hirai đã từ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành, trao quyền cho Kenichiro Yoshida vào tháng 4/2018, người trước đây từng đứng đầu Sony Network Communications và từng là Giám đốc tài chính tại Sony.

Tinh thần Kando đậm chất Sony

Khi nhậm chức, ông Yoshida đã nói với ông Hirai rằng: "Tôi không phải là một người luôn nói có. Tuy nhiên, tôi sẽ nói những gì nên nói". "Đó là những gì tôi muốn", ông Hirai trả lời.

Triết lý quản lý của ông Hirai là "trưng cầu ý kiến khác với ý kiến của bản thân". "Bạn nên tìm những người có quan điểm khác với bạn và để họ nói lên tiếng nói của riêng mình", ông cho biết.

Ngay từ khi còn nhỏ, ông Hirai đã quen với việc chịu thử thách. Do công việc của cha mình, ông đã dành phần lớn thời gian để di chuyển giữa Tokyo (Nhật Bản) và Toronto, San Francisco (Mỹ) ngay từ khi mới học cấp 1. "Đó là những năm 1960 và 1970, và hồi đó tôi bị mọi người gọi là 'Jap' ", ông Hirai nhớ lại. Khi trở về Nhật Bản, ông hoang mang khi bị các giáo viên chê trách vì đã đưa ra những câu hỏi nói nhỏ rằng: "Đây là Nhật Bản, không phải Mỹ".

Sau khi từ chức Giám đốc điều hành, ông Hirai trở thành Chủ tịch của Sony. Năm 2019, ông chính thức từ chức và rời công ty.

Cựu CEO người Nhật đã xây dựng lại đế chế Sony từ cuộc khủng hoảng bằng cách nào? - Ảnh 5.

Buổi lễ nhậm chức của ông Kenichiro Yoshida vào năm 2018. (Ảnh: Asia Nikkei).

Ba năm trôi qua, người kế nhiệm của ông tiếp tục đi theo con đường mà ông Hirai đã đề ra. Ông Yoshida thậm chí còn công bố một kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng "cộng đồng người quan tâm đến việc truyền tải tinh thần kando" lên 1 tỷ người.

Khi được hỏi về suy nghĩ cho rằng bản thân là người đã thay đổi Sony, ông Hirai tỏ ra kín tiếng. "Tôi có khả năng quản lý một công ty hiệu quả khi nó gặp khó khăn. Có những người giỏi hơn trong việc vạch ra các chiến lược tăng trưởng. Tôi đã rút lui khỏi thế giới kinh doanh và sẽ không bao giờ quay trở lại", ông cho biết.

Quốc Anh