|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vốn đầu tư điên cuồng đổ vào các startup công nghệ, liệu sẽ xuất hiện bong bóng dot-com thứ 2?

14:34 | 14/07/2021
Chia sẻ
Bất chấp COVID-19, trái ngược nhiều dự đoán, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ không có dấu hiệu chậm lại.

Hồi tháng 3 năm ngoái, một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu nói rằng COVID-19 là một "hiện tượng thiên nga đen của năm 2020". "Đầu tư tư nhân có thể giảm mạnh, như đã diễn ra vào năm 2001 và 2009", Sequoia Capital nói với các nhà sáng lập và CEO trong danh mục đầu tư của mình, tờ CNBC đưa tin.

Vậy nhưng, gió đã đổi chiều, tại thời điểm tháng 7 năm nay, các nhà đầu tư công nghệ đang viết những tấm séc giá trị lớn hơn bao giờ hết. Theo CB Insights, các startup đã kêu gọi được 292,4 tỷ USD vốn đầu tư trên phạm vi toàn cầu đến thời điểm hiện tại. Nếu duy trì tốc độ này, khối lượng đầu tư trong năm nay có thể sẽ vượt qua mốc 302,6 tỷ USD của năm 2020.

Số lượng các "vòng siêu gọi vốn" với khối lượng đầu tư từ 100 triệu USD trở lên đã chạm mốc 751 đến thời điểm hiện tại của năm 2021. Năm ngoái, con số trong cả năm chỉ dừng lại ở 665 thương vụ.

Vốn đầu tư điên cuồng đổ vào các startup công nghệ, liệu sẽ xuất hiện bong bóng 'dot-com' thứ 2? - Ảnh 1.

Tổng vốn đầu tư trong 5 năm trở lại đây (đơn vị: tỷ USD) (Nguồn: CB Insights Venture Trends Q2 2021, Đồ hoạ: Thái Sơn)

"Tôi cảm giác như thời điểm năm 1999", Hussein Kanji, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Hoxton Ventures, nói. "Startup có rất nhiều nguồn lực và rất nhiều sự hào hứng".

Vào cuối những năm 1990, trong bối cảnh internet được đón nhận tích cực, các nhà đầu tư Phố Wall phát sốt vì những công ty internet. Chỉ số sàn giao dịch Nasdaq Composite tăng tới 400% từ năm 1995 và 2000. Tuy nhiên, đến năm 2002, con số này giảm tới 80% kể từ đỉnh cao nhất.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Nasdaq cũng tăng trưởng gần ba lần với định giá của nhiều công ty công nghệ lớn như Amazon, Google và Facebook vượt qua mốc 1 nghìn tỷ USD. Microsoft và Apple thậm chí còn đạt mốc giá trị vốn hoá hơn 2.000 tỷ USD.

Dù vậy, định giá tăng vọt của nhiều công ty công nghệ tư nhân đang khiến các nhà đầu tư lo lắng. Theo một thống kê của CB Insights, số lượng các startup kỳ lân với định giá từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu năm 2021 là 249 startup, gần gấp đối số startup kỳ lân ghi nhận vào năm ngoái.

"Đây là thời điểm tuyệt vời để các doanh nhân gọi vốn", Andrei Brasoveanu, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Accel, nói. "Chất lượng và tốc độ tăng trưởng của các công ty như vậy là chưa từng có tiền lệ".

Hiệu ứng FOMO

Vốn đầu tư điên cuồng đổ vào các startup công nghệ, liệu sẽ xuất hiện bong bóng 'dot-com' thứ 2? - Ảnh 2.

(Nguồn: CB Insight/CNBC, Việt hoá: Thái Sơn)

Tiger Global, một quỹ đầu tư có khẩu vị đầu tư dành cho các công ty đang ở giai đoạn trước IPO (pre-IPO), có thêm nhiều dấu ấn trên thị trường đầu tư trong thời gian trở lại đây. Trong khi đó, các quỹ đầu tư lớn như Vision Fund II của SoftBank cũng tăng tốc độ. Theo Financial Times, trong quý II năm nay, trung bình 2 ngày quỹ đầu tư của SoftBank lại đầu tư vào một startup.

Định giá các công ty tư nhân mảng công nghệ "ngày càng xa rời thực tế", Kanji của Hoxton Ventures. Ông nhận định đây là kết quả hiệu ứng FOMO.

Iana Dimitrova, CEO của startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính OpenPayd, nói rằng công ty của bà đang trong quá trình gọi vốn. "Chúng tôi có những nhà đầu tư nói rằng, 'Ồ, các anh yêu cầu số tiền đầu tư quá nhỏ, chúng tôi chỉ thực hiện các khoản đầu tư từ 100 triệu USD trở lên thôi'", Iana Dimitrova chia sẻ.

Một số nhà đầu tư "không có nhiều hiểu biết" về những gì phần mềm của OpenPayd cung cấp nhưng vẫn "đưa ra đề nghị đầu tư vì họ muốn tham gia vào mảng công nghệ tài chính". Trong quý II, 22% vốn đầu tư vào startup chảy về mảng công nghệ tài chính, theo CB Insights.

"Các nhà đầu tư ngày càng chi tiền mạnh hơn", Iana Dimitrova nói thêm. "Thành thực mà nói điều này quan trọng với sự phát triển bền vững trong lâu dài của ngành công nghệ tài chính vì các công ty hiện chưa tập trung vào tạo ra giá trị, thay vào đó họ tập trung đốt tiền", bà nói.

Vị CEO này thừa nhận vì môi trường lãi suất thấp, một lượng lớn "bột khô" đang được khai thác trong các thương vụ đầu tư mạo hiểm rủi ro.

Nam Khánh