|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón có thể đạt đỉnh trong tháng 3?

10:50 | 24/03/2022
Chia sẻ
Mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng việc nối lại giao thương giữa Nga và các nước Châu Âu sẽ mất nhiều thời gian sau khi xung đột giữa Nga-Ukraine hạ nhiệt. Do đó, giá ure có thể đạt đỉnh trong tháng 3.

Nga khuyến nghị các doanh nghiệp ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp này trong bối cảnh các công ty vận tải biển ngừng tiếp nhận hàng hóa từ Nga.  Hiện nước này chiếm khoảng 16% tổng xuất khẩu ure trên toàn thế giới.

Nga đe dọa cắt khí thông qua đường ống Nord Stream 1 làm tăng nỗi lo thiếu khí và đẩy giá ure tăng mạnh. Giá bán ure có khả năng tăng mạnh hơn đà tăng của giá khí đầu vào trong bối cảnh Trung Quốc chưa khôi phục sản xuất ure do thiếu than và giá than cao.

Trung Quốc đang gặp khó khăn về nguồn cung than. Sau khi ngừng nhập than từ Australia, Nga trở thành nước cung cấp than lớn thứ 2 cho Trung Quốc sau Indonesia. 

Việc Nga không còn nằm trong hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT làm gián đoạn nhập khẩu, do đó làm giảm nguồn cung than tại Trung Quốc và đẩy giá ure tăng cao trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, SSI Research cũng lưu ý rằng giá ure có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục. 

Giá phân bón có thể đạt đỉnh trong tháng 3? - Ảnh 1.

Sản lượng, giá bán và doanh thu ước tính CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau năm 2022. (SSI Research tổng hợp từ CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau)

Giá phân bón có thể đạt đỉnh trong tháng 3? - Ảnh 2.

Sản lượng, giá bán và doanh thu ước tính Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP năm 2022. (SSI Research tổng hợp từ Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP)

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể can thiệp vào công tác điều hành giá phân bón trong bối cảnh giá gạo thấp và tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.

Xuất khẩu phân bón cao kỷ lục

Tình hình tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp đang tăng mạnh, trong đó, xuất khẩu mặt hàng này ở mức cao kỷ lục. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu kỷ lục 352.672 tấn phân bón, trị giá 241,7 triệu USD, tăng mạnh 72,1% về lượng và tăng gần 4 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu trung bình phân bón đạt 685 USD/tấn, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng cao trong thời gian qua chủ yếu là do các nước sản xuất phân bón lớn như Trung Quốc, Nga thực hiện các biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu, điều này khiến cho các nhà nhập khẩu phải tìm đến nguồn cung thay thế từ Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Philippines… đều đẩy mạnh nhập khẩu phân bón từ Việt Nam. Trong khi đó, Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 53.133 tấn, chiếm 15% tỷ trọng.

Xuất khẩu phân bón cao kỷ lục, có nên tạm ngưng để đảm bảo nguồn cung trong nước? - Ảnh 1.

Khối lượng và trị giá xuất khẩu phân bón trong 2 tháng đầu năm từ 2011 đến 2022. (Số liệu từ Tổng cục Hải quan)

Trước đó, xuất khẩu phân bón của nước ta năm 2021 cũng đạt mức cao nhất 9 năm với 1,4 triệu tấn, trị giá 559,3 triệu USD, tăng 16,4% về lượng và 64,2% về trị giá so với năm 2020.

H.Mĩ