|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cơn bĩ cực của doanh nghiệp bán lẻ nửa đầu năm: Sức mua suy yếu, cuộc chiến hạ giá bào mòn lợi nhuận

12:49 | 03/08/2023
Chia sẻ
Nửa đầu năm, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao từ thực phẩm thiết yếu, điện tử ICT cho đến trang sức,... trong bối cảnh lạm phát leo thang. Các doanh nghiệp bán lẻ đã có những chiến lược riêng nhằm cải thiện thị phần, thậm chí là nhảy vào cuộc cạnh tranh hạ giá bán. Dù vậy ít nhiều đều ngấm đòn khi biên lãi gộp, biên lãi ròng vốn đã mỏng lại càng mỏng hơn.

Đồ họa: Alex Chu.

Nửa đầu năm 2023 có lẽ là giai đoạn tồi tệ nhất của ngành bán lẻ khi sức mua dò đáy. Lạm phát được coi là yếu tố khiến tiêu dùng giảm, đồng thời cũng gây áp lực lên chi phí của các doanh nghiệp bán lẻ. Chi phí vận chuyển, chi phí lao động leo thang khiến các công ty chưa thể chuyển phần chênh lệch này vào giá bán đến người tiêu dùng. Thậm chí, các ông lớn bán lẻ phải thực hiện các chiến dịch giảm giá nhằm kích cầu, đẩy hàng tồn kho. Nhóm doanh nghiệp này vẫn chưa thể thoát khỏi "bóng mây" u ám.

Cuộc chiến cạnh tranh giá của MWG và FRT: Ai cũng "thấm đòn"

Đầu tháng 4/2023, CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG) tuyên bố thực hiện chiến lược "giá rẻ quá", ngay lập tức, phía CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã: FRT) cũng đáp trả với chương trình “Ở đâu “rẻ quá” ở đây rẻ hơn”. Hai động thái này nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh chi tiêu cho hàng ICT (hàng điện tử) chạm đáy. 

Chiến lược tài chính giúp MWG thoát lỗ

Báo cáo quý II/2023 của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG)  cho thấy cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 14% và 98,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức lãi 17 tỷ đồng, đây là quý có lợi nhuận thấp nhất của MWG kể từ khi lên sàn.

Từ tháng 4/2023, MWG khởi xướng cuộc cạnh tranh về giá cả nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy hàng tồn kho. (Ảnh minh họa: MH).

Trong quý II, tổng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đã ngang ngửa với lợi nhuận gộp (5.441 tỷ), chưa tính tới chi phí tài chính (397 tỷ). Do đó, nếu không nhờ khoản doanh thu tài chính (585 tỷ) - đến chủ yếu từ lãi tiền gửi thì MWG nhiều khả năng đã ghi nhận quý thua lỗ.

Với chiến lược giảm giá, MWG vẫn chưa cho thấy sự khả quan trong kết quả kinh doanh. Doanh thu thuần quý II/2023 giảm 14% so với cùng kỳ về 29.465 tỷ đồng. Đồng thời, biên lãi gộp rơi về còn 18,4%, thấp kể từ quý II/2019 còn biên lãi thuần về đáy. 

MWG bắt đầu thực hiện chiến lược cạnh tranh về giá nhưng vẫn chưa cho thấy được tín hiệu khả quan trong doanh thu các tháng trong quý II. (Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo của MWG).

Chiến lược giá rẻ cạnh tranh được coi là con dao hai lưỡi cho người chơi. MWG đã hi sinh về biên lãi gộp, bù lại doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài nhận về được thị phần ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt là sản phẩm Apple.

Chuỗi Long Châu "cứu" FRT

Đối với CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT), doanh thu thuần quý II/2023 tăng trưởng 15%. Trong đó chuỗi FPT Shop đóng góp 3.605 tỷ đồng doanh thu, giảm 18% do sức cầu tiêu dùng suy giảm với các thiết bị công nghệ và cuộc chiến về giá với đối thủ.

Quý II/2023, chuỗi FPT Shop đóng góp 3.605 tỷ đồng doanh thu cho FRT, giảm 18% do sức cầu tiêu dùng suy giảm với các thiết bị công nghệ. (Ảnh minh họa: MH).

Ngược lại, chuỗi nhà thuốc Long Châu ghi nhận doanh thu gần gấp đôi cùng kỳ, lên 3.615 tỷ đồng. Có thể nói, Long Châu chính là điểm tựa cho FRT trong lúc FPT Shop loay hoay tìm các biện pháp để cải thiện thị phần.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo FRT cũng nhận định Long Châu sẽ là trợ lực tăng trưởng của công ty khi hàng ICT đang bão hòa. Tính đến hiện tại, nhà thuốc Long Châu đã vươn lên đứng đầu về số lượng cửa hàng, vượt Pharmacity và An Khang.

Ngoài ra, FRT đang chủ động mở rộng các ngành hàng khác để đảm bảo tăng trưởng như việc ra mắt ngành hàng dinh dưỡng thể thao chuyên nghiệp và cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn quốc để khai thác kinh doanh lĩnh vực viễn thông di động. Dù vậy cả quý II, FRT vẫn báo lỗ gần 215 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán.

Nhìn chung, cả MWG và FRT đều thấm đòn vì cuộc chiến cạnh tranh về giá, bằng chứng là biên lợi nhuận ròng trong quý II/2023 suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và so với quý đầu năm 2023.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Doanh nghiệp phân phối sỉ hàng ICT: Không đứng ngoài "cơn bão"

Trên sàn chứng khoán, hai công ty chuyên phân phối sỉ điện thoại, laptop là CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW)  và CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco - Mã: PET).

Để chống lại cơn bĩ cực của ngành ICT, Petrosetco cũng có chiến lược riêng mình khi đẩy mạnh bán hàng điều hoà trong mùa nắng nóng và phân phối thêm các thương hiệu mới là Nokia và Realme. Nhờ vậy, doanh thu của công ty cải thiện 30%.

Tuy nhiên do giá vốn tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu thuần nên biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 8,46% cùng kỳ xuống còn 3,31%. Các chi phí tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế của Petrosetco còn 3 tỷ đồng, giảm 78%.

Không giống như Petrosetco, Digiworld chọn giải pháp khác. Công ty này là đối tác quen của hai ông lớn hàng đầu trong mảng bán lẻ là Thế Giới Di Động và FPT Shop. Lãnh đạo Digiworld cho biết cả Thế Giới Di Động và FPT Shop đều đã chuyển sang mua điện thoại iPhone từ công ty, thay vì mua trực tiếp từ Apple.

Thông thường, các doanh nghiệp bán lẻ phải đợi 6 tuần mới nhận được sản phẩm nếu mua trực tiếp từ Apple, trong khi nếu mua của Digiworld, họ có thể nhận được sản phẩm trong vòng 1 tuần. Điều này giúp hàng tồn kho - rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp phân phối sỉ hàng công nghệ được giải phóng. Tính đến cuối tháng 6/2023 hàng tồn kho của Digiworld chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản tới 40% với 2.593 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm.

Khoản phải thu ngắn hạn của DGW với các đối tác MWG, FRT, Phong Vũ,… đều tăng so với đầu năm. (Nguồn: BCTC quý II/2023 của DGW).

Dù đã có những giải pháp, thế nhưng kết quả lợi nhuận quý II/2023 của cả hai đơn vị này đều giảm sút hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có cải thiện rõ rệt so với quý liền trước.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Với CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), công ty này kinh doanh mặt hàng trang sức và không phải là hàng thiết yếu.

6 tháng đầu năm, cả trang sức bán lẻ và bán sỉ đều giảm, lần lượt 10% và 30% do chịu tác động bất lợi từ thị trường. Tuy nhiên, PNJ cho biết mức giảm doanh thu trang sức bán lẻ của công ty thấp hơn nhiều so với mức giảm của thị trường chung nhờ việc tạo ra các sáng kiến kinh doanh và phương pháp tiếp cận thị trường hiệu quả để giữ chân khách hàng cũ và phát triển khách hàng mới nhằm mở rộng thị phần.

Nhờ vậy, lợi nhuận lũy kế 6 tháng của PNJ không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, dù doanh thu thuần giảm 10%.

Doanh thu và lợi nhuận PNJ gần như đi ngang 3 tháng liên tiếp trong quý II/2023. (Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo của PNJ).

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng