Giá phân bón thế giới có thể thiết lập kỷ lục mới do khủng hoảng nguồn cung?
Giá phân bón tăng phi mã do xung đột giữa Nga và Ukraine
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, giá hàng hóa toàn cầu đã liên tục dậy sóng và phân bón là một trong những mặt hàng có mức tăng mạnh nhất.
Chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 25/2 đến ngày 11/3), giá phân bón Urê giao dịch trên thị trường quốc tế đã tăng vọt 43 – 46%, tương ứng với mức tăng 240 – 300 USD/tấn so với thời điểm trước khi cuộc xung đột diễn ra.
Theo đó, giá Urê hạt đục tại Ai Cập đã thiết lập mức đỉnh mới là 950 USD/tấn (FOB) đối với hợp đồng giao ngay.
Tương tự, giá Urê hạt đục tại Mỹ và Trung Đông cũng tăng mạnh lên mức 807,5 USD/tấn (FOB) và 872,5 USD/tấn (FOB). Các hợp đồng giao kỳ hạn tháng 4 thậm chí đã vượt ngưỡng 1.000 USD/tấn (FOB).
Giá DAP tại Vịnh Mỹ cũng thiết lập mức đỉnh mới là 950 USD/tấn (FOB), tăng 221 USD/tấn so với trước đó.
Thị trường phân bón thế giới đang nóng lên từng ngày theo diễn biến của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá phân bón tại một số khu vực hiện đã bằng hoặc cao hơn cả mức đỉnh đạt được vào năm 2021.
Diễn biến giá phân bón thế giới trên sàn CME từ đầu năm 2022 đến ngày 11/3; ĐVT: USD/tấn. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Mặc dù các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt đối với Nga không ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực phân bón nhưng nó vẫn khiến cho người mua lo ngại về sự gián đoạn xuất khẩu từ Nga.
Vì vậy, các nhà nhập khẩu đã đẩy mạnh mua vào và sẵn sàng mua với mức giá cao hơn từ các nhà sản xuất khác.
Hiện nhiều thương nhân và nhà nhập khẩu trên thế giới đã ngừng đặt các lô hàng mới từ Nga do lo ngại về các hạn chế về tài chính, ngân hàng và bảo hiểm ảnh hưởng đến việc vận chuyển từ các cảng Baltic/Biển Đen.
Nga là một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Năm 2021, Nga đã xuất khẩu 7 triệu tấn Urê, chiếm 14% thương mại toàn cầu và 5,9 triệu tấn NPK. Đồng thời, Nga và Belarus cũng chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.
Đà tăng sẽ còn tiếp diễn
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ khiến nguồn cung từ hai nước này bị gián đoạn mà nó còn tác động mạnh đến sản xuất phân bón toàn cầu.
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất phân bón tại châu Âu, bao gồm Yara International ASA và Borealis AG đang phải cắt giảm sản lượng do giá khí đốt tự nhiên tăng cao, làm gia tăng rủi ro lạm phát lương thực toàn cầu.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm chao đảo thị trường hàng hóa toàn cầu và đẩy giá khí đốt tự nhiên, nguyên liệu chính để sản xuất phân đạm lên mức kỷ lục.
Điều này buộc các nhà sản xuất phải hạn chế sản lượng amoniac, đẩy chi phí đầu vào của các trang trại lên cao và làm tăng thêm nguy cơ về một cú sốc về giá lương thực trên thế giới.
Yara cho biết sẽ tạm thời cắt giảm sản xuất tại Ferrara ở Italia và Le Havre ở Pháp. Hai nhà máy này sản xuất 1 triệu tấn amoniac và 900.000 tấn Urê mỗi năm. Sản lượng amoniac và Urê tại châu Âu của Yara dự kiến sẽ chỉ đạt 45% công suất sau quyết định này.
Khí tự nhiên được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất phân bón nitơ, thường chiếm khoảng 80% chi phí của nhà sản xuất. Tuy nhiên, giá khí đốt kỳ hạn tại châu Âu hiện đã cao gấp 10 lần so với một năm trước. Giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục vào tháng trước, ngay sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
Trong khi đó, Borealis, một nhà sản xuất phân bón khác của châu Âu cũng đang cắt giảm công suất sản xuất amoniac do giá khí đốt tăng cao. Công ty này cũng đang xem xét dừng hoạt động vì "lý do kinh tế".
Một nhà sản xuất phân bón khác là Nitrogenmuvek Zrt của Hungary cũng đã tạm ngừng sản xuất amoniac, trong khi các nhà sản xuất phân bón khác cũng đang xem xét làm điều tương tự.
Ông Lukas Pasterski, đại diện của Hiệp hội Phân bón châu Âu, cho biết các công ty không thể tiếp tục mạo hiểm sản xuất phân bón với giá khí như hiện tại và đưa sản phẩm vào kho để bán sau này.
Bên cạnh các yếu tố kể trên, nguồn cung phân bón toàn cầu còn đối mặt với sự sụt giảm khác là chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga và Trung Quốc.
Năm 2021, Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá đột biến.
Cụ thể, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15/10/2021, bao gồm Urê, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate.
Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có động thái nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón.
Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong 6 tháng để kìm hãm cơn sốt giá trong bối cảnh khủng hoảng khí đốt.
Hạn ngạch xuất khẩu Urê dự kiến là 5,9 triệu tấn; hạn ngạch đối với phân bón chứa nitơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.
Như vậy, có thể thấy thị trường toàn cầu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nguồn cung. Theo các chuyên gia quốc tế, giá phân bón thế giới có thể chạm mốc cao chưa từng có trong thời gian tới nếu tình hình căng thẳng giữa các bên vẫn tiếp tục kéo dài.