|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân phối ô tô chật vật nửa đầu năm, kỳ vọng vào mùa bán hàng quý IV

08:45 | 09/08/2023
Chia sẻ
Sau một năm bùng nổ, nửa đầu 2023, nhiều doanh nghiệp phân phối ô tô đồng loạt rơi vào thế khó khi kết quả kinh doanh đều giảm mạnh, nhiều đơn vị chỉ lãi vài tỷ đồng. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay hạ nhiệt, được kỳ vọng sẽ là bàn đạp cho một mùa bán hàng sôi động trong quý IV.

 Đại lý bán xe Mercedes của Haxaco trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM. (Ảnh minh họa: MH).

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập người dân sụt giảm, đồng thời lãi suất ở mức cao, chi tiêu cho việc mua xe hơi cũng đi xuống.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng xe bán ra trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 37%, xe thương mại giảm 11% và xe chuyên dụng giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán hàng 6 tháng đầu năm của xe lắp ráp trong nước giảm 37%, xe nhập khẩu giảm 25%.

 Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo của VAMA.

Lợi nhuận các doanh nghiệp lao dốc

Theo thống kê của người viết về 6 doanh nghiệp phân phối ô tô đang niêm yết trên sàn chứng khoán, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 cũng như trong quý II không mấy khả quan, trái ngược với một năm 2022 bùng nổ khi tiêu dùng đạt đỉnh.

Nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của nhóm doanh nghiệp phân phối ô tô hầu hết đều giảm mạnh hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico - Mã: SVC), đơn vị đang sở hữu thị phần lớn nhất cả nước (khoảng 11,9%) cũng không nằm ngoài xu hướng bị giảm doanh số bán xe.

Với Haxaco (Mã: HAX), tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 4/2023, Chủ tịch đã phải thừa nhận rằng doanh thu số bán xe của công ty đang rơi về mức thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ bán được 5 xe/tháng. Vị lãnh đạo còn tiết lộ "tất cả các đại lý xe của Việt Nam đều lỗ nặng, những xe sang hầu như không bán được".

Trong phần giải trình lý do khiến kết quả doanh thu thuần tuột dốc trong nửa đầu năm, điểm chung của các đại lý ô tô đều cho rằng là do sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh. Bên cạnh đó là do áp lực từ chi phí lãi vay khi lãi suất neo cao, điều kiện xét duyệt vay khó khiến sức mua giảm sút mạnh, gây ra thừa nguồn cung, tạo áp lực cho giá bán, chi phí tồn kho và chi phí lãi vay. Ngoài ra còn do hụt thu từ các công ty liên doanh, liên kết.

Công ty Ô tô TMT (Mã: TMT) thậm chí đã có những chính sách giảm giá để bán được xe, nhưng kết quả vẫn chưa cải thiện so với cùng kỳ. 

Ô tô Trường Long (Mã: GTL) còn giải trình nguyên nhân là Hino Motors Việt Nam (nhà sản xuất xe tải hàng đầu Việt Nam) bị gián đoạn nguồn cung do một số dòng xe Euro 4 làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của đại lý.

Trường hợp của City Auto (Mã: CTF) - đơn vị chuyên phân phối xe Ford lại trái ngược với các doanh nghiệp còn lại khi báo cáo doanh thu thuần tăng 28% so với cùng kỳ nhưng cũng là mức thấp nhất trong vòng 3 quý trở lại đây.

Biên lãi gộp của nhóm công ty phân phối ô tô cũng thu hẹp so với cùng kỳ và có đơn vị còn rơi về mức thấp trong nhiều quý trở lại đây. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Kết quả là sau 6 tháng, một loạt các đơn vị đều báo lãi sau thuế lao dốc từ 60% - 98% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn vài tỷ đồng như Haxaco, Trường Long, Ô tô TMT.

Với Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã: VEA), mức lợi nhuận chỉ giảm nhẹ 1%. Nguyên nhân là nhờ sự đóng góp 2.746 tỷ đồng lợi nhuận của nhóm công ty liên doanh liên kết cho VEAM.

Hiện VEAM sở hữu 30% cổ phần tại liên doanh Honda Việt Nam, 20% vốn tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam. Hiện tại, Honda vẫn chi phối thị trường xe máy tại Việt Nam với thị phần trên 80%, Toyota vẫn duy trì thị phần ô tô cao nhất thị trường với khoảng 22%,...

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Do khó bán được xe hơn, các đại lý xe hơi phải đối mặt với tình trạng tồn kho cao, có đơn vị ghi nhận lượng hàng tồn kho chiếm gần 70% tổng tài sản (Ô tô TMT).

Dù vậy so với ngày đầu năm, lượng hàng tồn kho tại ngày 30/6 của các doanh nghiệp đã giảm bớt như Haxaco (giảm 62%), TMT (giảm 30%), Trường Long (giảm 5%). Ngược lại, Savico và City Auto ghi nhận lượng hàng tồn tăng lần lượt 19% và 13%.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Kỳ vọng mùa bán hàng sẽ bùng nổ vào quý IV

Từ tháng 6/2023, sản lượng bán xe hơi đã tăng nhẹ trở lại so với tháng trước. Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường ô tô Việt Nam khởi sắc trong tháng 6 phần lớn nhờ các hãng mạnh tay giảm giá, khuyến mại bằng việc hỗ trợ khách hàng từ 50 đến 100% lệ phí trước bạ hoặc giảm giá trực tiếp vào giá bán xe hay tặng quà là phụ kiện để kích cầu tiêu dùng.

Đại lý một hãng xe tiết lộ, bên cạnh việc ưu đãi kích cầu tiêu dùng từ các hãng xe và đại lý duy trì lâu nay thì trước thông tin giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước từ 1/7, nhiều người có nhu cầu mua xe đã ký hợp đồng ngay từ tháng 6 để được hưởng ưu đãi kép.

Còn theo đại diện Thaco Auto, trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay liên tục sụt giảm doanh số, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ tạo động lực kích cầu mua sắm ô tô của người tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số.

Mức giảm 50% phí trước bạ đồng nghĩa với việc khách hàng chỉ cần đóng phí 5 - 6% giá trị xe, thay vì 10 - 12% như trước. Đây là cơ hội tốt giúp khách hàng có thể tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi sở hữu các mẫu xe ô tô lắp ráp trong nước.

Đặc biệt, trong thời gian này, các khách hàng xuất hóa đơn trong tháng 6 và đăng ký mới trong tháng 7 sẽ được hưởng ưu đãi kép, tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi vừa giữ được chương trình giá tốt nhất trong tháng 6 đồng thời còn được hưởng lợi thêm từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Nhà nước.

Nhận định về thị trường ô tô Việt Nam thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường tiếp tục tăng trưởng trong tháng 7 này bởi đây là tháng đầu tiên áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước và đây cũng là dòng xe sẽ bán chạy hơn so với xe nhập khẩu.

Bước sang nửa cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9, thị trường ô tô sẽ chững lại do khoảng thời gian này trùng với tháng 7 âm lịch người dân hạn chế mua sắm tài sản giá trị lớn.

Sau đó, thị trường sẽ bắt đầu tăng tốc khi bước vào mùa mua sắm cao điểm trong năm. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sức tiêu thụ ô tô cả năm 2023 sẽ tiêu thụ ở mức khoảng trên 354.000 xe, bằng khoảng 70% so với năm trước do kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm dẫn đến sức tiêu thụ mặt hàng này yếu.

Ảnh minh họa: Hải quan online.

Trong khi đó, các hãng xe đều kỳ vọng cùng với việc điều chỉnh giá bán, ưu đãi khuyến mãi để giảm bớt hàng tồn kho thì chính sách giảm phí trước bạ phát sẽ huy hiệu quả trong hai quý cuối năm, đồng thời kinh tế hồi phục kéo sức mua trở lại.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất đã bắt đầu được điều tiết giảm, là yếu tố thúc đẩy phục hồi tiêu dùng hàng hóa nói chung và ô tô nói riêng.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Tổng Giám đốc City Auto kỳ vọng nhiều vào quý IV tới khi dẫn chứng ngành phân phối ô tô có tính chu kỳ và điểm rơi lợi nhuận tập trung nhiều ở quý cuối năm. Bên cạnh các hỗ trợ từ Chính phủ, thì quý IV cũng gắn với dịp mua sắm, lễ Tết, năm nay còn được giảm 50% thuế trước bạ… Tổng hoà hết các yếu tố này sẽ kích thích tiêu dùng, là động lực cho một mùa bán hàng sôi động nhất trong cả năm.

"Nếu tốt, riêng quý IV cũng có thể “cứu” doanh số cho cả năm”, Tổng Giám đốc đơn vị phân phối xe Ford kỳ vọng.

Minh Hằng