Warren Buffett kể chuyện niêm yết cổ phiếu: Mong cho thanh khoản càng thấp càng tốt
Ngoại lệ cho Warren Buffett
Khi tập đoàn Berkshire Hathaway của Chủ tịch Warren Buffett muốn niêm yết cổ phiếu vào năm 1988, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã phải thay đổi một số điều kiện cho phù hợp.
Theo quy định khi đó, doanh nghiệp mới lên sàn phải có tối thiểu 2.000 cổ đông, mỗi người sở hữu ít nhất 100 cổ phần, tương ứng với một lô chẵn trong giao dịch.
Năm 1988, Berkshire chỉ có gần 1,15 triệu cổ phiếu lưu hành, số cổ đông sở hữu từ 100 đơn vị trở lên không đủ theo quy định.
NYSE quyết định thay đổi yêu cầu từ "2.000 cổ đông sở hữu tối thiểu 100 cổ phần" thành "2.000 cổ đông sở hữu tối thiểu một lô chẵn" và đồng ý cho cổ phiếu Berkshire được giao dịch với lô chẵn là 10 thay vì 100.
Berkshire đáp ứng được điều kiện đã sửa đổi này. Mỗi cổ phiếu Berkshire khi đó có giá lên tới khoảng 4.000 - 5.000 USD nên giá trị của lô 10 Berkshire lớn hơn lô 100 bất kỳ cổ phiếu nào khác ở NYSE.
Trong thư gửi cổ đông cùng năm 1988, Warren Buffett viết: "Tất cả chính sách và các tuyên bố của chúng tôi đều nhằm mục đích thu hút các nhà đầu tư dài hạn tập trung vào hoạt động kinh doanh, loại bỏ những tay chơi ngắn hạn và chỉ chăm chăm vào diễn biến thị trường".
Ông diễn giải thêm: "Suốt thời gian qua, cổ phiếu Berkshire được giao dịch trong một khoảng biên độ cực hẹp quanh giá trị nội tại. Việc niêm yết ở NYSE sẽ không làm tăng hoặc giảm khả năng cổ phiếu Berkshire được mua bán ở mức giá hợp lý. Chất lượng cổ đông của chúng tôi sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, bất kể cổ phiếu giao dịch ở đâu".
Vị chủ tịch này muốn "cổ đông của Berkshire được hưởng lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra chứ không phải kiếm ăn dựa trên quyết định mua – bán sai lầm của các cổ đông khác".
Niêm yết để giảm phí giao dịch cho cổ đông
Cả Buffett và phó tướng Charlie Munger đều khẳng định việc niêm yết cổ phiếu là vì lợi ích tốt nhất của cổ đông, nhưng không phải nhờ kỳ vọng gia tăng giá cổ phiếu hay vốn hóa thị trường mà là thông qua giảm chi phí giao dịch.
Warren Buffett viết: "Mục đích niêm yết của chúng tôi khác đa phần doanh nghiệp khác ở hai điểm.
"Thứ nhất, chúng tôi không muốn tối đa hóa giá cổ phiếu Berkshire. Chúng tôi chỉ mong giá biến động trong một khoảng hẹp quanh giá trị nội tại và hy vọng giá trị nội tại này tăng lên theo thời gian. Tôi và Charlie đều không thích cổ phiếu bị định giá quá cao hoặc quá thấp. Nếu giá cổ phiếu của chúng tôi biến động chặt chẽ theo giá trị doanh nghiệp, mỗi cổ đông sẽ thu về kết quả tương tự như hoạt động kinh doanh của Berkshire.
"Thứ hai, chúng tôi mong thanh khoản cổ phiếu Berkshire sẽ cực kỳ thấp. Chúng tôi cảm thấy thất vọng khi cổ đông rời khỏi doanh nghiệp".
Buffett muốn thu hút những nhà đầu tư dài hạn, lúc mua không có ý định bán và không xác định trước giá mục tiêu, chỉ có ý định nắm giữ cổ phiếu Berkshire mãi mãi. "Tôi không thể hiểu nổi tại sao lại có những CEO mong cổ phiếu của mình được giao dịch nhộn nhịp, vì điều đó có nghĩa là nhiều chủ sở hữu đã rời bỏ công ty để cho người khác thế chân".
Theo Buffett, ở các tổ chức như câu lạc bộ, trường học, nhà thờ, … không vị lãnh đạo nào mong muốn thành viên của mình rời đi liên tục, không có ai nói rằng 'Chúng ta theo đạo Thiên Chúa lâu quá rồi, chuyển sang Đạo Phật đi".
Chỉ khi có những người môi giới kiếm tiền dựa vào phí thay đổi sở hữu cổ phiếu thì các nhà đầu tư mới được khuyến khích hãy mua bán liên tục.
Đôi bạn Buffett và Munger đều tin rằng việc niêm yết sẽ giúp làm giảm chi phí giao dịch cổ phiếu so với khi mua bán ở thị trường phi tập trung (OTC). "Chúng tôi muốn cổ đông gắn bó với Berkshire mãi mãi nhưng cũng hiểu rằng đôi lúc cũng có người phải bán, và khi giao dịch diễn ra, chúng tôi muốn chi phí nhỏ nhất có thể".
Lãnh đạo tìm kiếm cổ đông phù hợp với mình
Warren Buffett là một nhà đầu tư dài hạn, thường nắm giữ cổ phiếu trong vài chục năm, và ông kỳ vọng cổ đông trong tập đoàn Berkshire của ông cũng làm điều tương tự.
Việc lãnh đạo doanh nghiệp tìm kiếm cổ đông phù hợp với phong cách của mình đã trở thành chuyện thường tình trên thị trường chứng khoán, giống như câu nói "Nồi tròn thì úp vung tròn" của người xưa.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), từng chia sẻ: Nếu cổ đông nào cảm thấy không thoải mái với chính sách (ESOP) của công ty thì nên đi tìm cổ phiếu khác để đầu tư.
Ông nói thêm: Cổ đông và ban điều hành đều rất quan trọng với doanh nghiệp. Nếu hai nhóm này không đồng thuận với nhau thì doanh nghiệp rất khó phát triển.
Tất nhiên không phải lãnh đạo nào cũng mong cổ phiếu của mình ít giao dịch giống như Berkshire Hathaway của Warren Buffett. Vị siêu tỷ phú này có thể coi là một biệt lệ trong giới doanh nghiệp Mỹ cũng như thế giới.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, từng tuyên bố thanh khoản cao là một trong những ưu điểm lớn của cổ phiếu FLC, nhà đầu tư muốn mua bao nhiêu cũng có người bán và muốn bán bao nhiêu cũng có người mua.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/