|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup công nghệ từng là 'gà nhà' của Shark Bình khẳng định mô hình kinh doanh khó thất bại khiến cả 4 Shark tranh nhau đầu tư

07:21 | 12/07/2021
Chia sẻ
Tự tin với sản phẩm và mô hình kinh doanh, giải pháp vận hành bán hàng trực tuyến Nobita nhận được gật đầu của tới 4 Shark.

Mở màn "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ" tập 11 là một startup công nghệ đến từ người đồng sáng lập Nguyễn Kim Cương và Chu Đức. Điều thú vị là Chu Đức từng làm việc tại Peace Soft (một công ty công nghệ của Shark Bình, tiền thân của NextTech).

Startup công nghệ khẳng định 'khó thất bại' khiến Shark Bình và Shark Phú tranh nhau đầu tư - Ảnh 1.

Hai nhà sáng lập của Nobita tỏ ra rất tự tin với những gì mình đang sở hữu. (Ảnh: Shark Tank)

Mang tên gọi Nobita, giải pháp công nghệ này mang tính chất hỗ trợ vận hành bán hàng online. Nobita giúp các nhà kinh doanh trực tuyến tối ưu hoá chi phí marketing, tích hợp đa nền tảng. Từ việc marketing, hệ thống sẽ tiếp nhận được các lead (khách hàng tiềm năng). Đến đây, Nobita giúp các doanh nghiệp quản lý lead và biến lead thành đơn hàng thực tế thông qua khả năng tối ưu lead và quản lý call center theo nguyên tắc không bỏ lỡ bất kỳ một lead nào.

Khi đã có đơn hàng, Nobita giúp doanh nghiệp tối ưu được quá trình xử lý đơn hàng. Ông Nguyễn Kim Cương nói thêm rằng điểm độc đáo nhất của Nobita là một hệ thống CRM nằm ở phía sau. Hệ thống CRM này sẽ lưu trữ tất cả thông tin lịch sử của khách hàng và sinh ra kịch bản chăm sóc khách hàng và re-marketing. Bằng cách này, Nobita có thể gửi tin nhắn cá nhân hoá tới khách hàng và nói không với spam.

Nobita ra mắt vào tháng 6/2020 và hiện đã có 9 nghìn người dùng (trong đó có 30% là người dùng trả phí) với doanh thu 9 tỷ. Đến Shark Tank, Nobita kêu gọi 500.000 USD cho 7% cổ phần với mục tiêu chính là có thể đẩy nhanh được tốc độ mở rộng ra các thị trường bên ngoài.

Hiện tại, Nobita đang có hai nguồn doanh thu: thu tiền hàng tháng từ các cửa hàng kinh doanh trực tuyến và thu phí hoa hồng trên từng đơn hàng với các đơn vị bên thứ ba (ví dụ như nhà vận chuyển). Doanh thu chính của Nobita vẫn đến từ mảng SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) với mức phí tối thiểu từ 300.000 đồng/tháng đến không giới hạn. Trong năm 2021, Nobita dự kiến có doanh thu 30 tỷ và lợi nhuận khoảng 20% do hiện tại chi phí vận hành vẫn duy trì ở mức từ 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng mỗi tháng.

Nobita đang tìm kiếm khách hàng của mình chủ yếu từ các cộng đồng liên quan đến thương mại điện tử mà anh Chu Đức là quản trị viên. Bên cạnh đó, anh Chu Đức cũng khai thác khách hàng thông qua các khoá đào tạo mà mình thực hiện.

Shark Bình cho biết một trong những thách thức đầu tiên mà Nobita sẽ phải đối mặt ở kỳ khách hàng tái ký là tỷ lệ tái ký của mô hình SaaS là khá thấp, chỉ khoảng 20% - 30%. Tuy nhiên, theo anh Chu Đức, tỷ lệ tái ký dịch vụ của khách hàng Nobita sẽ không thấp hơn 80% bởi vẫn có các đơn hàng chảy tới các nhà bán hàng. 

Tổng giá trị đơn hàng (GMV) đi qua hệ thống Nobita hiện đạt khoảng từ 350 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng mỗi tháng. Với tốc độ hiện tại, anh Kim Cương nói rằng Nobita sẽ sớm cán bốc 1.000 tỷ GMV vào cuối quý III năm nay.

Khi Shark Phú đặt ra câu hỏi nếu thất bại thì làm sao để thu hồi vốn, anh Chu Đức từ chối đưa ra câu trả lời và khẳng định rất tự tin vào sản phẩm và mô hình kinh doanh. Shark Phú kỳ vọng đội ngũ sáng lập của Nobita có thể về làm việc cho ông do ông cũng đang xây dựng một đỗi ngũ nhân sự IT. Shark Phú đề nghị 500.000 USD đổi lấy 25% cổ phần.

Shark Linh đặt ra câu hỏi về sự khác biệt của Nobita so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Anh Chu Đức nói rằng đây là giải pháp dành cho những người "khù khờ" nhất về kinh doanh vẫn có thể vận hành được. Các sản phẩm tương tự trên thị trường để làm được điều tương tự như Nobita thường phải cần đến từ 5 – 6 giải pháp khác nhau.

Anh Đức khẳng định Nobita chỉ mang đến những gì thị trường cần và khách hàng có thể cảm thấy hiện quả ngay lập tức. Nobita đang vận hành những hệ thống bán hàng phát sinh tới một vạn đơn mỗi ngày. Một số nhà bán hàng cũng giảm lượng hàng hoàn lại từ 18% xuống chỉ còn 3%, giúp giảm chi phí vận hành đáng kể. Shark Linh đề nghị 500.000 USD cho 45% cổ phần.

"Tôi là nhà kinh doanh phát triển giải pháp còn các đơn vị khác là phát triển giải pháp cho các nhà kinh doanh", anh Đức tự tin khẳng định. 

Do cũng quan tâm đến lĩnh vực này, Shark Hưng đề nghị đầu tư 500.000 USD cho 35% cổ phần kèm theo các điều kiện exit và put option (quyền bán). Trong khi đó, Shark Liên không đầu tư nhưng hứa sẽ là khách hàng của Nobita.

Về phần mình, Shark Bình vẫn cho rằng mô hình SaaS như của Nobita khó kiếm tiền và mở rộng ra bên ngoài vì các hành vi người bán và người mua thương mại điện tử ở Đông Nam Á là rất khác nhau. Bên cạnh đó, Shark Bình cho rằng Nobita nên cung cấp đa dịch vụ và vì thế việc hoà vào hệ sinh thái của Shark Bình có thể giúp startup này "hổ mọc thêm cánh". Shark Bình đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 20% cổ phần.

Sau khi tất cả các Shark đều đã đưa ra đề nghị, Shark Phú tiếp tục thể hiện quyết tâm "mua người" từ nhóm người sáng lập Nobita bằng việc đưa ra đề nghị mới là 500.000 USD cho 19% cổ phần. Sau khi nghe thương lượng, Shark Phú đổi đề nghị của mình thành 200.000 USD cho 7% cổ phần và 300.000 USD dưới dạng khoản vay chuyển đổi với chiết khấu 30% so với định giá ở vòng sau. Shark Bình cũng tiếp tục đưa ra đề nghị mới là 400.000 USD cho 15% cổ phần và 100.000 USD là khoản vay chuyển đổi từ 3% đến 5% cổ phần kèm chiết khấu ở vòng sau, tuỳ theo tình hình hoạt động công ty.

Shark Phú và Shark Bình dường như là 2 Shark duy nhất nằm trong sự quan tâm của Nobita vì offer của Shark Hưng và Shark Linh đưa định giá của công ty về khá thấp. Nobita đề nghị lại với Shark Phú 250.000 USD cho 7% cổ phần và 250.000 USD là khoản vay chuyển đổi với chiết khấu 25% so với định giá vòng sau. Shark Phú chỉ đồng ý điều kiện 200.000 USD đổi lấy 7% và mức chiết khấu 25% ở vòng sau.

Do muốn có sự tham gia của cả Shark Bình và Shark Phú, cuối cùng Nobita đồng ý đề nghị Shark Bình đầu tư 400.000 USD cho 15% cổ phần và Shark Phú đầu tư 100.000 USD là khoản vay chuyển đổi với chiết khẩu 25% so với định giá vòng sau.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Khánh