|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng lợi nhuận lõi của Vietcombank trong 2020 có thể giảm xuống 7,5%

14:26 | 13/05/2020
Chia sẻ
Theo giới phân tích, với ảnh hưởng của dịch COVID-19 dự báo tăng trưởng lợi nhuận lõi của Vietcombank trong năm 2020 giảm xuống 7,5% trên cơ sở tăng trưởng tín dụng, tỉ lệ thu nhập lãi thuần, tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn và dự báo chi phí dự phòng cao hơn.

Thu nhập lãi 2020 có thể tăng khiêm tốn ở 8,3%

Trong quí I, dư nợ tín dụng của Vietcombank tăng thêm 2,8% so với cùng kì (trong đó cho vay khách hàng tăng 2,7%).

Mặc dù chậm lại nhưng giới phân tích cho rằng ngân hàng đã duy trì được đà cho vay tích cực hơn so với xu hướng giảm tín dụng ở các ngân hàng quốc doanh khác và thậm chí là cả các ngân hàng tư nhân.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi cho vay bán lẻ (tăng 3,4%, chiếm 51% tổng cho vay), nhất là cho vay mua nhà (tăng 6%, chiếm 58% cho vay bán lẻ). Theo báo cáo mới đây của VDSC, xu hướng này vẫn phù hợp với định hướng tín dụng chung của Vietcombank cũng như mục tiêu tăng tỉ trọng cho vay bán lẻ từ 51% lên 55% trong 2-3 năm tới.

Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng hầu như chỉ đi ngang (tăng 0,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,5% vào quí I/2019). Phân khúc bán lẻ vẫn là động lực chính cho tổng tiền gửi.

Vietcombank cũng cho biết tới nay ngân hàng không gặp khó khăn trong việc thu hút tiền gửi từ khách hàng. Với việc tín dụng tăng nhanh hơn tiền gửi khách hàng, tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) đã được đẩy lên 80,8% từ mức 79,1% vào cuối năm 2019.

Theo VDSC, việc đẩy mạnh LDR và mở rộng cho vay bán lẻ chỉ có thể bù đắp một phần cho việc cắt giảm lãi suất và cơ cấu nợ cho khách hàng.

Ngân hàng đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 2 và đợt tiếp theo từ giữa tháng 4, theo đó ước tính tất cả các ưu đãi này làm giảm lợi nhuận hơn 2.240 tỉ đồng từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, tiền gửi không kì hạn (CASA) giảm nhẹ từ 30,8% xuống 29,4%, theo công ty chứng khoán, đây là điều chưa đáng lo ngại do là xu hướng chung của tất cả các ngân hàng bởi tác động của COVID-19.

Xem xét xu hướng sụt giảm tín dụng trong quí I cũng như các tác động của COVID-19, VDSC cho rằng vọng tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2019.

Tăng trưởng lợi nhuận lõi của Vietcombank trong 2020 có thể xuống 7,5%  - Ảnh 1.

Ngoài ra, tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của Vietcombank cũng như các ngân hàng quốc doanh khác sẽ bị ảnh hưởng bất lợi mạnh hơn so với các ngân hàng tư nhân, do các ngân hàng quốc doanh có vai trò đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng, một phần cũng do yêu cầu của NHNN.

Tuy nhiên, đối với Vietcombank, rủi ro giảm NIM không quá nghiêm trọng do CASA vẫn đang ở mức tương đối cao, LDR còn nhiều dư địa cải thiện cũng như việc ngân hàng có một phần đáng kể tài sản là trái phiếu chính phủ (chiếm 9,1% tổng tài sản tại quí I/ 2020, có thể giúp Vietcombank tận dụng được chủ trương cắt giảm lãi suất chính sách).

Do đó, VDSC dự báo NIM 2020 sẽ chỉ giảm nhẹ xuống còn 3,06%. Với các dự báo này, thu nhập lãi 2020 có thể tăng khiêm tốn 8,3%.

Trong dài hạn hơn, Vietcombank vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện NIM dựa trên lợi thế chi phí vốn thấp, khả năng tiếp tục mở rộng mảng ngân hàng bán lẻ cũng như phân bổ hiệu quả các tài sản sinh lãi. VDSC kì vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi về mức 15% và NIM sẽ tăng trở lại mức 3,2% kể từ năm 2021.

Thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng mạnh hơn từ quí II

Trong quí I, thu nhập dịch vụ của Vietcombank đã bị ảnh hưởng đáng kể do tình hình dịch bệnh khi chỉ tăng khiêm tốn 5,4% trong quí vừa rồi.

Hợp đồng bancassurance độc quyền với FWD đã được kí vào tháng 11 năm ngoái, nhưng thực tế việc triển khai chỉ mới bắt đầu gần đây vào giữa tháng 4, dự kiến thu nhập từ hoa hồng phân phối bảo hiểm sẽ bắt đầu được ghi nhận từ quí II/2020 trở đi, do đó thu nhập phí quí I chưa kịp tăng. Ngoài ra, nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ dự kiến cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế kém thuận lợi hơn trước, nhưng không quá đáng ngại.

Xem xét tác động của COVID-19, VDSC dự báo thu nhập dịch vụ của năm 2020 giảm 30%, với giả thiết thu nhập thanh toán đi ngang và dự báo thu nhập bancassurance giảm so với dự phóng trước đây. Theo đó, phí dịch vụ mới dự kiến tăng trưởng 38,7%, đủ để dẫn dắt tăng trưởng chung trong bối cảnh thu nhập lãi chậm lại, thu nhập khác chậm lại đáng kể trong khi chi phí dự phòng tăng cao.

Như vậy, với ảnh hưởng của COVID-19, công ty chứng khoán cho rằng giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận lõi trong năm 2020 xuống 7,5% trên cơ sở tăng trưởng tín dụng, NIM, tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn và dự báo chi phí dự phòng cao hơn.

Nếu tính thêm thu nhập từ ghi nhận một phần phí trả trước từ thỏa thuận với FWD (giả định chia đều trong 5 năm), tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 có thể đạt 16%.

Đẩy mạnh dự phòng ngay từ quí I để chuẩn bị cho các quí còn lại

Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng chưa bị ảnh hưởng nhiều khi chỉ tăng nhẹ từ 0,79% lên 0,82% trong quí I/2020. Vietcombank cũng cho biết tỉ lệ các khoản nợ được gia hạn/tái cơ cấu đến nay vẫn còn tương đối nhỏ.

Theo VDSC, tuy nhiên, các tác động của COVID-19 cần thời gian để có thể được phản ánh vào tỉ lệ nợ xấu, đặc biệt là khi tỉ lệ nợ nhóm 2 đã tăng từ 0,33% vào cuối 2019 lên 0,67%.

Để chuẩn bị cho nợ xấu có thể phát sinh, Vietcombank đã trích lập gần 4.000 tỉ đồng dự phòng trong quí I, tương đương với cả năm 2019. Theo đó, nếu không tính khoản hoàn nhập dự phòng 2.000 tỉ thì thực ra chi phí dự phòng đã tăng tới 181,5%.

Với việc trích lập mạnh dự phòng, tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu được nâng lên tới 235%, từ mức 179,5% vốn đã rất cao trong năm 2019. Việc trích lập này cũng khá phù hợp với phương pháp thận trọng của Vietcombank từ trước đến nay.

VDSC cho rằng với tỉ lệ nợ xấu thấp và LLR rất cao hiện nay, Vietcombank đang có một bộ đệm dự phòng hợp lí để dự trù cho khả năng suy giảm chất lượng khoản vay trong các quý tới.

Chi phí dự phòng khoản vay khách hàng sẽ tăng 81 trong năm nay. Nếu tính thêm khoản 2.000 tỉ hoàn nhập dự phòng cho các tổ chức tín dụng khác, chi phí dự phòng dự báo đi ngang so với 2019 (ở mức 6.800 tỉ).

Thu Hoài