|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Việt Nam vẫn nổi lên là ngôi sao sáng trong ‘bầu trời đêm’ cho vay hợp vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương

18:51 | 02/10/2019
Chia sẻ
Hoạt động cho vay hợp vốn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, ghi nhận giá trị cho vay trong ba quí đầu năm 2019 đạt 338,76 tỉ USD.
dollar-kbFI--621x414@LiveMint

Ảnh: Reuters

Giá trị khoản vay và số lượng hồ sơ cho vay đồng loạt giảm

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gây sức ép lên hoạt động kinh tế trong khu vực được cho là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Theo dữ liệu của LPC Refinitiv, hoạt động cho vay trong 9 tháng đầu năm 2019 đã giảm 6% từ 360, 26 tỉ USD huy động được trong cùng kì năm ngoái xuống 338,76 tỉ USD.

Hoạt động cho vay trong quí III/2019 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 102,72 tỉ USD. Như vậy, so với 123,9 tỉ USD tín dụng huy động được trong quí II/2019, giá trị cho vay của quí gần nhất đã giảm 17%.

Bất ổn xuất phát từ các biến động địa chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và Brexit đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống.

Thực trạng này khiến số lượng khoản vay ở khu vực châu Á (không tính Nhật Bản) giảm xuống con số 924 hồ sơ trong 9 tháng đầu năm nay, tức là sụt 4,6% so với 955 khoản vay ghi nhận trong cùng kì năm ngoái.

"Thị trường đã chững lại đáng kể trong ba quí đầu năm, mặc dù xu hướng này đang được cải thiện phần nào", ông Ashish Sharma, người đứng đầu bộ phận cho vay hợp vốn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC, cho hay.

"Các cuộc thảo luận về căng thẳng thương mại khiến một số CEO và CFO tạm ngưng kế hoạch cho đến khi họ hiểu rõ bối cảnh kinh tế vĩ mô trong tương lai".

Rẽ hướng sang thị trường trái phiếu

Reuters dẫn kết quả của Refinitiv cho hay, doanh nghiệp châu Á chuyển sang khai thác thị trường trái phiếu để "khóa" dòng vốn dài hạn trong bối cảnh môi trường lãi suất đang khá ôn hòa sau khi nhiều ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để đẩy mạnh xuất khẩu thông qua đồng tiền tệ yếu hơn.

Vào giữa tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất xuống 25 điểm cơ bản và phát đi tín hiệu về khả năng nới lỏng chính sách trước thời điểm cuối năm do kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Cathay Pacific, hãng vận tải hàng đầu Hong Kong, đang đánh cược vào trái phiếu chính phủ Mỹ lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Cathay Pacific đã ngừng vay vốn trên thị trường kể từ tháng 12/2017.

Vào tuần trước, CNOOC - hãng lọc dầu lớn của Trung Quốc, cũng huy động 1,5 tỉ USD từ một trái phiếu chi trả hai đợt và kéo dài thời gian đáo hạn hơn 4 năm với thỏa thuận này. Đây là lần đầu tiên sau 18 tháng CNOOC huy động vốn từ thị trường trái phiếu.

"Chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp chuyển hướng từ vay vốn sang thị trường trái phiếu", ông Sharma cho hay. "Các CFO đang hăng say khai thác môi trường lãi suất thấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Theo dữ liệu của Refinitiv, doanh nghiệp đi vay châu Á (không tính Nhật Bản) cũng tăng cường phát hành trái phiếu bằng các đồng tiền tệ thuộc nhóm G3 (USD, EUR và JPY), nhờ đó huy động hơn 306,49 tỉ USD trong ba quí đầu năm nay, tương đương mức tăng 20,4% so với cùng kì năm ngoái.

Triển vọng ảm đạm trên toàn khu vực

Trong số các thị trường cho vay lớn ở châu Á, Hong Kong là nơi duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, giá trị cho vay của Hong Kong vừa chạm một mức cao mới là 105,58 tỉ USD, tăng hơn 15% so với con số 91,78 tỉ USD huy động trong cùng kì năm ngoái.

Theo Reuters, các khoản vay khổng lồ cho doanh nghiệp Trung Quốc đóng góp đáng kể vào mức tăng trên.

Tuy nhiên, triển vọng dường như khá ảm đảm, khi mà thị trường cho vay Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm tốc hơn nữa. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của thị trường Trung Quốc năm nay từ 6,3% xuống 6,2%, theo báo cáo công bố ngày 25/9.

Đồng thời, ADB còn dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ thu về mức 6% vào năm 2020.

Các khu vực khác của châu Á cũng cảm nhận thấy hiệu ứng gợn sóng này. Hoạt động cho vay tại Australia và Singapore đã giảm mạnh khoảng 30%, lần lượt ghi nhận ở 50,15 tỉ USD và 30,81 tỉ USD.

Hai thị trường này đã chốt một số thỏa thuận khủng như khoản tài trợ trị giá 8 tỉ SGD (tương đương 5,86 tỉ USD) cho nhà điều hành sòng bạc Marina Bay Sands (Singapore) và khoản vay trả nhiều đợt 2,15 tỉ AUD (tương đương 1,52 tỉ USD) mua lại công ty điều hành bệnh viện Healthyscope (Australia).

Mặc dù vậy, hoạt động cho vay của Australia và Singapore vẫn sụt giảm nghiêm trọng.

Việt Nam - ngôi sao sáng trên "bầu trời đêm"

Tuy nhiên, Việt Nam lại là một điểm sáng trong bức tranh cho vay của khu vực, cho thấy các lợi ích mà đất nước Đông Nam Á nhận về trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Hoạt động cho vay của Việt Nam đã tăng gần ba lần lên 6,37 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Với khoảng 4 tỉ USD sắp sửa thâm nhập thị trường, Việt Nam hứa hẹn sẽ ghi nhận thêm một kỉ lục mới trong thị trường cho vay quốc tế.

"Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng vì nền kinh tế này hiện đang phát triển tương đối nhanh chóng so với các quốc gia khác trong khu vực.

Nhu cầu và nguồn cung tín dụng đã tăng đáng kể nhờ vào môi trường pháp lí dễ dàng hơn", ông Bryan Liew, người đứng đầu bộ phận cho vay hợp vốn của Standard Chartered tại ASEAN, cho hay.

"Trong tương lai, các động lực chính thúc đẩy thị trường cho vay ở Việt Nam là nhu cầu nội địa mạnh mẽ, xuất phát từ tầng lớp trung lưu tăng nhanh và dân số trẻ".

Yên Khê