|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vinacam: Khủng hoảng phân bón vẫn hiện hữu dù Nga - Ukraine có ký hiệp định hòa bình

07:15 | 15/04/2022
Chia sẻ
Tập đoàn Vinacam cho rằng khủng hoảng lương thực, năng lượng, phân bón... sẽ vẫn hiện hữu dù Nga - Ukraine có ký hiệp định hòa bình, các lệnh cấm vận dần được dỡ bỏ.

Trong bản tin thị trường phân bón quý II, Tập đoàn Vinacam cho rằng trong thời gian ngắn, việc kết nối sản xuất, giao thương toàn cầu cũng khó có thể khôi phục như trước đây dù căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt, một hiệp định hoà bình được ký kết và quốc tế dỡ bỏ dần lệnh cấm vận.

“Chắc chắn khủng hoảng lương thực, năng lượng, phân bón... sẽ vẫn hiện hữu và các quốc gia sẽ khó có biện pháp khắc phục thậm chí cho đến hết năm 2022”, Vinacam nhận định.

Sở dĩ Vinacam đưa ra nhận định này bởi thời gian gần đây, chiến sự Nga – Ukraine đã đẩy giá phân bón và các mặt hàng khác như dầu thô, khí đốt, lương thực... tăng phi mã.

Nga và Ukraine là nhà cung cấp lương thực, phân bón lớn cho thế giới. (Ảnh minh họa: Vinacam)

Ngoài ra, trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cũng cho rằng căng thẳng Nga – Ukraine ngày càng khốc liệt, đang đẩy thế giới đến bờ vực của khủng hoảng thực phẩm bởi hai quốc gia này sản xuất đến 6% tổng số ngũ cốc được trồng trên toàn cầu.

Ngoài ra, Nga và Ukraine cũng xuất khẩu đến 16% các loại ngũ cốc như lúa mì, ngô, yến mạch và lúa mạch. Ukraine cũng sản xuất 50% nguồn cung dầu hướng dương toàn của thế giới.

Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vốn rất nhạy cảm về vấn đề lương thực, tiếp tục gia tăng việc thu mua lương thực vào các kho dự trữ chiến lược.

Các quốc gia khác tiếp tục đưa ra chính sách cấm hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế xuất khẩu lương thực, phân bón, dầu ăn như Ai Cập, Indonesia, Trung Quốc…

Trong khi đó, việc gia tăng sản lượng lương thực không thể thực hiện được trong vài tháng.

"Thực tế, những kệ hàng tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đã bắt đầu trống trơn; nạn đói đang lan rộng ở Châu Phi. Thế giới đã, đang và sẽ đối mặt với sự khủng hoảng thực phẩm ngày càng nghiêm trọng hơn với mức giá nhảy múa hàng ngày", Vinacam cho biết.

Bên cạnh đó, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng nghiêm trọng khi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero COVID.

Đỉnh điểm khi Trung Quốc phong tỏa TP Thượng Hải và chưa rõ ngày kết thúc sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới tại đây.

Trong khi cảng Thượng Hải, vốn đảm nhiệm 20% giao thương đường biển của quốc tế sẽ tiếp tục bị ùn tắc khi số lượng công nhân và lái xe rất hạn chế.

Với tình hình trên, để ổn định giá phân bón trong nước, Trung Quốc đã đưa ra thị trường nội địa 3 triệu tấn phân bón. Các nhà máy sản xuất phân bón nội địa cũng chỉ chạy cầm chừng 50% sản lượng.

Thêm vào đó là nguy cơ thiếu lương thực ngay cả với Thượng Hải sẽ khiến Trung Quốc khó có thể dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón trước thời hạn 30/6. Thậm chí, một số nguồn tin còn cho rằng, Trung Quốc có thể gia hạn tới hết năm 2022. 

Hoàng Anh