|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bị cáo buộc sản phẩm chứa chất gây ung thư, Johnson & Johnson xem xét kế hoạch phá sản, đẩy trách nhiệm pháp lý sang công ty con để giảm thiệt hại

20:00 | 24/07/2021
Chia sẻ
Johnson & Johnson hiện đang cân nhắc kế hoạch phá sản để đẩy trách nhiệm pháp lý sang một công ty mới thành lập và dàn xếp bằng cách xin bảo hộ phá sản cho công ty này.

Phá sản 2 bước - Đổ trách nhiệm pháp lý lên công ty con để giảm bớt thiệt hại

Theo Reuters, kế hoạch phá sản này sẽ cho phép công ty giảm bớt các khoản chi trả cho việc dàn xếp những vụ kiện tụng trên Baby Powder nhờ vào một công ty nhỏ mới thành lập. Ban đầu, các luật sư bên nguyên đơn sẽ không thể ngăn cản Johnson & Johnson thực hiện kế hoạch này song, trong tương lai họ có thể sử dụng pháp luật để đặt ra những rào cản, thách thức Johnson & Johnson (J&J).

Theo đó, luật sáp nhập ở Texas (Mỹ) cho phép Johnson & Johnson tách thành ít nhất 2 thực thể, thủ đoạn này được gọi là phá sản 2 bước. Tuy nhiên, J&J vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có theo đuổi kế hoạch phá sản hay không và cuối cùng họ vẫn có thể sẽ từ bỏ nó.

J&J đang phải đối mặt với các vụ kiện pháp lý từ hàng chục nghìn người với cáo buộc về phấn rôm trẻ em Baby Powder và các sản phẩm bột talc khác có chứa amiăng và gây ung thư. Các nguyên đơn bao gồm những phụ nữ bị ung thư buồng trứng và những bệnh nhân ung thư trung biểu mô.

"Johnson & Johnson Consumer Inc. chưa có động thái cụ thể nào trong vụ kiện tụng này ngoài việc tiếp tục bảo vệ sự an toàn của talc.", công ty con của J&J cho biết. 

Nếu J&J thực sự phá sản theo kế hoạch, hồ sơ của các nguyên đơn chưa được giải quyết có thể sẽ gặp khó khăn với thủ tục phá sản kéo dài. Không những thế các khoản thanh toán trong tương lai cho các nguyên đơn sẽ phụ thuộc vào cách J&J quyết định tài trợ cho pháp nhân (công ty mới) đang gánh thay các khoản nợ của họ.

Phá sản 2 bước là thủ đoạn không còn xa lạ với các chuyên gia pháp lý, sau khi trút bỏ trách nhiệm, công ty mẹ sẽ nộp đơn xin phá sản để tạm dừng kiện tụng. Đây là một chiến lược mà các công ty đang phải đối mặt với vụ kiện tụng liên quan đến amiăng đã sử dụng trong những năm gần đây. 

J&J cũng có thể sẽ sử dụng một hình thức phá sản khác bên cạnh luật Texas. Công ty phá sản có thể đạt được thỏa thuận cấp vốn với pháp nhân điều hướng để trang trải các khoản tiền trong tương lai.

Johnson&Johnson xem xét kế hoạch phá sản và trút trách nhiệm pháp lý lên một công ty mới thành lập nhằm giải quyết cáo buộc về sản phẩm chứa chất gây ung thư - Ảnh 1.

Sản phẩm phấm phủ trẻ em Baby Powder (được chụp từ năm 2016) có chứa chất gây ung thư của Johnson&Johnson. (Ảnh: Reuters)

Lịch sử dùng chất gây ung thư trong điều chế sản phẩm của Johnson&Johnson và các công ty khác

Theo một cuộc điều tra của Reuters vào năm 2018, J&J từ nhiều thập kỷ trước đã nhận thức được rằng sản phẩm phấn phủ dành cho trẻ em và các sản phẩm bột talc mỹ phẩm khác của mình có chứa amiăng, một chất gây ung thư.

Vào tháng 5/2020, công ty này đã ngừng bán Baby Powder tại thị trường Mỹ và Canada vì những "thông tin sai lệch" và "cáo buộc vô căn cứ" về sản phẩm làm từ bột talc. J&J khẳng định các sản phẩm bột talc của mình hoàn toàn an toàn và không chứa amiăng sau hàng nghìn lần kiểm định.

Công ty trị giá 443 tỷ USD này đã phải đối mặt với 30.000 hồ sơ kiện tụng liên quan đến sản phẩm bột talc. Vào tháng 6, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từ chối đề nghị kháng cáo của J&J và buộc họ phải đền bù 2 tỷ USD cho những phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng vì sử dụng sản phẩm của J&J.

Vào năm 2017, nhà sản xuất khăn giấy Brawny của Georgia-Pacific đã sử dụng luật Texas để chuyển trách nhiệm pháp lý về bê bối sử dụng amiăng trong điều chế sản phẩm sang một tổ chức khác và sau đó nộp đơn phá sản tại Bắc Carolina (Mỹ).

Các trường hợp phá sản bao gồm cả những vụ kiện liên quan đến amiăng thường kéo dài trong nhiều năm và hầu như không bao giờ hoàn trả đầy đủ chi phí đền bù cho các nguyên đơn. Ví dụ, nhà sản xuất OxyContin, Purdue Pharma LP, sắp giải quyết hàng nghìn vụ kiện opioid sau 2 năm đàm phán phá sản với một kế hoạch trị giá hơn 10 tỷ USD để giải quyết số tiền yêu cầu bồi thường khổng lồ.

Một công ty khác, DBMP LLC, đã đệ đơn phá sản vào năm ngoái để giải quyết các khoản nợ amiăng và cho biết vụ kiện tụng này có thể kéo dài tới 8 năm, theo thông cáo báo chí của công ty.

J&J đã phải đối mặt với cáo buộc gây ra đại dịch opioid ở Mỹ. Gần đây, công ty này đã thu hồi một số sản phẩm kem chống nắng dạng xịt sau khi phát hiện một số trong số chúng có chứa hàm lượng benzen thấp, một chất gây ung thư khác. Vào tháng 6, J&J đã đồng ý chi trả 263 triệu USD để giải quyết các khiếu nại về opioid ở New York (Mỹ) nhưng lại phủ nhận hành vi sai trái liên quan đến opioid.

Quỳnh Hoa