|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc SSI Research: VN-Index vượt 1.200 điểm không phải quá khó khăn, nhưng quan trọng doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng

12:47 | 01/01/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có năm 2020 giao dịch thăng hoa bất chấp tác động của đại dịch COVID-19. Đóng cửa năm, VN-Index ở 1.103,87 điểm, tăng 14,87% so với cuối năm 2019. Trạng thái tích cực hơn, HNX-Index tăng 98,15% so với thời điểm đầu năm, đóng cửa ở 203,12 điểm.

Sau một năm giao dịch tích cực, để nhà đầu tư có những góc nhìn mới về thị trường trong năm 2021, chúng tôi đã có phỏng vấn bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research).

Giám đốc SSI Research: VN-Index vượt 1.200 điểm không phải quá khó khăn, nhưng quan trọng doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Bà Hoàng Việt Phương. Ảnh: SSI.

PV: TTCK Việt Nam có năm giao dịch khởi sắc bất chấp những khó khăn của đại dịch COVID-19. Một số nhà đầu tư lo ngại về việc thị trường tăng nóng, thậm chí nghĩ đến bong bóng tài chính trong tương lai gần. Bà có đánh giá như thế nào về thị trường hiện tại?

Bà Hoàng Việt Phương: Theo tính toán của chúng tôi, định giá của thị trường hiện nay ở mức PE 16.x dựa trên ước tính lợi nhuận 2021, không phải là quá cao so với quá khứ cũng như so với các thị trường khác, nên chưa thể khẳng định về việc thị trường đang tăng quá nóng, hay bong bóng tài chính.

PV: Theo nhận định của bà, thị trường sẽ diễn biến ra sao trong năm 2021? Liệu VN-Index có động lực để vượt vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm, thưa bà?

Bà Hoàng Việt Phương: Với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 theo ước tính của chúng tôi ở mức 23%, việc VN-Index tiếp tục tăng khoảng 8,7% để vượt mức 1.200 điểm là không phải quá khó khăn nhất là khi có dòng tiền ủng hộ. 

Tuy nhiên, theo tôi vượt mức 1.200 điểm không quan trọng, quan trọng là việc các doanh nghiệp niêm yết có được các yếu tố cơ bản vững vàng để có thể duy trì đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo trong bối cảnh bình thường mới.

PV: Nếu như trong năm 2020, thị trường được hưởng lợi từ nhiều yếu tố như lãi suất duy trì ở mức thấp, đẩy mạnh đầu tư công, dòng vốn FDI, xuất khẩu kỷ lục. Theo bà, catalyst của thị trường năm 2021 sẽ là gì?

Bà Hoàng Việt Phương: Năm 2021 động lực tăng trưởng sẽ tiếp tục đến từ việc lãi suất duy trì ở mức thấp, có nhiều hơn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, và đặc biệt là thay cho đầu tư công thì FDI và dòng vốn đầu tư tư nhân sẽ có thể hồi phục trở lại. Hơn nữa, lợi nhuận của các công ty niêm yết được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn.

PV: Nói thêm về vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% trong năm nay, lọt top quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Trong năm 2021, dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Bà có đánh giá như thế nào về tương quan vĩ mô Việt Nam và thị trường chứng khoán?

Bà Hoàng Việt Phương: Theo đánh giá, triển vọng tăng trưởng tích cực hơn của kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ vẫn là động lực cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Mặc dù điều đó đã phần nào phản ánh trong mức định giá hiện tại của thị trường.

PV: Bên cạnh những điểm sáng của thị trường, bà có thể cho biết những rủi ro tiềm tàng của thị trường trong năm nay?

Bà Hoàng Việt Phương: Theo tôi, tỷ trọng của nhà đầu tư cá nhân đang ở mức cao kỷ lục và điều này có nghĩa là mức độ biến động của TTCK có thể ở mức rất cao. Muốn giảm độ biến động cần tăng hiểu biết của NĐT cá nhân, thực hiện các biện pháp giúp cho thị trường được minh bạch.

Bên cạnh đó, môi trường hiện tại đang thuận lợi cho đầu tư cổ phiếu như lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào. Tuy nhiên khi kinh tế hồi phục thì lãi suất khả năng sẽ chạm đáy và đảo chiều, tuy nhiên việc này khó xảy ra trong ngắn hạn.

PV: Cuối cùng, với những đánh giá về thị trường đã được đưa ra, xin bà cho nhận định về nhóm ngành, dòng cổ phiếu thu hút dòng tiền trong năm nay?

Bà Hoàng Việt Phương: Hiện tại hầu hết các ngành đã về mức định giá trước khi dịch xảy ra. Tuy nhiên, 2021 vẫn sẽ là 1 năm dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Thông thường, tất cả những ngành bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ dịch bệnh sẽ là những ngành nghề có khả năng phục hồi mạnh nhất sau dịch. 

Tuy vậy cần đánh giá chính xác nhu cầu tư nhiện của ngành đó có bị giảm đi do những thay đổi về thói quen và hành vi tiêu dùng sau dịch không. Trên cơ sở đó, chúng tôi yêu thích các ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin vì có dư địa tăng trưởng tự nhiên rất mạnh. 

Mặt khác, các ngành liên quan đến đầu tư FDI, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng sẽ được hưởng lợi, cụ thể là ngành khu công nghiệp.

Xin cảm ơn bà tham gia phỏng vấn!

Lợi Hoàng