Áp lực chồng chất cho thị trường lương thực thế giới nếu Nga siết chặt nguồn cung phân bón
Thông tin này khiến giới chuyên gia lo ngại điều này nếu trở thành hiện thực sẽ tạo ra một động lực tăng giá có khả năng gây thiệt hại lớn cho người nông dân trên toàn thế giới.
Những áp lực chồng chất cho thị trường lương thực thế giới
Từ Nga, phần lớn các loại phân bón như kali và nitơ được vận chuyển qua tàu hỏa và tàu thủy. Tuy nhiên, những hoạt động này đã bị ảnh hưởng kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, khiến các nhà vận chuyển nước ngoài tránh xa khu vực này.
Một số công ty vận tải biển lớn, bao gồm cả các nhà khai thác tàu container lớn nhất thế giới như A.P. Moller-Maersk A/S và Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải đã phải tạm ngừng dịch vụ đến các cảng của Nga.
Hãng TASS đưa tin việc một số công ty hậu cần nước ngoài hủy hợp đồng giao hàng đã khiến người nông dân ở châu Âu và các quốc gia khác không thể nhận được số lượng phân bón đã cam kết.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trên thị trường kali thế giới, Nga cung cấp đến 18% nhu cầu, theo số liệu của năm 2017. Trong số các loại phân bón khác, “xứ Bạch dương” cũng chiếm đến 20% lượng amoniac và 15% lượng urê xuất khẩu, theo ngân hàng Scotiabank.
Khuyến nghị về việc tạm ngừng xuất khẩu được đưa ra trong bối cảnh giá phân bón đã tăng vọt trong năm qua. Ví dụ, giá amoniac khan, một loại phân bón quan trọng được sử dụng để trồng ngô, đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng trước là 1.492 USD/tấn.
Trong bối cảnh đó, việc giá tiếp tục tăng cao sẽ tạo ra thêm áp lực lạm phát đối với nông dân, những người vốn đã phải trả giá cao hơn đáng kể cho nhiên liệu, hóa chất diệt cỏ, hạt giống cây trồng và lao động thời vụ.
Điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung và giá cho thị trường lương thực thế giới. Lấy Brazil, quốc gia nhập khẩu khoảng 85% lượng phân bón, khoảng 1/5 trong số đó là từ Nga, làm ví dụ. Nước này hiện đang phải tìm kiếm các nhà cung cấp phân bón mới sau khi căng thẳng ở Ukraine đe dọa các chuyến hàng đến đây.
Quốc gia Mỹ Latinh vốn là nhà sản xuất cà phê, đậu nành và đường lớn nhất, đồng thời là nước phụ thuộc nhiều nhất trong các siêu cường nông nghiệp thế giới vào phân bón nhập khẩu.
Nếu Nga quyết định siết chặt nguồn cung, người nông dân ở Brazil sẽ phải trả nhiều tiền hơn đáng kể cho phân bón hoặc họ sẽ không thể sản xuất nhiều loại cây trồng, khiến giá thành các sản phẩm nông nghiệp của nước này có khả năng tăng cao và làm tăng giá lương thực thế giới.
Bên cạnh đó, Brazil cũng là một nhà cung cấp ngô và thịt bò quan trọng. Giá ngũ cốc cao hơn làm tăng chi phí thức ăn chăn nuôi, vốn cuối cùng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng, những người phải trả nhiều tiền hơn cho thịt và các sản phẩm từ động vật khác.
Làm sao để “hóa giải” những rủi ro đã được nhìn thấy trước?
Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nông dân trên khắp thế giới đã phải vật lộn để tìm kiếm đủ nguồn cung phân bón, khiến một số loại đã tăng giá hơn gấp đôi vào năm ngoái.
Ngoài ra, giá khí đốt tự nhiên cao hơn cũng đã cản trở hoạt động sản xuất amoniac cần thiết cho phân bón nitơ, bên cạnh những yếu tố như tình trạng mất điện tại các nhà máy phân bón Trung Quốc và cơn bão Ida ở Mỹ làm giảm sản lượng toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích trong ngành cho biết căng thẳng ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, làm tăng triển vọng về một cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu kéo dài, với hậu quả là lạm phát và nạn đói trên thế giới.
Mặc dù vậy, Josh Linville, chuyên gia phân tích về phân bón của hãng nghiên cứu StoneX, cho rằng những rủi ro ở một mức độ nào đó đã được phản ánh vào giá. Cụ thể, giá urê giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 795 USD/tấn tại New Orleans vào ngày 4/3, tăng 22% so với mức giao dịch hồi đầu tuần. Trong khi đó, giá giấy ure cũng tăng lên 50 USD/tấn.
Chuyên gia Linville nói: "Điều đó cho thấy gần đây thị trường dường như đã lường trước những biến động này".
Đầu tuần, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đã cảnh báo các nhà cung cấp phân bón không lợi dụng những căng thẳng địa chính trị đang xảy ra để làm tăng giá phân bón lên vượt quá mức được quy định bởi các nguyên tắc cơ bản về cung và cầu.
Tuy nhiên, Viện Phân bón Mỹ đã phản bác lại thông tin này và khẳng định các công ty thành viên của viện không làm như vậy.
Viện này cho hay: “Quy mô và cách thức gây ảnh hưởng của căng thẳng Nga-Ukraine đối với thị trường phân bón toàn cầu vốn đã ‘eo hẹp’ là chưa rõ nhưng có một điều chắc chắn là thị trường, vốn đã trải qua nhiều thách thức trong 18 tháng qua, sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều áp lực”.
Chuyên gia Linville cho biết, sau Nga, Trung Quốc là quốc gia cung cấp đến 10% lượng urê và khoảng 1/3 lượng phốt phát xuất khẩu trên toàn cầu. Tuy nhiên, nước này đã cấm xuất khẩu cả hai mặt hàng trên cho đến cuối tháng Sáu năm nay.
Giám đốc điều hành của CF Industries Tony Will gần đây đã phát biểu tại một hội nghị trong ngành rằng lượng tồn kho phân bón đang ở mức "thấp chưa từng thấy".
Nga và Trung Quốc cung cấp khoảng 1/4 lượng urê và 1/2 lượng phốt phát xuất khẩu của thế giới. Ông Linville nói: “Nếu Trung Quốc tiếp tục đứng ngoài, thị trường sẽ bị tổn thương”, bởi giá phân bón đã ở mức cao ngất trời trước khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành tạm thời của công ty phân bón Nutrien của Canada Ken Seitz cho biết, công ty đã dự đoán về sự gián đoạn kéo dài đối với nguồn cung kali của Nga vài ngày trước khi thông báo từ nước này được đưa ra.
Ông phát biểu trong một hội nghị giới đầu tư của công ty tài chính BMO Capital Markets rằng Nutrien đang cân nhắc rất kỹ về cách thức triển khai các công cụ khai thác cũng như mở rộng mặt bằng để cải thiện nguồn cung.