|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Góc nhìn] Từ kết quả kinh doanh của Vietcombank, 'bắt mạch' sức khoẻ và triển vọng của toàn ngành ngân hàng

14:55 | 22/04/2020
Chia sẻ
Các ngân hàng đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính, tiếp tục xuất hiện nhiều ngân hàng báo lãi lớn, tăng trưởng cao. Nhưng trong giai đoạn chịu tác động bởi đại dịch COVID-19 toàn ngành sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Từ kết quả kinh doanh của Vietcombank, 'bắt mạch' sức khoẻ và triển vọng của toàn ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Mới đây Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) - nhà băng có lợi nhuận cao nhất hệ thống và là đại diện tiêu biểu của ngành - đã công bố báo cáo tài chính quí I/2020.

Cùng đánh giá, nhìn nhận qua các con số tài chính của Vietcombank để phần nào "bắt mạch" sức khỏe và triển vọng của toàn ngành trong thời gian qua và sắp tới khi tác động bởi COVID-19 là ngày càng mạnh mẽ hơn. 

Đầu tiên, nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng Vietcombank quí I có thể nhận thấy ngân hàng vẫn duy trì tăng trường cao so với toàn ngành, 2,8% so với 1,3%. Đây là điều thường thấy ở Vietcombank nên không có bất ngờ, nhưng nếu so với con số tăng trưởng tín dụng 6,2% của cùng kì năm trước thì đã có sụt giảm đáng kể.

Như vậy, một sự thật là COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng càng được củng cố và dự kiến trong quí II này sức ảnh hưởng có thể còn lớn hơn. Điều này đòi hỏi Vietcombank phải có kế hoạch ứng phó, thay vì quyết tâm đẩy tín dụng thì việc duy trì quản lí nền tảng chất lượng nợ giai đoạn này mới là ưu tiên.

Về chất lượng tài sản, tỉ lệ nợ nhóm 2 của ngân hàng tăng mạnh từ 0,3% lên 0,7%. So với toàn ngành thì đây là mức thấp nhưng nhìn riêng Vietcombank thì 0,7% tương ứng với khoảng 5.000 tỉ đồng, gấp đôi so với cuối năm 2019, nợ xấu của ngân hàng cũng tăng nhẹ lên 0,82%.

Từ kết quả kinh doanh của Vietcombank, 'bắt mạch' sức khoẻ và triển vọng của toàn ngành ngân hàng - Ảnh 2.

Chi tiết nhóm nợ của Vietcombank (Nguồn: tổng hợp từ BCTC Vietcombank).

Một lưu ý khác cũng không nên bỏ qua đó là lãi và phí phải thu tăng thêm khoảng 400 tỉ đồng, đây có thể là hiệu ứng từ chỉ đạo của chính phủ yêu cầu các ngân hàng giãn nợ, có lẽ đây sẽ là xu hướng chung của toàn ngành. 

Do đó, ngoài vấn đề về tín dụng khó khăn ở trên, kiểm soát chất lượng tài sản (CLTS) lúc này cũng là yêu cầu cấp bách cho Vietcombank cũng như toàn ngành, khi đã có những tín hiệu tiêu cực xuất hiện ngay trong quí đầu tiên đối mặt với COVID-19.

Nguồn lực của Vietcombank rõ ràng là ở nhóm hàng đầu ở Việt Nam, do vậy mà chỉ cần có một chút triệu chứng họ đã mạnh dạn trích lập dự phòng, nhưng sẽ là xu hướng trong bao lâu và nguồn lực bị tổn thương mức độ như thế nào có lẽ hết quí II sẽ rõ ràng hơn.

Tổng thu nhập (TOI) đến lợi nhuận trước trích lập của ngân hàng gần như đi ngang, tuy rằng chi phí hoạt động đã tăng và tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) lên mức 40%. Con số về CIR có thể mang tính thời điểm do tổng thu nhập kì này có ảnh hưởng bởi cả nguồn thu trong và ngoài lãi. 

Vẫn là những chia sẻ cũ, chi phí trích dự phòng sẽ tác động đến tăng trưởng/sụt giảm lợi nhuận trước thuế đáng kể với ngành ngân hàng. Trong thời gian ảnh hưởng bởi COVID-19 thì điều đó càng cụ thể hơn. Với những ngân hàng như Vietcombank bạo dạn trong trích lập có lẽ là vô cùng sáng suốt và kể cả xóa bỏ tài sản (Write-off) đi chăng nữa, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận hiện tại nhưng sẽ là của để dành trong hồi tố ở tương lai.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến đến CASA, con số tuyệt đối giảm khiến chỉ còn 29,4% so với 30,8% cuối năm 2019. Ở Vietcombank còn ảnh hưởng như vậy thì trong toàn ngành nguồn lực CASA sẽ chịu tổn thương đáng kể theo xu hướng chung.

Trong ngành khi nói đến hỗ trợ trợ tích cực của CASA ngoài Vietcombank thì nổi bật lên cũng chỉ có Techcombank và MB. Ở đây, tác giả có phần lo lắng cho Techcombank, khi ngân hàng này có lượng tiền không kì hạn lớn từ nhóm khách hàng cá nhân, trong bối cảnh nguồn thu nhập nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng, thật khó để nguồn huy động này được duy trì khi thực tế các gói hỗ trợ tín dụng đều giảm 1-2% lãi suất đầu ra.

Từ kết quả kinh doanh của Vietcombank, 'bắt mạch' sức khoẻ và triển vọng của toàn ngành ngân hàng - Ảnh 3.

Nguồn: Nathan Vu tổng hợp

Có thể nhận thấy biên lãi ròng (NIM) tiếp tục duy trì ổn định tại 3,2% nhờ tỉ lệ tiền gửi LDR tăng với "room" cải thiện còn lớn bù đắp lại ảnh hưởng làm tăng chi phí vốn. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đáng chú ý là lượng tiền gửi kho bạc hụt đi (do Thông tư 58) chỉ còn 28.600 tỉ đồng so với gần 90.000 tỉ đồng cuối năm 2019m không liên quan đến COVID-19. 

Diễn biến này cho thấy thực tế, Vietcombank vẫn còn dồi dào những "khoảng trống" để tối ưu nếu cần thiết. Với những ngân hàng khác thật khó để duy trì NIM, trong thực trạng nhiều năm đa phần các ngân hàng tận dụng kênh bán lẻ hay tài chính tiêu dùng đển cải thiện lãi suất đầu ra.

Thực tế đối với Vietcombank, nguồn thu từ thương vụ phân phối độc quyền bảo hiểm với FWD khoảng 400 triệu USD (phân bổ trong 2 năm) thì áp lực lợi nhuận với Vietcombank trong năm nay và năm sau là không phải quá lớn. Ngân hàng vẫn hoàn toàn có thể duy trì con số lợi nhuận trước thuế trên 1 tỉ USD thay vì giảm mạnh như chia sẻ của một lãnh đạo NHNN.

Rõ ràng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể và toàn diện đến Vietcombank và điều đó cũng xảy ra với toàn ngành ngân hàng. Đây thực sự là thời điểm khó khăn của ngành. 

Việc lựa chọn giữa duy trì chất lượng tài sản với tăng trưởng (từ tín dụng đến lợi nhuận) không phải chỉ trong giai đoạn này mới cấp bách nhưng sẽ là ảnh hưởng và quyết định nhiều hơn đến nền tảng của mỗi ngân hàng trong tương lai ở lựa chọn lần này. Và sẽ thật khó khăn với những ngân hàng vẫn còn tồn đọng trái phiếu VAMC.

Nếu toàn ngành không có chiến lược cụ thể quyết liệt và ưu tiên quản trị tài sản thì rất có thể hậu COVID-19 sẽ có sự xuất hiện của những thuật ngữ mới như "Covid-Bond" để cải thiện chất lượng tài sản giống như trái phiếu VAMC trước đây. Hoặc như khái nhiệm EBITDAC (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao & Covid) mới được tài chính toàn cầu khai sinh gần đây.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích tài chính doanh nghiệp. Tất cả những thông tin nêu trong bài viết đã được xem xét cẩn trọng, tuy nhiên báo cáo chỉ nhằm mục tiêu cung cấp thông tin để người đọc tham khảo mà không mang tính chất khuyến nghị đầu tư.

Nathan Vu