|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung phân bón của Việt Nam có bị ảnh hưởng khi cả Trung Quốc và Nga đều hạn chế xuất khẩu?

14:24 | 31/03/2022
Chia sẻ
Trung Quốc và Nga hiện đang là 2 thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đã giảm xuất khẩu phân bón từ tháng 10 năm ngoái đến nay trong khi Nga cũng đánh tiếng tạm ngưng xuất khẩu sau khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra.

Nguy cơ thiếu hụt một số loại phân bón?

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới về suy giảm nguồn cung và tăng giá. 

2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc và Nga là hai nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tổng cộng 50% tổng khối lượng phân bón nhập khẩu vào nước ta. Trong đó Trung Quốc chiếm 38% tỷ trọng và Nga chiếm 12% tỷ trọng.

Mặc dù vậy, các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc từ cuối năm ngoái và nguồn cung gián đoạn từ Nga sau khi xung đột với Ukraine nổ ra đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành phân bón Việt Nam. 

Với Trung Quốc, việc Chính phủ nước này tăng cường kiểm soát xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước đã khiến cho lượng phân bón xuất khẩu liên tục sụt giảm kể từ tháng 10 năm ngoái đến nay. 

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu phân bón của nước này trong 2 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,5 triệu tấn.

Trong khi đó tại Nga, ngày 10/3 vừa qua, Bộ trưởng Công nghiệp Denis Manturov cho biết chính quyền Nga đã quyết định ngừng xuất khẩu phân bón.

Bộ Công nghiệp Nga đã khuyến nghị các nhà sản xuất Nga tạm ngưng xuất khẩu phân bón cho tới khi các hãng vận tải nối lại hoạt động của họ và cung cấp đảm bảo rằng xuất khẩu phân bón của Nga sẽ được thực hiện đầy đủ.

Những diễn biến này ảnh hưởng lớn đến nguồn cung một số loại phân bón mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc như Kali và DAP.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm đến giữa tháng 3, Việt Nam đã nhập khẩu 741.315 tấn phân bón các loại, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lượng phân bón DAP nhập khẩu giảm mạnh 59,3%, chỉ đạt 46.779 tấn; NPK giảm 26,5%, đạt 72.847 tấn;  Kali giảm 13,3%, đạt 195.397 tấn. Tuy nhiên, nhập khẩu Urê và SA lại tăng mạnh 114,8% và 26,7%.

Được biết, các nhà máy phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân Urê, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Các nhà máy sản xuất DAP mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Trong khi đó phân Kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.  

 

Khối lượng nhập khẩu các mặt hàng phân bón từ đầu năm đến 15/3/2022, ĐVT: tấn. (Số liệu từ Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trên thị trường thế giới, các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc kết hợp với xung đột Nga và Ukraine đã khiến cho thị trường phân bón toàn cầu đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng về nguồn cung.

Giá phân bón thế giới theo đó đã tăng từ 40 – 45% so với thời điểm xung đột Nga và Ukraine diễn ra. Điều này được cho là sẽ tác động đến giá phân bón của Việt Nam trong thời gian tới.

Trung Quốc giảm xuất khẩu DAP sang Việt Nam

2 tháng đầu năm nay, lượng phân bón của Trung Quốc xuất sang Việt Nam giảm 17,5%, xuống còn 205.881 tấn.

Với Việt Nam, xuất khẩu phân bón của Trung Quốc sang Việt Nam giảm trong 2 tháng đầu năm nay chủ yếu là do sự sụt giảm của mặt hàng phân bón DAP, với mức giảm 76,3% từ 68.474 tấn của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 16.223 tấn trong 2 tháng năm nay.

Ngoài ra, phân khoáng và phân bón hỗn hợp của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam cũng sụt giảm mạnh trước các biện pháp kiểm soát của nước này.

Trong khi đó, amoni sunphat (SA) đang là chủng loại phân bón được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với 141.928 tấn trong 2 tháng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CGAC) thông báo sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động xuất khẩu phân bón của nước này từ ngày 15/10.

CGAC đã liệt kê 29 loại phân bón và nguyên liệu sản xuất sẽ bị kiểm tra và theo dõi chặt chẽ bao gồm: Urê, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, amoni clorua và amoni nitrat. Riêng amoni sunphat không có trong danh sách này.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn cung mới

Trước những biến động nguồn cung và giá phân bón trên thị trường thế giới, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân Kali.

Cục cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát thị trường phân bón, xử lý cá nhân, doanh nghiệp có hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Hoàng Hiệp

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.