Đại diện đi gọi vốn nhưng chỉ nắm 20% cổ phần khiến các Shark đồng loạt 'né', Shark Bình ra deal nhưng startup vẫn ra về tay trắng
Tại Shark Tank Việt Nam mùa 4, ông Trần Quang Huy, giám đốc và Lưu Hoàng Hải, thành viên công ty - đại diện cho Dura đến để kêu gọi đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% hoặc 3 tỷ đồng cho 25% cổ phần.
Mô hình kinh doanh của Dura là cung cấp những dụng cụ phục vụ mô hình phòng tập gym cho trẻ em. Theo Dura, hiện chiều cao trung bình của người Việt Nam thuộc nhóm thấp trên thế giới. Theo thống kê của Viện dinh dưỡng năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi của trẻ Việt Nam là 19,6%.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và yếu tố di truyền, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tập luyện sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tầm vóc, cũng như thể lực của trẻ em.
Hiện tại, Dura có ba nguồn doanh thu chính bao gồm: Doanh thu từ xưởng sản xuất hơn một trăm loại dụng cụ, cung cấp chủ yếu cho các trường mầm non trên toàn quốc; doanh thu từ đào tạo giáo viên hoặc cung ứng nguồn nhân lực cho nhà trường; doanh thu từ phòng tập thu vé giống như mô hình gym của người lớn.
Theo chia sẻ của đại diện startup, Dura hiện nay Dura đang đóng gói và tối ưu mô hình để hướng tới nhượng quyền. Từ tháng 8/2020 đến tháng 4/2021, doanh thu của Dura khoảng 1,9 tỷ, chủ yếu đến từ việc bán dụng cụ.
Về nhu cầu thị trường cho sản phẩm, startup cho biết hiện có khoảng 15.000 trường mầm non theo thống kê của Bộ giáo dục. Theo quy định, mỗi trường phải có diện tích tối thiểu là 60 m vuông cho hoạt động giáo dục thể chất.
Tuy nhiên khi được hỏi về dung lượng thị trường, tỷ lệ bao nhiêu trường đã có và bao nhiêu trường chưa có cho hoạt động thể chất, đại diện Dura cho biết chỉ có thống kê cá nhân, nhóm mục tiêu chiếm 80%. Shark Phú nhận định startup vẫn chưa nắm được thông tin này.
Về giáo trình và giáo viên đạt chuẩn, ông Hải cho biết năm 2009, Bộ Giáo dục đã có một chương trình học dành cho lứa tuổi mầm non và Dura dựa vào chương trình học của Bộ Giáo dục để xây dựng. Vấn đề về chuyên môn, Dura có hợp tác với một số chuyên gia về mầm non, huấn luyện viên cũng là các thầy cô từ các trường sư phạm và thể dục thể thao.
Về việc cấp phép sản xuất dụng cụ, ông Huy cho biết hiện nay startup mới chỉ tự công cố tiêu chuẩn cơ sở, chưa có quy định. Giám đốc Dura cũng chia sẻ thêm rằng đã đầu tư vào công ty 600 triệu.
Hai đại diện Dura cho biết mình là cổ đông, đang giữ 20% cổ phần, còn một founder (người sáng lập) nắm 80% cổ phần còn lại và hiện tại đang deal lại. Ông Hải cho biết cả hai người có ủy quyền công chứng hợp pháp khi tham gia chương trình.
Cả hội đồng đầu tư không khỏi bất ngờ. Shark Bình hoài nghi: “Đang deal lại cho thấy nội bộ các cổ đông đang có mâu thuẫn, đang phải dàn xếp thì làm sao Shark dám đầu tư được?”
Shark Hưng thắc mắc: “Giả sử các cổ đông đều góp bằng tiền. Vậy cổ đông góp 480 triệu kia chiếm 80%, còn bây giờ tôi bỏ ra 1 tỷ mà tôi được có 10%”.
Shark Phú nhận xét: "Tôi nghĩ mô hình của các em còn quá sớm, quy mô không tiềm năng, mô hình này cũng không hấp dẫn và cũng không nằm trong hệ sinh thái của công ty". Vì lý do đó, Shark Phú quyết định không đầu tư.
Shark Hưng và Shark Linh tiếp tục đặt ra câu hỏi: Trong ba cổ đông ai là người khởi xướng ý tưởng? Tại sao thành viên chiếm cổ phần nhiều nhất lại không đến gọi vốn?
Ông Huy cho biết, người khởi xướng startup là cổ đông còn lại. Lý giải về việc người sáng lập không đến gọi vốn, Giám đốc Dura giải thích: “Vì chị ấy hiện tại đang tập trung vào làm chuyên môn”. Ông Huy cũng cho biết, về cơ bản, người góp vốn chính là ông nhưng Dura nhận thấy cần tập trung hơn vào yếu tố chuyên môn nên đã có thỏa thuận trước về 80% cổ phần kia, sau nay có thể giảm xuống.
Shark Linh đánh giá thị trường quá nhỏ, với mô hình này startup có thể không cần gọi vốn, cứ làm dần dần thì sẽ từ từ phát triển. Do đó, bà không đầu tư. Shark Liên cũng từ chối đầu tư và khuyên startup nên thận trọng khi áp dụng bất cứ điều gì vào trẻ em.
Shark Hưng từ chối đầu tư. Vị cá mâp giải thích: “Như tôi phân tích, sản phẩm không có gì độc đáo, mô hình kinh doanh cũng không có khả năng mở rộng nhiều. Hai bạn cũng không nắm giữ cổ phần lớn nên nếu tôi deal ngược lại thì chắc bạn không quyết định được.
Bạn được ủy quyền, được giao biên độ 1 tỷ cho 10%, có thể được cộng trừ nhiều lắm thì 30%. Các bạn bỏ 600 triệu, tôi bỏ 1 tỷ nữa thì tổng vốn chúng ta có 1,6 tỷ. Tôi chiếm 70% thì chắc các bạn không thể quyết định được vì ngoài khả năng. Nếu tôi muốn chúng ta bàn nhau để thay đổi mô hình, chắc chắn sẽ rất khó”.
Shark Bình đưa ra lời khuyên: “Các startup nếu dự định lên Shark Tank, CEO hoặc chủ tịch - người có quyền quyết định, định đoạt startup phải là người lên gọi vốn... Người ta không thể giao tiền cho một người họ không nhìn thấy, không nói chuyện, không hiểu biết con người đó là người như thế nào”. Shark Bình cho rằng người nằm quyền chính yếu nhất mà không ra mặt thì điều đó thể hiện startup không tôn trọng nhà đầu tư.
Khi ông Trần Quang Huy cho rằng mình có quyền định đoạt công ty, Shark Bình không đồng tình và phân tích: “Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ trong các luật doanh nghiệp. Người định đoạt là những người nắm cổ phần trên 51%, trên 65%. Bạn mới nắm 10% mà bạn bảo bạn có quyền định đoạt thì chứng tỏ trong nội bộ doanh nghiệp của bạn đang rất có vấn đề”.
Giám đốc Dura phản biện: “Thực quyền trong doanh nghiệp, cái đó nó không nằm ở pháp lý, mà nó nằm ở những vấn đề chính trị doanh nghiệp ở đằng sau”. Ông Huy lấy ví dụ về việc ủy quyền bán nhà thay người khác.
Đồng tình với quan điểm "không thể so sánh nhà với doanh nghiệp" của Shark Bình, Shark Hưng phân tích: “Phạm vi và thẩm quyền quyết định của bạn rất bé khi bạn nhận ủy quyền. Ví dụ tôi giao bạn nhà trị giá 10 tỷ và bảo bạn bán đúng giá đó, ký giấy ủy quyền thì bạn không thể bán 500 triệu được, có thể du di vài trăm triệu chứ bạn không thể cắt 9,5 tỷ của tôi được”.
Shark Bình tiếp tục chia sẻ: “Thông thường những cổ đông nhỏ sẽ ủy quyền cho cổ đông lớn để đi deal. Bao giờ người nắm quyền định đoạt cũng phải là người nên ra đối mặt với nhà đầu tư bởi vì con người là yếu tố quan trọng nhất”.
Song, Shark Bình vẫn ra deal. Nhận định trẻ em đô thị đang thiếu chỗ vui chơi, Shark Bình đề nghị đầu tư theo mô hình Venture Builder với mức định giá 7 tỷ cho 70% cổ phần kèm 2 điều kiện: startup phải thay đổi mô hình kinh doanh và có sự đồng thuận giữa các cổ đông trong công ty, đồng nghĩa với việc sẽ lập công ty mới và các cổ đông hiện tại sẽ nắm 30%.
Shark Bình cho biết 3 cổ đông ban đầu của startup vẫn có lương và giữ tổng 30% cổ phần công ty, con số cụ thể startup tự đàm phán cùng nhau. Sau khi thảo luận riêng, startup đề nghị 7 tỷ cho 51% cổ phần nhưng Shark Bình từ chối. Dura trắng tay ra về.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/