|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vốn giá rẻ của nhóm 'big 4' đang sụt giảm

07:30 | 06/11/2019
Chia sẻ
Tiền gửi không kì hạn của Kho bạc Nhà nước tại BIDV và Vietcombank sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí huy động và ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lời của các nhà băng này.

Tiền gửi không kì hạn của KBNN giảm mạnh tại Vietcombank và BIDV

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí III/2019, tính đến ngày 30/9, tổng giá trị tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại ba ngân hàng VietinBank, Vietcombank và BIDV đạt gần 229.500 tỉ đồng, giảm hơn 11.400 tỉ đồng, tương đương 4,7% so với cuối năm 2018. 

Trong ba ngân hàng chỉ có duy nhất VietinBank là có tăng trưởng tiền gửi của KBNN còn tại hai ngân hàng còn lại cùng ghi nhận sụt giảm. Mức sụt sụt giảm tại BIDV và Vietcombank không phải là quá lớn, tuy nhiên đã có sự chuyển dịch rõ ràng giữa tiền gửi có kì hạn và không kì hạn tại các nhà băng. 

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9, qui mô tiền gửi thanh toán của KBNN tại Vietcombank giảm từ mức gần 87.096 tỉ đồng vào cuối năm 2018 xuống còn hơn 74.582 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tiền gửi không kì hạn của KBNN sụt giảm rất mạnh, từ 31.096 tỉ đồng (gồm cả ngoại tệ qui đổi) vào cuối năm 2018 xuống chỉ còn 5.333 tỉ đồng tại 30/9/2019. Trong khi đó, tiền gửi có kì hạn lại tăng mạnh từ 56.000 tỉ đồng lên 69.250 tỉ đồng. Qua đó, kéo tỉ trọng tiền gửi KBNN không kì hạn tại Vietcombank giảm từ 36% xuống 7%.

Tương tự tại BIDV, tiền gửi không kì hạn của KBNN giảm mạnh từ 19.432 tỉ đồng xuống còn 5.298 tỉ đồng trong khi tiền gửi có kì hạn lại tăng từ 51.000 tỉ đồng lên 63.250 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm. Tổng tiền gửi của KBNN giảm từ 70.432 tỉ đồng xuống còn 68.548 tỉ đồng. Kết quả, tỉ trọng của tiền gửi KBNN không kì hạn giảm từ gần 21% xuống còn 6%.

Bên cạnh đó, khoản tiền gửi (không rõ kì hạn) của Bộ Tài chính tại BIDV cũng giảm mạnh hơn 35%, từ hơn 24.163 tỉ đồng xuống còn hơn 15.662 tỉ đồng.

Vốn giá rẻ của nhóm 'big 4' đang sụt giảm? - Ảnh 2.

Vào cuối tháng 9, "ông lớn" VietinBank ghi nhận tăng trưởng 19% tiền gửi KBNN, tăng khoảng 11.500 tỉ đồng. Ngân hàng không công bố thông tin chi tiết số dư tiền gửi theo kì hạn nên không rõ việc chuyển dịch giữa tiền gửi không kì hạn và có kì hạn tại đây.

Riêng Agribank, hiện ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quí III nhưng theo số liệu bán niên, lượng tiền gửi của KBNN tại đây cũng đã giảm từ 48.739 tỉ đồng tại cuối năm 2018 xuống còn 45.182 tỉ đồng vào ngày 30/6.

Dù sụt giảm mạnh nguồn tiền gửi không kì hạn nhưng các ngân hàng lại được bù đắp một phần bởi nguồn tiền gửi có kì hạn của KBNN, qua đó không làm ảnh hưởng quá nhiều đến qui mô nguồn vốn. Tuy nhiên, sự thay đổi về cấu trúc kì hạn tiền gửi sẽ làm gia tăng đáng kể chí phí huy động, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh lời của các nhà băng này.

Theo biểu lãi suất niêm yết của Vietcombank, tiền gửi không kì hạn chỉ được nhận mức lãi suất rất thấp 0,1%/năm. Trong khi, đối với tiền gửi có kì hạn, lãi suất thấp nhất mà ngân hàng áp dụng cũng lên tới 0,5% (đối với kì hạn 7 – 14 ngày) và 4,5% (đối với kì hạn 1 tháng).

Đâu là nguyên nhân?

Từ trước đến nay, nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN thường nằm tại các NHTM với số dư hàng ngày lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng. Lượng tiền gửi này hầu hết nằm dưới dạng tiền gửi không kì hạn hoặc tiền gửi có kì hạn ngắn.

Phần lớn tiền gửi thanh toán của KBNN chủ yếu tập trung tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank. Qua đó, giúp các ngân hàng này có được một lượng vốn lớn với chi phí khá rẻ phục vụ cho cho các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58 qui định về quản lí và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các NHTM, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11. 

Theo qui định mới, toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của KBNN phải đổ về tài khoản tổng hợp của KBNN tại Trung ương tại Sở Giao dịch – NHNN vào cuối ngày giao dịch thay vì nằm tại các NHTM như hiện tại.

Do vậy, sự sụt giảm tiền gửi không kì hạn của KBNN tại Vietcombank và BIDV trong thời gian qua rất có thể là sự điều phối có chủ đích của Bộ Tài chính nhằm tránh giảm đột ngột, tạo ra cú sốc cho ngân hàng khi thời hạn thi hành Thông tư 58 sắp đến gần. Trong khi, việc gia tăng tiền gửi có kì hạn từ KBNN cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lí nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động cho nhóm Big 4.

Mặc dù vậy, trong tương lai xu hướng giảm của tiền gửi KBNN tại nhóm các NHTM gốc quốc doanh vẫn là điều khó tránh khỏi khi chính phủ tích cực giải quyết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt Luật đầu tư công (sửa đổi) nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình thực thi và kì vọng sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. 

Ngoài ra, trong quí III/2019, 3/11 đoạn trong Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ được khởi công. Do vậy, nhiều khả năng giải ngân vốn đầu tư công sẽ chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới và điều này có xu hướng làm giảm lượng tiền gửi của KBNN tại các NHTM.

Tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung về tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1/11

Theo thông tư số 58 của Bộ Tài chính, 4 loại tài khoản tiền gửi không kì hạn của KBNN mở tại NHNN Việt Nam và các NHTM, gồm tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp, tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu. Trong đó, tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN Trung ương mở tại Sở Giao dịch NHNN Việt Nam được sử dụng để đảm bảo khả năng thanh toán chung của các đơn vị KBNN qua kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Đáng lưu ý là trong qui định về sử dụng tài khoản của KBNN có nêu rõ nguyên tắc: đối với các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Sở Giao dịch KBNN, KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện tại các hệ thống NHTM, cuối ngày giao dịch, sau khi đối chiếu thành công với NHTM, toàn bộ số dư trên các tài khoản này tại thời điểm COT (thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán để đối chiếu số liệu thanh toán trong ngày giữa KBNN và ngân hàng) được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN Trung ương tại cùng hệ thống NHTM, đảm bảo các tài khoản này có số dư bằng 0.

Đối với các tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN Trung ương tại các hệ thống NHTM, cuối ngày giao dịch, sau khi đã nhận số quyết toán từ các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu, toàn bộ số dư trên các tài khoản này được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN Trung ương tại Sở Giao dịch NHNN Việt Nam, đảm bảo các tài khoản này có số dư bằng 0 (trừ các tài khoản thanh toán tổng hợp bằng những loại ngoại tệ mà NHNN Việt Nam chưa mở tài khoản). Đối với các trường hợp có phát sinh sự kiện bất khả kháng không thể khắc phục được trong ngày, việc kết chuyển được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Quốc Thụy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.