Vietnam Holding đánh giá cao triển vọng TTCK Việt Nam năm 2021, đã có lãi nhờ cổ phiếu ngân hàng và HPG, PNJ
Trong báo cáo được Vietnam Holding Limited công bố mới đây, quỹ đánh giá Việt Nam tiếp tục là điểm sáng khi kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể, tiêu dùng và sản xuất ở Việt Nam ghi nhận tăng trưởng liên tục kể từ tháng 5. Bên cạnh đó, xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 11 tăng lần lượt 8,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão và lũ lụt.
Động lực chính của tăng trưởng xuất khẩu đến từ xuất khẩu điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhu cầu ở hầu hết các mặt hàng đều tăng, chẳng hạn như xuất khẩu hàng dệt may và thủy sản sang EU. Doanh số bán lẻ cũng có sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 11, ghi nhận tỷ lệ tăng 8,5%.
Đầu tư có lời nhờ CTG, HPG và PNJ
Lũy kế 11 tháng 2020, Vietnam Holding có hiệu suất đầu tư là 6,7%, kém hơn so với con số 9,8% của chỉ số tham chiếu Vietnam All Share. Tuy nhiên, kết quả đầu tư có lãi là một thông tin tích cực về hoạt động của quỹ ngoại này.
Quỹ đầu tư có lời nhờ việc tăng tỷ trọng vào các cổ phiếu ngành ngân hàng, đồng thời phân bổ vốn tới cổ phiếu ngành công nghiệp và viễn thông.
Theo đánh giá của Vietnam Holding, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) hiện là ngân hàng lớn thứ ba cả nước về tài sản với 11,4% thị phần cho vay và 10,2% thị phần tiền gửi. Cổ phiếu CTG giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với tỷ lệ P/E năm 2021 là 11,4 và tỷ lệ P/B đạt 1,3.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), một trong những công ty có tỷ lệ sinh lời cao nhất tại Việt Nam với ROE trung bình đạt 24% trong 5 năm qua, cũng đóng góp vào hiệu suất đầu tư của quỹ.
Hiện VPBank chiếm 55% thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, tập trung hướng đến dân số ít sử dụng các dịch vụ ngân hàng, ước tính chiếm khoảng 65% số người trưởng thành trên cả nước. Đây cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng Basel II, tiêu chuẩn an toàn vốn quốc tế của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Vietnam Holding cho rằng HPG, công ty hàng đầu trong ngành thép xây dựng và ống thép của Việt Nam, đã đóng góp đáng kể vào tỷ suất lợi nhuận của quỹ trong năm nay.
Tập đoàn Hoà phát báo cáo kết quả kinh doanh quý III kỷ lục với lợi nhuận sau thuế tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.785 tỷ đồng và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Các sản phẩm của công ty có thể cạnh tranh với các công ty cùng ngành trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, nhờ vào chuỗi giá trị tích hợp toàn diện và kiểm soát chi phí hiệu quả tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất.
Vietnam Holding cho rằng Hoà Phát sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2021 - 2022 dựa trên vị thế trên thị trường và chi phí cạnh tranh.
Lợi nhuận của quỹ còn đến từ cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, một trong những nhà sản xuất và bán lẻ trang sức lớn nhất tại Việt Nam.
Thị trường trang sức tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hai con số nhờ hưởng lợi từ số người trong tầng lớp giàu có ngày càng gia tăng và thay đổi sở thích của người tiêu dùng từ tiết kiệm truyền thống sang thời trang hiện đại.
Triển vọng sáng của Việt Nam trong năm 2021
Trở lại đánh giá về thị trường, mặc dù những rủi ro do đại dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, Vietnam Holding tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2021.
Sự ổn định về vĩ mô và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả đang mở ra nền tảng phát triển hiệu quả cho Việt Nam trong tương lai. Sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ trọng lớn nhất trong rổ MCSI Frontier Market Index. Điều này có thể giúp Việt Nam thu hút dòng vốn khoảng 400 triệu USD trong năm tới.
Vietnam Holding cũng kỳ vọng EPS của các cổ phiếu trong danh mục đầu tư trong năm 2021 tăng khoảng 20% so với năm nay. Ngoài ra, đầu tư công cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vào năm tới.
Quỹ dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận dòng tiền lớn đến từ đầu tư trực tiếp nước ngoài và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu sang các thị trường lớn ở châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.