|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường phân bón quý II sẽ căng như dây đàn sau xung đột Nga - Ukraine?

12:39 | 07/03/2022
Chia sẻ
Giá kali, DAP, ure sẽ liên tục biến động cho đến khi căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt và phương Tây xóa bỏ các lệnh trừng phạt.

Giá phân bón nhập khẩu đựng đứng

Theo CTCP Tập đoàn Vinacam, hiện Nga đang cung cấp 30% phân bón cho thế giới và 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại Châu Âu.

Sau xung đột giữa Nga – Ukraine, một loạt sự kiện như Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, cảng Yuzhny - cảng chính xuất khẩu phân bón của Nga bị đóng cửa, giá dầu vượt ngưỡng 110 USD/thùng… đã khiến thị trường phân bón thế giới rơi vào hỗn loạn.

Cơn bão giá phân bón có thể sẽ kéo dài khi các lệnh hạn chế/cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ, nguồn cung các loại phân bón như kali và DAP sẽ giảm mạnh.

Thiếu hụt phân bón càng thêm căng thẳng khi các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu vụ mới từ tháng 3.

Hiện, các bản chào ure ở mức giá 540 - 560 USD/tấn FOB đều đã bị hủy. Nhà cung cấp Ai Cập tăng 140 USD/tấn lên mức 730 USD/tấn FOB; giá chào tới Nola, Mỹ tăng 200 USD/tấn lên mức 770 USD/tấn CFR.

Điều này có nghĩa trong ngắn hạn, giá ure có thể leo lên 800 – 1.000 USD/tấn trong tháng 4 nếu giá dầu chạm mốc 150 USD/thùng.

Ngoài ure, DAP cũng là mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ do nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Nếu căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, giá DAP sẽ trở lại mức 950 USD/tấn FOB trong tháng 4 và khả năng sớm cán mức 1.200 - 1.500 USD/tấn khi thị trường Brazil có nhu cầu trở lại.

Thị trường phân bón quý II sẽ căng như dây đàn sau xung đột Nga - Ukraine? - Ảnh 1.

Việt Nam phụ thuộc 100% nguồn kali nhập khẩu. (Ảnh minh họa: Funo)

Ngoài ra, giá kali cũng có thể tăng phi mã khi Belarus và Nga, hai nhà cung cấp chiếm đến 40% nguồn cung toàn cầu bị cấm vận.

Do vậy, giá kali nhập khẩu về Việt Nam sẽ dao động 800-850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miểng từ nửa sau tháng 6, thậm chí sẽ lên tới 1.200 - 1.300 USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2022.

Giá ure, DAP, kali trong nước trở lại đỉnh năm 2021

Ở thời điểm này, phía Nam Việt Nam đang bước vào giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4, còn phía Bắc vào vụ chăm bón lúa Đông Xuân nên nhu cầu phân bón tăng dần.

Bên cạnh đó, giá nông sản đang có xu hướng tăng mạnh, Việt Nam sẽ tăng sản lượng gieo trồng cho vụ mới, qua đó nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng tăng.  

Với gián đoạn nguồn cung ở các thị trường nhập khẩu, Vinacam dự báo rằng sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng DAP 64% nhập khẩu trong quý II và khả năng giá trong nước lên 25 triệu đồng/tấn.

Còn với mặt hàng ure, các nhà máy sản xuất trong nước như Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn từ cuối tháng 12/2021 và quý I nên áp lực tồn kho không lớn. Sau những biến động Nga - Ukraine, Đạm Cà Mau đã hạn chế bán hàng cho đại lý và tập trung cho xuất khẩu.

Do đó, Vinacam cho rằng Đạm Cà Mau sẽ sớm tăng giá trở lại mức 16.000 đồng/kg sau khi giảm giá xuống 15.500 đồng/kg cách đây 1 tuần. Giá ure có thể trở lại mức 18 triệu/tấn như đỉnh điểm của năm 2021. Tuy nhiên, chỉ cần một động thái hạn chế xuất khẩu để hỗ trợ nông dân trong nước, giá ure sẽ giảm nhanh chóng.

Ở chiều ngược lại, 100% kali của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, Viancam cho rằng giá kali sẽ sớm cán mức 15 - 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.

Thậm chí nếu giá nhập khẩu cán mức 1.000 - 1.2000 USD/tấn thì kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 - 25 triệu đồng/tấn.

Giá kali, DAP, ure sẽ liên tục biến động cho đến khi căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt và phương Tây xóa bỏ các lệnh trừng phạt. Còn trong nước, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét bỏ thuế nhập khẩu và thuế phòng vệ, hạn chế xuất khẩu, tình hình ure và DAP sẽ giảm.

Phạm Mơ