|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có nhiều tiền gửi dự trữ nhất tại NHNN

14:00 | 05/04/2020
Chia sẻ
10 ngân hàng lượng tiền gửi nhiều nhất tại NHNN gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank, VIB, MBBank, Sacombank, SCB, ACB và SHB.
Những ngân hàng có nhiều tiền gửi dự trữ nhất tại NHNN - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Alex Chu)

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng trong nước, tổng lượng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tính đến thời điểm 31/12/2019 của các ngân hàng này đạt 366.376 tỉ đồng, tăng 72% so với cuối năm trước.

Top 10 ngân hàng có lượng tiền gửi nhiều nhất tại NHNN gồm BIDV, Agribank (ước tính theo số liệu 30/6/2019), Vietcombank, VietinBank, VIB, MBBank, Sacombank, SCB, ACB và SHB. Tổng lượng tiền gửi của 10 ngân hàng này tại NHNN đạt xấp xỉ 309.000 tỉ đồng, chiếm gần 85% tổng lượng tiền gửi của 25 nhà băng được thống kê.

Trong đó, BIDV là ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất với 135.255 tỉ đồng, gấp 2,7 lần so với cuối năm 2018 và bỏ xa ba nhà băng đứng kế sau là Agribank (với khoảng 36.000 tỉ đồng), Vietcombank (gần 34.700 tỉ đồng) và VietinBank (với gần 24.900 tỉ đồng).

Như vậy, riêng tiền gửi của nhóm Big 4 đã đạt gần 231.200 tỉ đồng, chiếm 63% tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 25 ngân hàng được thống kê.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, VIB là ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất. Lượng tiền gửi của VIB đã tăng mạnh trong năm 2019, với hơn 19.000 tỉ đồng tại thời điểm 31/12/2019 gấp 7,7 lần thời điểm cuối năm 2018.

Sau VIB thì MB, Sacombank, SCB, ACB và SHB là những ngân hàng tiếp theo có lượng tiền gửi tại NHNN vượt 10.000 tỉ đồng.

Những ngân hàng có nhiều tiền gửi dự trữ nhất tại NHNN - Ảnh 2.

Đồ họa. (Alex Chu)

Trong 25 ngân hàng khảo sát, có 19 ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng lượng tiền dự trữ tại NHNN trong năm 2019. Trong đó, VIB là nhà băng tăng trưởng mạnh nhất (tăng từ gần 2.500 tỉ đồng lên hơn 19.000 tỉ đồng)

Ngoài VIB, tiền gửi dự trữ của nhiều nhà băng khác cũng tăng trưởng mạnh. Điển hình như VietABank với lượng tiền gửi tại NHNN đạt 2.941 tỉ đồng, gấp 6,7 lần cuối năm 2018; VietBank với 2.592 tỉ đồng, gấp gần 4 lần cuối năm 2018; Vietcombank với 34.684 tỉ đồng, gấp 3,2 lần cuối năm 2018 …

Ngược lại, VPBank, Techcombank, ACB, HDBank, Eximbank và BacABank là 6 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi tại NHNN. Trong đó, lượng tiền gửi dự trữ của Techcombank và VPBank giảm lần lượt 70% và 68% so với cuối năm 2018 xuống chỉ còn 3.192 tỉ đồng và 3.454 tỉ đồng.

Những ngân hàng có nhiều tiền gửi dự trữ nhất tại NHNN - Ảnh 3.

Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp. (*Agribank: Ước tính theo số liệu tính đến ngày 30/6/2019).

Từ ngày 17/3, NHNN quyết định tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND lên 1,0%/năm từ mức 0,8% trước đó.

Theo giới phân tích, động thái này nhằm hỗ trợ lợi nhuận các ngân hàng trong bối cảnh thu nhập các NHTM bị ảnh hưởng khi triển khai các gói tín dụng ưu đãi (trị giá 285.000 tỉ đồng) dành cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.

Theo bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán SSI, tổng dự trữ bắt buộc của toàn hệ thống  ước tính vào khoảng 164.000 tỉ đồng, tương đương 1,86% tổng huy động năm 2019. Với mức tăng 0,2 điểm % lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND sẽ trực tiếp mang lại thêm 247 tỉ đồng thu nhập lãi cho toàn ngành ngân hàng trong năm 2020 với giả định rằng tổng huy động của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô khác nhau tại Ngân hàng Nhà nước có qui mô đáng kể.

Quốc Thụy

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.