Dura - startup bị gọi là 'trẻ trâu dám gắt với Shark Bình', lên tiếng giải thích tại sao founder không trực tiếp đứng ra gọi vốn trong Shark Tank
Trong tập 11 Shark Tank Việt Nam mùa 4, ông Trần Quang Huy, giám đốc và Lưu Hoàng Hải, thành viên công ty - đại diện cho Dura đến để kêu gọi đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% hoặc 3 tỷ đồng cho 25% cổ phần.
Mô hình kinh doanh của Dura là cung cấp những dụng cụ phục vụ mô hình phòng tập gym cho trẻ em. Dura hiện có ba nguồn doanh thu chính bao gồm: doanh thu từ xưởng sản xuất dụng cụ; doanh thu từ đào tạo giáo viên hoặc cung ứng nguồn nhân lực cho nhà trường; doanh thu từ phòng tập thu vé giống như mô hình gym của người lớn.
Dù vậy, hai thành viên này hiện chỉ nắm 20% cổ phần của Dura. Founder chính của công ty, người đang nắm 80% cổ phần còn lại không trực tiếp tham gia gọi vốn mà ủy quyền công chứng hợp pháp cho ông Huy và ông Hải.
Cuối chương trình, dù đã nhận được lời đề nghị lập công ty mới, Shark Bình đầu tư 7 tỷ đồng cho 70% cổ phần nhưng Dura đã quyết định không đồng ý và ra về trắng tay.
Sau khi chương trình được phát sóng, theo chia sẻ của ông Hải trên Facebook, ekip Dura đã nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng người quan tâm, như tại sao founder chính lại không tham gia thuyết trình? Sản phẩm chưa có gì đặc biệt? Cơ sở pháp lý? Hay thậm chí là "trẻ trâu dám gắt với shark Bình".
Về vụ việc tại sao founder không trực tiếp đứng ra gọi vốn cho startup, ông Lưu Hoàng Hải cho rằng có thể người xem chưa rõ về các thủ tục của ban tổ chức Shark Tank 2021(BTC). Giấy ủy quyền là một trong các đầu hồ sơ bắt buộc của chương trình, nếu bản thân startup không đáp ứng tiêu chí này, BTC đã loại từ vòng gửi xe.
Luật của chương trình là các Shark trực tiếp đối mặt với startup mà không thông qua BTC, bởi vậy vấn đề ủy quyền trở thành đề tài chiếm 1/2 thời lượng pitch. "Ngoài ra, bản thân founder không tham dự cũng đủ nhận thức để trao quyền cho người điều hành, và startup thường phải ngồi với nhau bàn bạc rất kỹ trước khi lên sóng", ông Hải khẳng định.
Trường hợp của Dura, ông Hải cho biết ekip đã có thống nhất về tỷ lệ trước khi tham gia chương trình trong trường hợp nhận được đầu tư. Đồng thời, ông chia sẻ Dura cũng không phải là trường hợp đầu tiên lên sóng Shark Tank với các founder ko nắm quyền chi phối.
Ông Hải cũng đính chính rằng tại thời điểm pitch, 8 tháng hoạt động thì có ba tháng nghỉ dịch ảnh hưởng rất lớn đến nguồn doanh thu từ việc cung cấp giáo viên cho các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong suốt thời gian hoạt động (2 năm) của mô hình (từ cả Công ty cũ và Dura), Dura setup phòng tập cho hơn 200 trường mầm non trên toàn quốc, cung cấp giáo viên hàng tháng cho hơn 30 trường mầm non tại Hà Nội, nhượng quyền hai cơ sở. Theo ông, sự liệt kê này để làm rõ sự đón nhận của thị trường (không phải PR) bởi startup ở giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, khi Shark Hưng đặt ra vấn đề tính pháp lý về chương trình đào tạo của Dura, tại buổi pitch, Dura đã trình bày rằng nội dung giáo dục thể chất mầm non được quy định tại Thông tư 17/2009/TT-BGDDT, Dura phát triển hệ thống bài tập với dụng cụ (giáo trình) dựa trên quy định này.
Về tính an toàn, ngoài lý thuyết được xây dựng trên khoa học thể chất và khoa học giáo dục, đội ngũ huấn luyện viên (giáo viên) được tuyển chọn là các thầy cô thuộc khối trường sư phạm thể dục thể thao, sư phạm mầm non, hay các vận động viên,… đã được đào tạo bài bản.
Về vận động chính sách, đây là một điểm thiệt thòi bởi thực chất mô hình của Dura đã vận hành hơn hai năm. Khi một số cổ đông cũ không muốn tiếp tục thì phần còn lại quyết định lập ra công Dura Kid Gymnastics.
Tuy nhiên, giai đoạn một Dura chỉ đủ nguồn lực mua lại một phần tài sản của CTCP Duragym, chủ sở hữu của giáo trình được ban điều phối đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt quyết định công nhận là mô hình điểm đồng hành cùng Đề án 641 của chính phủ.
Tại buổi pitch, do chưa là chủ sở hữu hợp pháp của giáo trình, nên Dura không nêu ra quyết định này.