TOP 10 ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro nhiều nhất năm 2019
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 24 ngân hàng trong nước, tổng chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2019 của các ngân hàng này đạt 73.266 tỉ đồng, tăng 17% so với năm trước.
TOP 10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất gồm BIDV, VPBank, VietinBank, Vietcombank, MBBank, SCB, SHB, Sacombank, TPBank và HDBank. Tổng chi phí dự phòng của các ngân hàng này đạt gần 67.860 tỉ đồng, chiếm gần 93% tổng trích lập của 24 nhà băng được thống kê.
Trong đó, BIDV vẫn là ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất với 20.009 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2018 và bỏ xa ngân hàng trích lập nhiều thứ hai là VPBank (13.688 tỉ đồng). Xếp vị trí thứ ba và thứ tư về chi phí dự phòng rủi ro lần lượt là hai "ông lớn" VietinBank (với 13.002 tỉ đồng) và Vietcombank (với 6.790 tỉ đồng).
Ngoài các nhà băng nêu trên, còn có 6 ngân hàng khác ghi nhận mức trích lập dự phòng trên 1.000 tỉ đồng gồm: MBBank (4.891 tỉ đồng); SCB (2.371 tỉ đồng); SHB ( 2.369 tỉ đồng); Sacombank (2.153 tỉ đồng; TPBank (1.298 tỉ đồng) và HDBank (1.289 tỉ đồng).
Kết thúc năm 2019, có tới 14/24 ngân hàng được thống kê có chi phí dự phòng rủi ro tăng so với năm 2018. Trong đó, TPBank là nhà băng tăng mạnh nhất với việc trích lập gần 1.300 tỉ đồng, gấp 2,5 lần năm trước.
Ngoài TPBank, 4 nhà băng khác cũng có chi phí dự phòng tăng trên 50% gồm Kienlongbank (tăng 100%); VietinBank (tăng 67%), MBBank (tăng 61%) và SHB (tăng 66%).
Ngược lại, Techcombank, ACB, Saigonbank và BacABank lại giảm mạnh trích lập trong năm 2019. Trong đó, chi phí dự phòng của Techcombank giảm một nửa xuống chỉ còn 917 tỉ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro các ngân hàng năm 2019