|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu phân bón cao kỷ lục, có nên tạm ngưng để đảm bảo nguồn cung trong nước?

06:47 | 21/03/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm và trị giá thu về tăng gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đang có những ý kiến trái chiều về việc có nên tạm ngưng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước khi nguồn cung từ Nga đang bị gián đoạn.

Xuất khẩu phân bón tăng vọt

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu kỷ lục 352.672 tấn phân bón, trị giá 241,7 triệu USD, tăng mạnh 72,1% về lượng và tăng gần 4 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu trung bình phân bón đạt 685 USD/tấn, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng cao trong thời gian qua chủ yếu là do các nước sản xuất phân bón lớn như Trung Quốc, Nga thực hiện các biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu, điều này khiến cho các nhà nhập khẩu phải tìm đến nguồn cung thay thế từ Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm nay, nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Philippines… đều đẩy mạnh nhập khẩu phân bón từ Việt Nam. Trong khi đó, Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 53.133 tấn, chiếm 15% tỷ trọng.

Khối lượng và trị giá xuất khẩu phân bón trong 2 tháng đầu năm từ 2011 đến 2022

Xuất khẩu phân bón cao kỷ lục, có nên tạm ngưng để đảm bảo nguồn cung trong nước? - Ảnh 1.

(Số liệu từ Tổng cục Hải quan. Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trước đó, xuất khẩu phân bón của nước ta năm 2021 cũng đạt mức cao nhất 9 năm với 1,4 triệu tấn, trị giá 559,3 triệu USD, tăng 16,4% về lượng và 64,2% về trị giá so với năm 2020.

Trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi lớn, trong đó Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau là hai cái tên đình đám lọt vào danh sách doanh nghiệp có tỷ lệ vượt kế hoạch cao nhất.

Giới phân tích cho rằng ngành phân bón Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi trong năm 2022 nhờ đà tăng cao của giá phân bón.

Đồng thời phân bón Việt Nam có cơ hội để gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nguồn cung do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng phân bón như Urê, DAP đã tăng phi mã từ 40 – 50% sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra.

Do các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột, trong một động thái mới đây, các quan chức Nga cho biết họ sẽ tạm ngừng xuất khẩu phân bón. Trong khi đó, một số nhà sản xuất phân bón lớn tại châu Âu đã buộc phải cắt giảm sản lượng do giá khí tự nhiên tăng cao.

Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung phân bón toàn cầu và cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu.

Có nên tạm ngưng xuất khẩu để ổn định nguồn cung khi thị trường đang có nhiều biến động?

Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao và nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, đang có những ý kiến trái chiều về việc có nên tạm ngưng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Một số ý kiến cho rằng hiện nay của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu Urê và NPK, đây là hai loại phân bón mà trong nước đã sản xuất được và có dôi dư để xuất khẩu.

Trong khi đó, Nga hiện đang chiếm 12% nguồn cung phân bón cho Việt Nam, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga chủ yếu là Kali và NPK. Trong đó, lo ngại nhất là phân bón Kali vì Việt Nam chưa sản xuất được còn NPK thì sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu.

Do đó, việc tạm ngưng xuất khẩu phân bón về cơ bản không giải quyết được vấn đề về nguồn cung gián đoạn từ Nga mà còn làm mất đi cơ hội tốt để xuất khẩu của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp sản xuất phân bón cần phải duy trì lượng hàng cần thiết cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước, tránh tình trạng được giá xuất khẩu ồ ạt gây ra thiếu hụt về nguồn cung.

Liên quan đến vấn đề này, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có những chia sẻ về buổi gặp gỡ nhà đầu tư của Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) gần đây, phía doanh nghiệp cho rằng khó có thể cấm xuất khẩu phân bón vì Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại và DPM được xuất khẩu Urê nếu nhu cầu trong nước thấp.

Xuất khẩu phân bón cao kỷ lục, có nên tạm ngưng để đảm bảo nguồn cung trong nước? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: dpm

Năm 2022, DPM đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn giảm 16,7% so với năm ngoái nhưng đã xuất khẩu được 80.000 tấn trong 2 tháng đầu năm. Ngoài ra, công ty kỳ vọng tiếp tục gia tăng sản lượng xuất khẩu trong các quý tiếp theo nếu nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng bởi giá phân bón cao.

Do xung đột Nga – Ukraine, giá Urê toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.000-1.100 USD/tấn. Giá Urê bán lẻ trong nước cũng tăng lên 18.000 đồng/kg (khoảng 780 USD/tấn).

DPM kỳ vọng giá Urê trung bình đạt 720 USD/tấn trong quý 1/2022 và sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 2, sau đó giảm trong 6 tháng cuối năm với nguồn cung tăng thêm từ Trung Quốc.

Đồng thời, DPM cũng cho biết đã chốt được nguyên liệu sản xuất cho nhà máy NPK trong 6 tháng đầu năm 2022 và hiện đang có lợi thế về chi phí đầu vào thấp.

Nguồn cung cho sản xuất nông nghiệp vẫn được đảm bảo

Trong thông báo mới đây, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cho biết vẫn đang duy trì hoạt động ổn định và đảm bảo đủ nguồn cung phân bón Phú Mỹ cho bà con nông dân cả nước.

Ngay từ năm 2021, DPM đã cơ bản chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu các loại phân bón nhập khẩu như Kali, DAP cho năm 2022; đồng thời dự phòng sẵn sàng các phương án thay thế trong trường hợp nguồn cung hoặc chuỗi logistic bị gián đoạn.

Trong 2 tháng đầu năm, các nhà máy luôn vận hành vượt công suất, chất lượng sản phẩm tiếp tục được nâng cao, sản lượng sản xuất phân bón đạt gần 180 nghìn tấn, vượt so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Dự kiến trong quý I/2022 tổng sản lượng sản xuất Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ sẽ đạt hơn 260 nghìn tấn.

Công tác điều độ, tiêu thụ hàng hóa cũng được thực hiện tốt với sản lượng kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt gần 190 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại.

Đồng thời, với năng lực kho vận tốt, DPM đảm bảo lượng hàng sẵn sàng tại từng khu vực, phục vụ cho nhu cầu phân bón tăng cao từ tháng 3 trở đi, khi hầu hết các khu vực trong cả nước bước vào vụ chăm bón.

Còn theo thông tin từ Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau, ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (chủ yếu sản xuất phân đạm) của tỉnh trong tháng 2 giảm 8,5% so tháng trước nhưng tăng 15,9% so cùng kỳ.

Nguyên nhân chỉ số tháng 2 giảm so với tháng trước là do nhu cầu tiêu thụ thấp vì vụ Đông Xuân đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, tăng so với cùng kỳ là do Phân Bón Cà Mau đã chủ động lên kế hoạch xuất khẩu để điều tiết hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Việc xuất khẩu phân bón trong giai đoạn thấp điểm giúp giải phóng lượng cung trong nước, nâng cao hình ảnh thương hiệu Phân Bón Cà Mau trong mắt bạn hàng nước ngoài; đồng thời, duy trì sản lượng xuất khẩu ổn định, củng cố mục tiêu chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.

Lũy kế 2 tháng chỉ số sản xuất ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất của tỉnh tăng 20% so cùng kỳ.

Hoàng Hiệp