Vòng luẩn quẩn cung – cầu – giá của thị trường dầu
Sau khi vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2014, khiến các nhà sản xuất “đổ xô” vào thị trường để kiếm lời, giá dầu lao dốc không phanh vào cuối năm 2015, đầu 2016.
Thị trường dầu khởi sắc trở lại khi giá dần phục hồi từ thời điểm đó nhờ thỏa thuận giảm sản lượng giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và đồng minh, gồm Nga.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài bao lâu khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm và dự báo thặng dư nguồn cung dầu đẩy giá xuống dưới 60 USD/thùng.
Thỏa thuận giảm sản lượng giữa các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu
Diễn biến giá dầu trong 5 năm. Nguồn: Investing. |
Sự kiện giá dầu giảm mạnh từ đỉnh 112,36 USD/thùng trong tháng 6/2014 xuống còn 34,47 USD/thùng vào tháng 1/2016, theo dữ liệu từ Investing, đã trở thành sự kiện vĩ mô quan trọng nhất thế giới trong vòng 20 tháng tại thời điểm đó.
Trong khi khủng hoảng giá dầu tương tự diễn ra trong giai đoạn 1985 – 1986 là do các thành viên OPEC đảo ngược việc giảm sản xuất trước đó, và năm 2008 – 2009 vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự lao dốc lần này là kết hợp của cả vấn đề nguồn cung dư thừa và nhu cầu sụp đổ.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt tại Trung Quốc, đã dẫn đến sự giảm mạnh về giá hàng hóa. Tuy nhiên, giá dầu đã ghi nhận mức giảm sâu hơn kim loại và thực phẩm vì một vấn đề nghiêm trong không kém, đó là nguồn cung tăng mạnh.
Để giải quyết vấn đề dư thừa cung, OPEC và các quốc gia ngoài tổ chức do Nga dẫn đầu đã đạt được thỏa thuận giảm sản xuất khoảng 1,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016.
Thỏa thuận này ngày càng chứng tỏ sự hữu hiệu khi giá dầu tăng trở lại. Mặc dù vậy, giá dầu vẫn chỉ dao động quanh mức 50 USD/thùng. Điều này đã khiến OPEC và các đồng minh quyết định kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng sang năm 2018.
Giá dầu tìm lại đà tăng khi vượt ngưỡng 80 USD/thùng
Tỉ lệ tuân thủ thỏa thuận giảm sản lượng của các thành viên OPEC và đồng minh đã giúp giá dầu quay trở lại ngưỡng 60 – 70 USD/thùng.
Bên cạnh đó, sản xuất dầu tại Venezuela, một thành viên của OPEC, tiếp tục giảm mạnh vì nước này đang thiếu các quỹ đầu tư cho ngành dầu khi khủng hoảng kinh tế làm giảm hoạt động lọc dầu và xuất khẩu dầu thô.
Trong khi việc một lần nữa áp lệnh trừng phạt lên Iran, một thành viên khác của OPEC, dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu.
Diễn biến giá dầu năm 2018. Nguồn: Investing. |
Các yếu tố này kết hợp lại đã giúp kéo giá dầu vượt ngưỡng 80 USD, đạt 86,29 USD/thùng vào đầu tháng 10, dữ liệu từ Investing cho biết.
Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được bao lâu khi lo ngại nguồn cung thắt chặt dần biến mất vì các nhà sản xuất dầu đã thành công trong việc bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Venezuela và Iran, cùng với kêu gọi duy trì sản lượng dầu ở mức cao của ông Trump.
Tính tới thời điểm hiện tại, giá dầu đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh lập được hồi tháng 10.
Lo ngại cung – cầu quay trở lại với sự trỗi dậy của dầu đá phiến Mỹ và cuộc chiến thương mại
Theo báo cáo thị trường dầu hàng tháng của OPEC, sản lượng dầu thô trung bình của tổ chức đạt 32,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, tăng 127.000 thùng/ngày so với tháng trước. Báo cáo cho thấy sản lượng tăng chủ yếu tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi, Libya và Angola.
Tuy nhiên, không chỉ có Arab Saudi, Nga và các nước khác duy trì sản lượng ở mức cao, các công ty dầu đá phiến của Mỹ cũng đang gia tăng sản xuất.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của quốc gia này trong tuần kết thúc thúc vào ngày 14/12 đạt 11,6 triệu thùng/ngày, gần mức kỉ lục từng được ghi nhận là 11,7 triệu thùng/ngày.
EIA cũng dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ trung bình đạt 12,06 triệu thùng/ngày vào năm 2019, vượt 12 triệu thùng/ngày sớm hơn dự kiến nhờ sản lượng dầu đá phiến trong nước tăng đột biến. Điều này khiến ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, nhận định tổng sản lượng dầu của Mỹ sẽ gần bằng sản xuất của cả hai nước Nga và Arab Saudi cộng lại vào năm 2025.
Sản lượng tăng mạnh, lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kết thúc và đầu tư vào công suất lọc dầu đã giảm khối lượng nhập khẩu dầu thô của Mỹ và giúp quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu dầu ròng lần đầu tiên sau nhiều thập kỉ trong tuần cuối cùng của tháng 11, đạt 211.000 thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 30/11, dữ liệu từ EIA cho biết.
Ảnh minh họa. |
Dù sự kiện lần này có thể sẽ không lặp lại trong những tuần tới vì xu hướng dòng chảy thương mại dầu gần đây, OPEC và các đồng minh vẫn quyết định giảm sản lượng trở lại từ tháng 1/2019 vì lo ngại nguồn cung từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường toàn cầu.
Cụ thể, OPEC đã tuyên bố giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng dầu/ngày trong 6 tháng đầu năm 2019.
Trong khi đó, với tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng trưởng tổng sản lượng quốc nội trên thế giới dự kiến giảm 0,5 – 1%, theo các chuyên gia phân tích và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khiến nhu cầu dầu giảm.
“Các điều chỉnh giảm của GDP toàn cầu tiếp tục được đưa ra, trong khi rủi o suy thoái kinh tế gia tăng, thị trường chứng khoán phản ánh điều này, giới đầu tư tìm đến nơi trú ẩn an toàn kéo đồng USD tăng cao, và những yếu tố này khiến nhu cầu dầu giảm”, theo Paul Sankey, chuyên gia phân tích dầu tại Mizuho Securities cho biết.
J.P. Morgan dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ chỉ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm tới.
Dự báo giá dầu năm 2019
Kết quả khảo sát 38 chuyên gia phân tích và nhà kinh tế của Reuters dự báo giá dầu thô ngọt, nhẹ WTI của Mỹ trung bình đạt 67,45 USD/thùng trong năm 2019, giảm so với mức 70,15 USD/thùng trong khảo sát hồi cuối tháng 10, thời điểm các chuyên gia đều cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu Iran sẽ hỗ trợ giá trong năm tới.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng ghi nhận dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong năm tới giảm còn 74,5 USD/thùng, so với mức 76,88 USD từ dự báo trước đó.
Trong khi Citi đưa ra mức dự báo thấp nhất đối với giá dầu Brent trong năm 2019 là 57 USD/thùng, còn Raymond James và ABN Amro có ước tính cao nhất, 90 USD/thùng.
Xem thêm |