|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 18%, chào bán riêng lẻ 6,5% vốn

10:44 | 17/06/2020
Chia sẻ
Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2020, Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 18% và chào bán riêng lẻ 6,5% vốn.
Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 18%, chào bán riêng lẻ 6,5% vốn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Trong đó, ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020-2021 bao gồm 2 cấu phần.

Thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu để  trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 18%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 6.675 tỉ đồng lên 43.764 tỉ đồng.

Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với qui mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán. Khối lượng phát tối đa là 241.077.034 cổ phiếu (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành). 

Trong đó, phát hành cho các nhà đầu tư dự kiến 204,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành; phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỉ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến 36,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho. Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 2.411 tỉ đồng.

Trong trường hợp Ngân hàng Mizuho thực hiện mua cổ phần để tăng tỉ lệ sở hữu tại Vietcombank lên 20%, đối tác chiến lược này sẽ có quyền đề cử thêm một ứng cử viên vào HĐQT trên cơ sở được NHNN chấp thuận.

Nói về lí do tăng vốn, Vietcombank cho biết, tháng 1/2019, ngân hàng đã hoàn thành phát hành tương đương 3% vốn điều lệ (tỉ lệ sau khi phát hành) cho nhà đầu tư nước ngoài GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, mang lại nguồn thặng dư gần 5.000 tỉ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng lên hơn 37.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Vietcombank mới hoàn thành được 1/3 kế hoạch tăng vốn đã xác định theo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài được NHNN phê duyệt đầu năm 2018. Hiện tại, vốn điều lệ của Vietcombank đang thấp hơn mức kế hoạch tại phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020 là 21.100 tỉ đồng.

Mặt khác, việc tăng qui mô vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng qui mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động.

Do đó, Vietcombank cần phải tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2020 - 2021 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược. 

Nếu không tăng được vốn, Vietcombank cho biết sẽ không đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của ngân hàng, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Vietcombank cũng như đóng góp của ngân hàng cho ngân sách nhà nước.

Trong bộ tài liệu ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Vietcombank chưa công bố tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2020. Tuy nhiên theo tờ trình tăng vốn điều lệ, ngân hàng này cho biết nếu tăng vốn thành công, tổng tài sản của ngân hàng năm 2020 dự kiến tăng 9%, huy động vốn từ nền kinh tế và dư nợ tín dụng dự kiến tăng 10%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 10%. Ngân hàng dự kiến đạt hệ số an toàn vốn trên 9% theo tiêu chuẩn Basel II. Hiệu suất sinh lời vốn chủ sở hữu ROAE xấp xỉ 22%.

Quốc Thụy