Vietcap: Lợi nhuận VEAM có thể giảm trong năm nay, phục hồi vào năm 2024 nhờ nhu cầu xe máy, ô tô tăng trở lại
Trong báo cáo cập nhật về Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - Mã: VEA), Chứng khoán Vietcap dự báo trong năm nay, lợi nhuận sau thuế công ty đạt 7.207 tỷ đồng giảm 6% so với cùng kỳ. Sang năm 2024, mức lợi nhuận sẽ được cải thiện lên 7.919 tỷ đồng nhờ nhu cầu ô tô và xe máy phục hồi.
VEAM là một doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đến từ các công ty liên kết dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe máy và ôtô tại Việt Nam bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam.
Theo đơn vị phân tích, trong năm nay, doanh số ngành xe du lịch (PC) có thể giảm 15%, xe máy toàn ngành giảm 2% so với cùng kỳ. Song, sang năm 2024 sẽ tăng lần lượt 20%, 8% so với cùng kỳ.
Dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, Vietcap ước tính doanh số PC tại Việt Nam giảm 42% trong quý II, giảm 19% trong tháng 7. Điều này phản ánh những khó khăn kinh tế kể từ cuối năm 2022 đã ảnh hưởng đến niềm tin tiêu dùng.
- TIN LIÊN QUAN
-
VEAM nhận về hơn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận từ Honda, Ford, Toyota,... sau 6 tháng 04/08/2023 - 07:12
Song, đơn vị phân tích cũng kỳ vọng, thị trường lao động cải thiện và các hoạt động kinh tế sẽ mang lại triển vọng khả quan hơn cho cả doanh số bán lẻ xe máy và PC bắt đầu từ năm 2024.
Về thị phần của các hãng xe, trong nửa đầu năm 2023, thị phần của Toyota chỉ còn 19,7% trong khi cùng kỳ là 21,7% do cuộc chiến giá cả gay gắt hơn với các thương hiệu giá cả bình dân hơn như Hyundai, Mitsubishi và Kia. Trong khi 6 tháng đầu năm nay, Ford tăng trưởng 80% so với cùng kỳ. Còn mảng ô tô của Honda trong tháng 7 tăng 13% so với tháng trước, chủ yếu nhờ các mẫu xe mới cập nhật, ra mắt như Civic (CKD, sedan C) và BR-V (CKD, MPV).
Do đó, Vietcap dự báo thị phần của Toyota Việt Nam sẽ giảm xuống 21,6% vào năm 2023 so với 23,9% vào năm 2024. Mảng ô tô của Honda và Ford sẽ mở rộng thị phần tại Việt Nam từ 7,9%, 2,6% vào năm 2022 lên 8,1%, 6,4% vào năm 2023 trên các mẫu xe mới ra mắt, cập nhật có giá bình dân và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đối với mảng xe máy của Honda sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và tăng từ 80% vào năm 2022 lên 82% vào năm 2026, dựa trên giá trị thương hiệu mạnh tại thị trường nội địa.
Bộ Công Thương muốn chuyển giao VEAM sang CMSC và SCIC
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP.
Theo đó, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai, kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp do bộ làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả các doanh nghiệp do bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025. Việc này nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp tốt thì nhận bàn giao, doanh nghiệp không tốt thì không nhận và làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.
Các doanh nghiệp đề xuất chuyển giao gồm: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã: VEA); Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã: BHN); Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE); Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam; CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp; CTCP Nông thổ sản Việt Nam; CTCP Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng; Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và Vật liệu xây dựng BMC; CTCP Viện nghiên cứu dệt may; CTCP Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI.