Kho bạc Nhà nước rút mạnh tiền gửi tại Vietcombank, BIDV và VietinBank
Kho bạc rút hơn 108.000 tỉ đồng tại Vietcombank, BIDV và VietinBank
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí I/2020, tính đến ngày 31/3, tổng lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại VietinBank, Vietcombank và BIDV ở mức hơn 150.700 tỉ đồng, giảm gần 108.200 tỉ đồng, tương đương giảm 42% so với cuối năm 2019.
Ba tháng đầu năm, Vietcombank có lượng tiền gửi KBNN giảm mạnh nhất. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, qui mô tiền gửi thanh toán của KBNN tại Vietcombank giảm từ mức hơn 89.289 tỉ đồng vào cuối năm 2019 xuống còn hơn 28.666 tỉ đồng, tương đương giảm gần 68%.
Trong đó, tiền gửi có kì hạn của KBNN tại Vietcombank sụt giảm rất mạnh, từ 87.865 tỉ đồng vào cuối năm 2019 xuống chỉ còn 27.444 tỉ đồng vào cuối ngày 31/3/2020. Đồng thời, tiền gửi không kì hạn (gồm cả ngoại tệ qui đổi) cũng giảm từ 3.065 tỉ đồng xuống 2.907 tỉ đồng.
Tương tự Vietcombank, tiền gửi KBNN tại BIDV cũng giảm mạnh từ gần 99.000 tỉ đồng xuống còn 57.086 tỉ đồng, tương đương giảm 42,3%. Trong đó, tiền gửi có kì hạn giảm từ 87.865 tỉ đồng xuống còn 45.000 tỉ đồng.
Vào cuối tháng 3, "ông lớn" VietinBank ghi nhận lượng tiền gửi của KBNN giảm khoảng 5.600 tỉ đồng, tương đương giảm 8% so với cuối năm 2019. Ngân hàng không công bố thông tin chi tiết số dư tiền gửi theo kì hạn nên không rõ việc sụt giảm đến từ tiền gửi có kì hạn hay tiền gửi không kì hạn.
Trong năm 2019, nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN thường nằm tại các NHTM với số dư hàng ngày lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Lượng tiền gửi này hầu hết nằm dưới dạng tiền gửi không kì hạn hoặc tiền gửi có kì hạn ngắn và chủ yếu tập trung tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank. Qua đó, giúp các ngân hàng này có được một lượng vốn lớn với chi phí giá rẻ tạo điều kiện để hạ lãi suất và tạo vị thế cạnh tranh rõ rệt với các ngân hàng tư nhân.
Do đó, sự sụt giảm mạnh của lượng tiền gửi này sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản và chi phí vốn của nhóm Big 4.
Tiền gửi của KBNN sụt giảm vì đâu?
Trong suốt năm 2019, lượng tiền gửi kho bạc tại VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank luôn dao động ở quanh ngưỡng khoảng 300.000 tỉ đồng chưa kể lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Vào tháng 11/2019, thông tư số 58 của Bộ Tài chính có hiệu lực khiến lượng tiền gửi không kì hạn của KBNN tại các ngân hàng hàng giảm mạnh. Tuy nhiên, sự sụt giảm của tiền gửi không kì hạn lại được bù đắp nhờ việc gia tăng của lượng tiền gửi có kì hạn.
Kết quả, tổng lượng tiền gửi của KBNN tại VietinBank, Vietcombank, BIDV không bị sụt giảm mà thậm chí còn tăng so với hồi đầu năm.
Theo giới phân tích, lượng tiền lớn của KBNN bị "ứ đọng" trong hệ thống ngân hàng là do tốc độ giải ngân đầu tư công trong năm 2019 rất chậm, không đạt kế hoạch, dẫn đến KBNN phải gửi ngân hàng để giảm thiểu chi phí vốn. Cụ thể, tính đến hết ngày 31/1/2020, tức là hết kế hoạch thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc niên độ ngân sách năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 mới ước đạt 88%.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, giải ngân đầu tư công đã có sự cải thiện rõ rệt khi ngay từ quí I/2020 chính phủ đã hành động rất quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và coi đây là "cú đấm thép" để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Theo Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện năm 2020 là gần 700.000 tỉ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỉ đồng). Trong khi số liệu mới nhất của KBNN cho thấy đến hết ngày 30/4, vốn đầu tư giải ngân thuộc kế hoạch năm 2020 là hơn 81.646 tỉ đồng, đạt 18,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Sự quyết liệt trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư công có thể là nguyên nhân chính khiến KBNN rút mạnh tiền gửi tại các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm nay.
Mặt khác, nguồn vốn lớn từ tiền gửi KBNN sụt giảm cũng đã phần nào ảnh hưởng tới cấu trúc tài sản của nhóm Big 4 trong quí I, theo hướng giảm các khoản tiền gửi, cho vay ngắn hạn. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, Vietcombank đã rút ròng về hơn 18.100 tỉ đồng tiền gửi tại NHNN và rút gần 73.000 tỉ đồng tiền gửi, tiền cho vay các TCTD khác; tương tự, BIDV cũng rút ròng gần 108.500 tỉ đồng tại NHNN…
Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2020
Tại phiên họp Chính phủ thường kì sáng 5/5,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc giải ngân 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trong năm nay là vô cùng quan trọng và yêu cầu không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn.
Trước đó, ngày 6/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tại đây, nhiều qui định về quản lí nguồn vốn, thanh quyết toán và chế tài xử lí đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 101,2 nghìn tỉ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.
Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc-Nam. Trong khi việc thi công tuyến metro Bến Thành - An Sương dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào tháng 10/2020.