|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vụ án Ngân hàng Xây Dựng chiều 27/6: Luật sư cho rằng mức án 4 - 5 năm tù là quá cao với ông Đặng Thanh Bình

13:49 | 27/06/2018
Chia sẻ
Theo Viện kiểm sát, bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN là người có trách nhiệm cao nhất, đáng lẽ sẽ bị truy tố khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Tuy nhiên, sau khi xét các tình tiết giảm nhẹ, VKS đề nghị mức án 4 - 5 năm tù giam. 

Chiều hôm nay (27/6), phiên tòa xét xử vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục diễn ra với phần tranh luận của các luật sư.

Trong phiên xét xử sáng nay, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi và Viện Kiểm sát đã đọc bản đề nghị án phạt với các bị cáo trong vụ án.

16h50: Luật sư nghi ngờ cơ quan điều tra đã cắt dán lời khai của các bị cáo

LS Trương Thị Minh Thơ cho rằng có nhiều điểm vi phạm luật tố tụng. Lời khai của bị cáo Ngô Văn Thanh và Lê Văn Thanh là lời khai sinh đôi. Cơ quan điều tra đã cắt dán lời khai của hai bị cáo. Trong quá trình điều tra cũng chưa làm rõ về có hay không quyết định bị cáo Thanh chuyển sang NHNN của Vietcombank.

Luật sư cho rằng quyết định 12 không phù hợp đúng quy định pháp luật, trong bối cảnh đó, các bị cáo không được tập huấn. Các bị cáo đã thực hiện đúng chức trách của mình. LS mong HĐXX xem xét cho bị cáo được miễn hình phạt.

Bị cáo Ngô Văn Thanh: Bị cáo đồng ý với quan điểm VKS đồng thời bổ sung ý kiến. Bị cáo cho rằng quá trình giám sát khó khăn phải đi xa. Công việc mới không được tập huấn. Bị cáo cho rằng hậu quả xảy ra làm thất thoát chính không phải của bị cáo. Bị cáo chỉ là tổ viên. Bị cáo mong nhận được hình phạt thấp nhất có thể án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự.

16h30: Quyết định 12 là không phù hợp với quy định của pháp luật

LS Thanh Thảo bào chữa cho bị cáo Ngô Văn Thanh:

Đối với quyết định 11 trưng tập ông Ngô Văn Thanh, qua xem xét hồ sơ vụ án, hồ sơ lao động, LS cho rằng quyết định trưng tập không có phù hợp với quy định, pháp luật với luật lao động.

Ngày 14/2/2012, NHNN ban hành quyết đinh số 12 mang tính hành chính cá biệt không phải văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên khi xem xét tính pháp lý, LS cho biết không có quy định nào cho thấy NHNN có quyền ban hành quyết định 12. Việc kiểm soát và giám sát là hoàn toàn khác nhau. Xét về tính pháp lý, quyết định này không phù hợp với quy định pháp luật.

LS cho rằng, một số quyền hạn của ban kiểm soát đặc biệt được áp dụng cho tổ giám sát. Tổ giám sát có quyền nhưng không quy định Ngân hàng Đại Tín thực hiện như thế nào.

Trong quá trình làm việc, bị cáo Thanh đã thực hiện hơn 5.800 giao dịch nhưng sai phạm lại xảy ra ở các giao dịch tại Ngân hàng Đại Tín.

Đối với số tiền gửi thị trường liên ngân hàng, quyết định 12 có quy định giám sát trên hệ thống chứng từ số sách cho nên không thể biết được việc gì xảy ra trong tương lai. Tổ giám sát đã đồng thuận các giao dịch là phù hợp. Khi gửi tại 3 ngân hàng, Phạm Công Danh đã dùng làm tài sản cầm cố cho 29 khoản vay nhưng không được hạch toán nên không phát hiện được.

Khi 3 ngân hàng tất toán tiền tại VNCB thì bộ phận kế toán mới phát hiện. LS cho rằng khả năng kiểm tra số dư tiền gửi tại ngân hàng khác là khó, không thể kiểm soát được. LS mong HĐXX xem xét cho trường hợp tiền gửi này.

Đối với 903 tỷ đồng đầu tư ủy thác và 400 tỷ đồng thuê trụ sở , LS cho rằng ngoài bản phân công cần căn cứ báo cáo công việc, biên bản họp. Trong đó có thể hiện ông Minh có báo cáo về hai khoản này.

Đối với khoản vay 650 tỷ đồng 2 doanh nghiêp và khoảng vay 10 doanh nghiệp, LS cho biết, khoản vay 650 tỷ đồng thời điểm đó ngân hàng không có dư nợ nhưng đến khoản vay 10 doanh nghiệp thì dư nợ ngân hàng trên 10.000 tỷ đồng. Do đó các bị cáo có sự lúng túng trong cách xử lý.

Đồng thời, LS cho rằng tất cả các giao dịch ông Danh rút đi toàn bộ là chuyển khoản khác ngân hàng. Với quyền hạn thì tổ giám sát không thể kiểm soát được số dư tài khoản tại các ngân hàng khác.

HĐXX ngắt lời LS và cho biết LS nên trình bày quan điểm của mình, thân chủ của mình có trách nhiệm hình sự hay không.

LS Thảo mong muốn HĐXX xem xét rõ ràng hơn, cần giảm nhẹ khoan hồng hơn. LS đề nghị xem xét tờ trình của ông Long thể hiện sự nỗ lực của tổ giám sát. Trên cơ sở đó, miễn hình phạt cho bị cáo Ngô Văn Thanh.

15h40: Luật sư đề xuất án treo cho ông Hà Tấn Phước và Lê Văn Thanh

LS Vũ Phi Long bào chữa cho bị cáo Hà Tấn Phước và bị cáo Lê Văn Thanh:

LS cho rằng, các bị cáo phạm tội trong điều kiện hạn chế. Bị cáo thực hiện nhiệm vụ mà không được hướng dẫn cụ thể, nơi ở xa chỗ làm. Các bị cáo đã có đề xuất, yêu cầu giám sát nhưng không đeo bám, kiên quyết dẫn đến trách nhiệm các bị cáo. Hơn nữa có sự tinh vi, che dấu của nhóm Phạm Công Danh.

LS mong HĐQT quan tâm, xem xét tổng thể. LS nêu hoàn cảnh gia đinh của hai bị cáo, có nhiều cống hiến trong ngành ngân hàng. Theo đó, LS kiến nghị HĐXX xem xét cho hai bị cáo hưởng án treo.

Đối với hình phạt, hai bị cáo đã bị tạm giam gần 7 tháng, gần với khung hình phạt cận kề và có nhiều tình tiết giảm nhẹ. LS cho rằng các bị cáo đã phải sự trả giá cho hành vi mình 7 tháng tạm giam.

15h20: Ông Đặng Thanh Bình: "Bị cáo tham gia đề án tái cơ cấu với mục đích trong sáng"

Bị cáo nghẹn ngào cho biết thời điểm 2010 - 2012 rất khó khăn về kinh tế, nguy cơ đổ vỡ ngân hàng thường trực. Hệ thống NHNN chứng kiến mức lãi suất ngân hàng cao kỷ lục. Do đó chỉ cần một động thái nhỏ cũng đe dọa đến hệ thống ngân hàng.

Thực hiện đề án tái cơ cấu khi năng lực tài chính hạn chế không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, tái cơ cấu là điều kiện bắt buộc phải làm. Bị cáo tham gia đề án tái cơ cấu hết sức với mục đích hết sức trong sáng.

15h: Mức án 4 -5 năm tù là quá cao với ông Đặng Thanh Bình

LS Nguyễn Hồng Bách, bào chữa bổ sung:

LS nhấn mạnh, quyết định đưa ông Danh vào đề án tái cơ cấu là thuộc tập thể NHNN thuộc trách nhiệm của tập thể NHNN. Ông Bình đã thực hiện các công việc chuẩn mực, đúng đắn trong quyền hạn của mình.

Với mức án phạt 4 - 5 năm là một áp lực khủng khiếp đối với ông Bình, các cán bộ NHNN. LS mong muốn VKS xem xét tổng thể, quá trình vụ án để không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Bình.

14h30: Quyết định cho ông Danh tham gia tái cơ cấu là quyết định của tập thể chứ không riêng ông Bình

LS Nguyễn Xuân Bính bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình

Để làm rõ ông Bình có thiếu trách nhiệm hay không, LS nhận thấy các văn bản ghi nhận quyền hạn, trách nhiệm của ông Bình thể hiện rõ trong quyết định 1239. Bên cạnh đó, trách nhiệm, quyền hạn còn được thể hiện ở quyết định 78 về việc thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu, có chức năng tham mưu cho lãnh đạo NHNN chứ không làm thay công việc. LS cho rằng đây là cơ sở để xem xét ông Bình có làm tròn trách nhiệm của mình hay không.

LS cho rằng, cơ quan thanh tra giám sát là cơ quan trực tiếp, thẩm định hồ sơ trình lãnh đạo NHNN xem xét. LS nhìn nhận thấy có rất nhiều tài liệu, tờ trình trình cho ông Bình về tình trạng Ngân hàng Đại Tín. Liên quan tái cơ cấu, đều được cơ quan giám sát trình và được ông Bình xem xét kỹ. Ông Bình không hề bỏ sót một tờ trình nào.

LS nêu quan điểm VKS cho rằng bị cáo Bình thiếu trách nhiệm thì vẫn chưa có căn cứ. VKS cho rằng ông Bình là người cho ông Danh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Thông tin mua cổ phần ngân hàng của nhóm Thiên Thanh nhưng danh sách cổ đông không có gì thay đổi. Do đó không có chuyện nhóm Thiên Thanh mua cổ phần.

Mặt khác, ngày 3/7/2012, cơ quan giám sát đã trình tờ trình 1024 tại cuộc họp của ban lãnh đạo NHNN, cho thấy ông Bình không đủ thẩm quyền cho phép ông Danh tham gia tái cơ cấu. Điều này thể hiện trong kết luận cuộc họp. LS cho rằng ông Bình đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình, quyết định này là của tập thể NHNN chứ không riêng ông Bình.

Theo LS, việc xây dựng tái cơ cấu ngân hàng là một quá trình lâu dài và trong một năm tái cơ cấu, cơ quan giám sát đã có rất nhiều tờ trình xây dựng đề án. Bản thân bị cáo cũng có những chỉ đạo sát sao về phương án, vấn đề chấp nhận chuyển nhượng cổ phần, cuộc họp liên ngành tháng 12/2012 ...cho thấy quyết định cho ông Danh tham gia tái cơ cấu là của tập thể NHNN. Vậy cơ sở nào để VKS đưa ra quan điểm cho rằng ông Bình là người quyết định. LS cho rằng tập thể NHNN rất quan tâm đến ngân hàng Đại Tín.

Ngay từ đầu, cơ quan giám sát đã yêu cầu ngân hàng cung cấp năng lực tài chính. Cơ quan thanh tra giám sát có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ năng lực trước khi trình ban lãnh đạo NHNN. Khi xem xét các tờ trình, ông Bình đều lưu ý rằng cơ quan thanh tra giám sát cần phải lưu ý, xem xét kỹ năng lực tài chính. Ông Bình rất xem trọng việc chỉ đạo tái cơ cấu 6 ngân hàng trong đó có Ngân hàng Đại Tín.

Có bút phê chưa chắc đã là không chỉ đạo kiểm tra

Kiểm tra vốn góp là một hoạt động cụ thể. Căn cứ vào bút phê “ việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này”, VKS cho rằng ông Bình không kiểm tra vốn góp. Theo LS, kiểm tra vốn góp là cụ thể hóa kiểm tra năng lực tài chính. Tại sao có thể nói bút phê này là không chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính.

Ông Bình đã có văn bản kiểm tra rõ nguồn tiền của nhóm đầu tư mới. Thứ hai, khi Ngân hàng Đại Tín đề xuất tăng vốn, ông Bình cũng có văn bản kiểm tra vốn góp, dòng tiền.

LS mong muốn lời khai của bị cáo, lời bào chữa sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Hậu quả vụ án xảy ra, tại sao xảy ra ở Ngân hàng Đại Tín mà không phải 5 ngân hàng khác. Liệu rằng đây có phải thiếu trách nhiệm hay không? Hậu quả từ đâu? Đề án Tái cơ cấu sai sót?

LS cho rằng việc chỉ đạo tái cơ cấu rất kịp thời, đúng đắn. Nguyên nhân đổ vỡ tái cơ cấu do ông Phạm Công Danh đã có thủ đoạn rất tinh vi, che dấu sự thật.

LS cho rằng hậu quả của vụ án không có liên quan tới nguyên nhân VKS đưa ra. LS mong được đánh giá khách quan, đúng đắn. Mong muốn VKS xem xét lại buộc tội đối với ông Bình, để đưa ra một phán quyết đúng, đảm bảo quyền lợi của ông Bình.

vu an ngan hang xay dung chieu 276 luat su cho rang muc an 4 5 nam tu la qua cao voi ong dang thanh binh
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa (ảnh: MA)

Tóm tắt phiên sáng 27/6:

Theo VKS, kết quả điều tra có đủ cơ sở để xác định bị cáo Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình Thủ tướng, nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, vẫn quyết định để ông Danh điều hành VNCB và sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm là có căn cứ. Tuy nhiên, trong những ngày xét xử vừa qua, bị cáo Bình không thừa nhận hành vi phạm tội mà chỉ thừa nhận bản thân chưa làm tròn trách nhiệm chính trị.

Trong vụ án này, bị cáo Bình là người có trách nhiệm cao nhất, đáng lẽ sẽ bị truy tố khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Tuy nhiên, xét bị cáo có nhiều thành tích, được tặng bằng khen, huân chương, cha là cán bộ lão thành cách mạng,...nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh thuộc Tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, rút tiền của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này. Một số bị cáo như luôn kêu oan vì cho rằng đã làm hết trách nhiệm. Khi phát hiện sai phạm của Phạm Công Danh, bị cáo cho rằng đã báo cáo cơ quan Thanh tra giám sát, Chánh thanh tra, Thống đốc NHNN thông qua cơ quan TTGS. Tuy nhiên, bị cáo Phước nhận một phần trách nhiệm do không đeo bám, báo cáo quyết liệt.

Tuy nhiên, VKS không đồng tình với cách báo cáo như cách trả lời của các bị cáo. Nếu làm đúng trách nhiệm thì các bị cáo phải yêu cầu VNCB ngừng ngay những hành vi vi phạm. Qua đó kiến nghị thu hồi thì hậu quả sẽ không xảy ra hoặc nếu có sẽ không nghiêm trọng như hiện tại.

Hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng là có trách nhiệm của các bị cáo. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo đã có báo cáo đến cấp trên để xử lý, các bị cáo đều là cán bộ kiêm nhiệm, kinh nghiệm chưa nhiều trong điều kiện Phạm Công Danh và đồng phạm luôn thực hiện hành vi gian dối, ảnh hưởng một phần đến kết quả giám sát của các bị cáo. Các bị cáo có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, được tặng nhiểu bằng khen, có cha mẹ là người có công với cách mạng.

Dựa cơ sở trên, hoàn cảnh khách quan, đóng góp cho ngành ngân hàng, VKS đề nghị:

Bị cáo Hà Tấn Phước, nguyên Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Long An, Tổ trưởng Tổ giám sát 14/2/2012 đến ngày 15/10/2013: 30-36 tháng tù

Bị cáo Ngô Văn Thanh, Phó Phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Long An, Tổ viên Tổ giám sát VNCB từ ngày 14/2/2012 đến tháng 3/2014: 24-36 tháng

Bị cáo Lê Văn Thanh, Chánh Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh tỉnh Long An, Tổ trưởng Tổ giám sát Ngân hàng Xây dựng từ 15/10/2013 đến 3/2014: 3-3 năm 6 tháng

Bị cáo Phạm Thế Tuấn, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Tổ phó Tổ giám sát Ngân hàng Xây dựng từ ngày 5/9/2012 đến 08/8/201: 30-36 tháng

Bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN: 4-5 năm tù

Đồng thời, VKS đề nghị miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo. Kiến nghị VKS ND tối cáo, làm rõ vai trò cá nhân liên quan, cơ quan thanh tra giám sát NHNN. Làm rõ vai trò của lãnh đạo NHNN trong đề án tái cơ cấu NHTM.

Xem thêm

Minh Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.