Vụ án Ngân hàng Xây Dựng sáng 28/6: NHNN ghi nhận công lao và đề nghị giảm hình phạt với các bị cáo
Sáng ngày (28/6), phiên tòa xét xử vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục diễn ra với bào chữa của các luật sư và phần bảo vệ quan điểm của Viện Kiểm sát (VKS).
Vào 15h ngày 2/7 toà sẽ nghị án.
12h20: Các bị cáo nói lời sau cùng
Ông Đặng Thanh Bình nghẹn ngào cảm ơn các đồng nghiệp đồng hành cùng bị cáo thực hiện đề án tái cơ cấu. Ông thực hiện nhiệm vụ xuất phát từ tâm, vì xã hội, vì danh dự gia đình không trách cứ mình. Ông mong rằng VKS xem xét việc định tội đối với bị cáo cũng như tổ giám sát.
Các bị cáo Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phan Thế Tuân, Ngô Văn Thanh mong được HĐXX khoan hồng và xin hưởng án treo.
12h: Đại diện NHNN xin miễn, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn giai đoạn 2011-2012, ngân hàng Đại Tín có nguy cơ đổ vỡ cao, phải tái cơ cấu nhưng không thể tìm đối tượng sáp nhập, năng lực tài chính hạn chế nên phải tìm nhà đầu tư mới. Trong quá trình tái cơ cấu chỉ dựa vào năng lực của các cán bộ NHNN do năng lực hạn chế.
Bị cáo Bình đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Tổ giám sát phải đối diện với những khó khăn, phức tạp. Họ là những cán bộ trách nhiệm, tinh thần cao, có nhiều cống hiến. Do đó, NHNN kiến nghị HĐXX xem xét bối cảnh tái cơ cấu, ghi nhận công lao, cống hiến của các bị cáo. Xem xét miễn, giảm nhẹ hình phạt cho các cán bộ này.
11h55: LS bào chữa cho ông Bình tham gia tranh luận:
LS cho biết Thông báo 153 gửi NHNN Long An nêu có vấn đề nghiêm trọng đối với Ngân hàng VNCB thể hiện bị cáo Bình đã thực hiện tròn nhiệm vụ, sát sao kiểm tra. Mối quan hệ nhân quả VKS đưa ra có vẻ chưa chính xác.
Cơ quan điều tra đã xác định Ngân hàng Đại Tín đã có văn bản xác minh năng lực tài chính, đây là một trong chứng cứ chứng minh năng lực thì liệu có cần xác minh lại hay không? Theo đó, ông Bình đã làm hết trách nhiệm của minh. LS mong HĐXX không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Bình trên cơ sở chứng cứ đưa ra.
VKS nhận định đã cân nhắc, xem xét cẩn thận, tổng hợp tổng thể vụ án. VKS cũng rất chia sẻ và bảo lưu quan điểm đã nêu. Việc cho nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu với hàng loạt cảnh cáo nhưng không xem xét một cách triệt để. VKS mong HĐXX xem xét giữ công và tội.
11h45: VKS phản bác ý kiến của luật sư
Bị cáo Bình đã làm rất tốt, đã ký nhiều văn bản. Tuy nhiên lẽ ra việc ký văn bản này phải là văn bản dành cho ngân hàng yếu kém, không thể sử dụng văn bản bình thường. Bị cáo phải yêu cầu kiểm tra, xác minh năng lực tài chính.
Do không làm hết sức mình và triệt để, để hậu quả xảy ra. VKS mong HĐXX xem xét trách nhiệm.
LS cho rằng quyết định 11, 12 không phù hợp, VKS cho biết không nằm trong phạm vi vụ án. Liên quan đến vi phạm tố tụng, VKS khẳng định không có vi phạm. Mong HĐXX xem xét, cân nhắc xem xét có hay không
11h40: Quyết định 11, 12 của NHNN là không phù hợp với quy định
LS Trương Thị Minh Thơ đề nghị HĐXX xem xét số tiền thiệt hại và trách nhiệm liên đới của tổ giám sát. Liên quan đến quyết định 11, 12 do điều kiện hành lang pháp lý chưa có, nên không phù hợp với quy định.
LS vẫn khẳng định có vi phạm luật tố tụng, trong biên bản hỏi cung Lê Văn Thanh thì lấy lời khai ông Ngô Văn Thanh ráp vào. LS mong HĐXX xem xét đề nghị của bị cáo Ngô Văn Thanh cho hưởng án treo.
11h15: Đề nghị không xử lý hình sự với ông Đặng Thanh Bình
LS Bính tranh luận, cơ quan giám sát đã kiểm tra thận trọng kiểm tra nguồn gốc khoản vay tại BIDV và trình lên lãnh đạo NHNN. Ở trong phạm vi vay vốn, BIDV có nhiệm vụ kiểm tra khoản vay. Đối với cơ quan giám sát phải thẩm định hổ sơ, do chức năng tham mưu cho Thống đốc NHNN.
Về việc để ông Danh tham gia tái cơ cấu, những vấn đề lớn của ngành ngân hàng đều có sự tham gia cuộc họp tập thể ban lãnh đạo. Ông Bình đã dũng cảm nhận trách nhiệm chính trị của mình, tuy nhiên trách nhiệm pháp lý cần phải cần nhắc thận trọng. LS cho rằng không nên xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
Công tác đánh giá năng lực tài chính làm chưa đầy đủ thì vẫn chưa thỏa đáng lắm. Những bút phê của bị cáo Bình đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm của bị cáo. Việc đổ vỡ ngân hàng thực chất do đề án tái cơ cấu kém hay do thanh tra giám sát hạn chế. Hậu quả này thể hiện rõ do công tác thanh tra giám sát thiếu sót, LS mong đại diện VKS xem xét mối quan hệ nhân quả này.
Những cán bộ như bị cáo Bình đã có đóng góp lớn cho ngành ngân hàng. LS đề nghị HĐXX xem xét ý kiến của VKS về việc lưu tâm đến công lao của các bị cáo, không xử lý hình sự đối với ông Đặng Thanh Bình.
11h: "Lời khai sinh đôi" chỉ là trùng lặp khi hỏi cung
Đối với quan điểm những giao dịch bị cáo Hà Tấn Phước làm chưa gây ra hậu quả, VKS cho rằng bị cáo đã tác động tích cực thu hồi được 20 tỷ đồng trong khoản tiền 201,6 tỷ đồng đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Liên quan đến quyết định 11 trưng tập cán bộ, VKS cho rằng không nằm trong phạm vi truy tố. NHNN có chức năng quản lý NHTM, nên có quyền điều động các cán bộ về một nơi nào đó mà NHNN giao.
LS Thơ cho rằng có lời khai sinh đôi, theo VKS, các bị cáo thực hiện cùng một nhiệm vụ thì có sự trùng lặp trong biên bản hỏi cung. Do đó, không có việc vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra nên giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị cáo.
Qua 3 ngày xét xử, thẩm vấn, bào chữa thì hầu hết đã toát lên được hành vi của các bị cáo đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Bị cáo Bình đã thừa nhận không hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.Tuy nhiên, VKS cũng mong HĐXX lưu tâm đến công lao của các bị cáo khi xem xét mức hình phạt.
10h45: VKS cho rằng mức án 4 - 5 năm tù với ông Bình là đã "chiếu cố"
Đại diện VKS cho biết về quan điểm của các LS bảo vệ quyền lợi cho ông Phạm Công Danh nằm ngoài phạm vi vụ án nên không có tranh luận. Số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ sẽ được đáp đối vào vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2.
Việc đưa ông Danh vào tái cơ cấu, VKS cho rằng đã nói rõ nên không trình bày lại. Trách nhiệm của những người có liên quan mà LS nêu, VKS cho biết đã nêu ở phần luận tội.
Về đánh gia năng lực tài chính Tập đoàn Thiên Thanh, nếu bị cáo Bình yêu cầu chỉ đạo sát sao hơn thì có lẽ hậu quả sẽ không lớn như hôm nay. Trong quá trình thực hiện, bị cáo không làm đầy đủ trách nhiệm của mình, dẫn đến các bị cáo phải ngồi tại đây. Việc truy tố bị cáo Bình là có căn cứ.
Việc xảy ra ở Ngân hàng Đại Tín mà không xảy ra ở 5 ngân hàng tái cơ cấu khác, VKS thừa nhận bị cáo Bình làm rất tốt 5 ngân hàng kia. Cáo trạng quy kết bị cáo Bình thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả xảy ra là đúng còn những thành công ở các ngân hàng còn lại đã được Chính phủ đánh giá rất cao.
Về quan hệ nhân quả mà LS nêu, VKS cho rằng có quan hệ này, do bị cáo Bình không làm đúng trách nhiệm, tạo ra sơ hở cho bị án Danh lợi dụng, gây thất thoát 15.000 tỷ đồng.
Bị cáo thừa nhận trách nhiệm chính trị. VKS cho rằng đây là thái độ thành khẩn thừa nhận, tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Lẽ ra bị cáo phải chịu hình phạt cao nhất 12 năm nhưng do có nhiều công hiến, bằng khen cho NHNN, chính phủ nên đã đưa mức án thấp 4-5 năm tù. VKS cho rằng đã có chiếu cố rất nhiều đối với bị cáo.
Bị cáo Bình đề nghị xem xét lại bối cảnh tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín, VKS cho biết mỗi việc làm đều phải rất cân nhắc như lời bị cáo nói. VKS hết sức thông cảm, chia sẻ với bị cáo về điều kiện, hoàn cảnh. Tình hình kinh tế giai đoạn đó. NHNN đã có biện pháp thắt chặt tiền tệ. VKS đề nghị HĐXX xem xét, khách quan.
10h25: nghỉ giải lao
10h: Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Danh đang làm "méo mó" sự thật
LS Bính bào chữa cho ông Đặng Thanh Bình cho rằng phương án tái cơ cấu là một chủ trương được NHNN xem xét thận trọng trước khi trình chính phủ. Việc có hay không vào diện kiểm soát cũng được xem xét rất thận trọng. Cơ quan thanh tra đã xem xét tư cách, năng lực tài chính của nhóm đầu tư mới.
Trong hồ sơ năng lực tài chính của Ngân hàng đã thể hiện rất rõ chỉ có những nguồn lực đưa vào nhóm tái cơ cấu. Tuy nhiên cơ quan thanh tra giám sát cho biết việc nắm lượng lớn cổ phần không đảm bảo nên không chấp nhận nhóm đầu tư mới tham gia.
Việc Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu không phải là do bắt buộc, mà chính là sự tự nguyện của nhóm Phạm Công Danh. Nếu nói ông Phạm Công Danh là nạn nhân là sai. Có rất nhiều tài liệu thể hiện nhà đầu mới có đủ năng lực tài chính. Vậy tại sao lại các luật sư nói ông Danh không có đủ năng lực tài chính. LS Bính cho rằng ông Danh mới là người lừa dối.
Việc đi quá xa thực tế của các LS bảo vệ quyền lợi ông Phạm Công Danh đã ảnh hưởng đến quyền lợi, méo mó sự thật của ông Đặng Thanh Bình.
LS đề nghị HĐXX không xem xét kiến nghị các LS của ông Phạm Công Danh.
9h30: Luật sư yêu cầu làm rõ phần góp vốn của ông Danh
LS Phan Trung Hoài, bảo vệ quyền lợi cho bị án Phạm Công Danh:
Nguồn vốn tham gia tái cơ cấu phần nợ xấu VNCB 4.600 tỷ đồng, ông Danh đã thực hiện chuyển giao cho nhóm Hứa Thị Phấn. Bản thân hành vi ông Danh, tổ giám sát phải kiểm tra thực hiện các bên đã thực hiện đầy đủ chưa.
Liên quan đến giám sát tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, thì có 4.000 tỷ đồng có nguồn gốc từ vốn vay BIDV 4000 tỷ đồng. NHNN đã có báo cáo rất nhiều cấp. LS cho rằng phải biết nguồn gốc của tăng vốn, nếu biết thì có chấp thuận không?
Việc rà soát năng lực tài chính của NHNN 11 lần là có thật. Trong quá trình chuyển giao thì nếu nói quá trình giải pháp, lúc này chưa có quyết định phê duyệt. Tính đến 4/2013 nguồn vốn của Ngân hàng là 3.600 tỷ đồng. Theo LS, quá trình giám sát là có thật.
Ông Phạm Công Danh là nạn nhân của tái cơ cấu
LS Trần Minh Hải, trình bày bổ sung: Cần ghi nhận 5 đặc điểm về thực trạng Ngân hàng Đại Tín: Mất khả năng chi trả, nợ xấu rất cao không có khả năng thu hồi chiếm 95% tổng dư nợ, lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn tự có, thuộc loại ngân hàng yếu kém, không đảm bảo vốn an toàn tối thiểu.
Thứ 2, vì ngân hàng không đặt vào diện kiểm soát đặc biệt nên dẫn đến hậu quả, gây thiệt hại cho Ngân hàng. LS cho rằng chỉ cần rơi vào một trong năm trường hợp thì phải đưa vào diện kiểm soát. Nếu đưa vào thì việc chuyển nhượng cổ phần sẽ không xảy ra, không dẫn đến tù tội như hiện nay. Nếu đưa vào diện kiểm soát đặc biệt thì phương án tái cơ cấu sẽ không có.
HĐXX ngắt lời, lưu ý LS về phạm vi vụ án, không sà đà phân tích hành vi của ông Phạm Công Danh.
LS Hải tiếp tục trinh bày quan điểm và cho rằng ông Phạm Công Danh thực chất là nạn nhân của đề án tái cơ cấu do thiếu năng lực tài chính. Đồng thời, LS cũng đề nghị xem xét giảm nhẹ tội cho các bị cáo nguyên là cán bộ NHNN.
8h40: Ông Phạm Thế Tuân thừa nhận cáo buộc của VKS
Bị cáo Phạm Thế Tuân hoàn toàn thừa nhận cáo buộc của VKS đối với trường hợp của mình. Bị cáo đã thành khẩn thừa nhận ngay từ đầu tố tụng điều tra cho đến diễn biến trong phiên tòa này.
Theo biên bản làm việc với cơ quan điều tra cũng như cáo trạng đã nêu 6 giao dịch bị cáo không phê duyệt bát cứ giao dịch nào. Nhưng với vai trò ở tổ, sau khi anh em trong tổ đã phát hiện sai phạm trong 6 giao dịch đó của ông Phạm Công Danh tại VNCB thì tổ đã kịp thời có hành xử mang tính nghiệp vụ là yêu cầu tập ban lãnh đạo NH Đại Tín, báo cáo cung cấp hồ sơ, thu hồi, dừng đình chỉ các hoạt động vi phạm, đồng thời báo cáo các cấp.
Khi bị cáo được biệt phái tham gia tổ giám sát trong tay không có đào tạo hướng dẫn, không có quy chế, quy định để hoạt động giám sát. Bản thân bị cáo chưa một lần nào được đào tạo về công tác giám sát ngân hàng. Nhưng với trách nhiệm được giao nặng nề, tổ cũng rất băn khoăn nhưng là nhiệm vụ phải làm. Tổ tự phải tìm tòi học hỏi chỗ này chỗ kia để hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu mà NHNN giao.
Trong cùng quãng thời gian bị cáo làm tổ giám sát NH Đại Tín, bị cáo đồng thời làm tổ phó thêm 2 tổ giám sát nữa tại 2 ngân hàng yếu kém. Tức là tổ phó ở ba ngân hàng trong tổng số 6 ngân hàng yếu kém thuộc đề án tái cơ cấu. Bị cáo cho rằng đây là công việc quá nặng nề, khó khăn, đầy áp những rào cản bởi vì không có quy trình, quy chế nào. Đây là hoạt động chưa có trong tiền lệ trong ngành ngân hàng.
Sau đó 2 ngân hàng bị cáo đã tham gia đã thành công, trong suốt quá trình tham gia Ngân hàng Đại Tín bị cáo cũng chưa bị NHNN nhắc nhở. Cho đến khi vụ án VNCB xảy ra nhưng bị cáo vẫn được bổ nhiệm vào Ngân hàng CB.
Cho đến 6/2016 bị cáo nghỉ hưu theo chế độ. Ngay trong thời gian đầu tố tụng, bị cáo nhận 1 phần trách nhiệm sự đổ vỡ tái cơ cấu. Bị cáo đau lòng, xót xa cho số phận của mình. Mình đã đeo bám, quyết liệt.
Hôm nay bị cáo đứng đây để tự bào chữa, bị cáo xin cảm ơn VKS đã xem xét trong suốt quá trình xét xử để nắm bắt rõ bản chất rõ việc đó. VKS đã xem xét thực tế vai trò vị trí của bị cáo ở trong tổ, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo về khung hình phạt. Mong HĐXX quan tâm bị cáo và xin lỗi bị cáo Phước là tổ trưởng. Bị cáo xin từ đáy lòng xin HĐXX xem xét cho bị cáo Phước.
Bị cáo cho rằng mình không phải là thành phần nguy hiểm, Bị cáo xin HĐXX xem xét thấu tình đạt lý, mức án thấp hơn VKS đề nghị, được hưởng án treo.
Ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN nghẹn ngào tại phiên tòa chiều 27/6 (ảnh: Minh Anh) |
Tóm tắt phiên chiều 27/6:
Tại phiên tòa, LS Nguyễn Xuân Bính bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình cho biết, để làm rõ ông Bình có thiếu trách nhiệm hay không, LS nhận thấy các văn bản ghi nhận quyền hạn, trách nhiệm của ông Bình thể hiện rõ trong quyết định 1239.
Bên cạnh đó, trách nhiệm, quyền hạn còn được thể hiện ở quyết định 78 về việc thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu, có chức năng tham mưu cho lãnh đạo NHNN chứ không làm thay công việc. LS cho rằng đây là cơ sở để xem xét ông Bình có làm tròn trách nhiệm của mình hay không.
Theo LS, cơ quan thanh tra giám sát là cơ quan trực tiếp, thẩm định hồ sơ trình lãnh đạo NHNN xem xét. LS cho biết có rất nhiều tài liệu, tờ trình trình cho ông Bình về tình trạng Ngân hàng Đại Tín. Liên quan tái cơ cấu, đều được cơ quan giám sát trình và được ông Bình xem xét kỹ. Bị cáo không hề bỏ sót một tờ trình nào.
LS nêu quan điểm VKS cho rằng bị cáo Bình thiếu trách nhiệm thì vẫn chưa có căn cứ. VKS cho rằng ông Bình là người cho ông Danh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Thông tin mua cổ phần ngân hàng của nhóm Thiên Thanh nhưng danh sách cổ đông không có gì thay đổi. Do đó không có chuyện nhóm Thiên Thanh mua cổ phần.
Mặt khác, ngày 3/7/2012, cơ quan giám sát đã trình tờ trình 1024 tại cuộc họp của ban lãnh đạo NHNN, cho thấy ông Bình không đủ thẩm quyền cho phép ông Danh tham gia tái cơ cấu. Điều này thể hiện trong kết luận cuộc họp. LS cho rằng ông Bình đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình, quyết định này là của tập thể NHNN chứ không riêng ông Bình.
Theo LS, việc xây dựng tái cơ cấu ngân hàng là một quá trình lâu dài và trong một năm tái cơ cấu, cơ quan giám sát đã có rất nhiều tờ trình xây dựng đề án. Bản thân bị cáo cũng có những chỉ đạo sát sao về phương án, vấn đề chấp nhận chuyển nhượng cổ phần, cuộc họp liên ngành tháng 12/20102 ...cho thấy quyết định cho ông Danh tham gia tái cơ cấu là của tập thể NHNN. Vậy cơ sở nào để VKS đưa ra quan điểm cho rằng ông Bình là người quyết định. LS cho rằng tập thể NHNN rất quan tâm đến ngân hàng Đại Tín.
Đồng quan điểm với LS, bị cáo Bình nghẹn ngào cho biết thời điểm 2010 - 2012 rất khó khăn về kinh tế, nguy cơ đổ vỡ ngân hàng thường trực. Hệ thống NHNN chứng kiến mức lãi suất ngân hàng cao kỷ lục. Do đó chỉ cần một động thái nhỏ cũng đe dọa đến hệ thống ngân hàng.
Thực hiện đề án tái cơ cấu khi năng lực tài chính hạn chế, không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, tái cơ cấu là điều kiện bắt buộc phải làm. Bị cáo tham gia đề án tái cơ cấu hết sức với mục đích hết sức trong sáng.