Việt Nam tiếp tục có ca nhiễm COVID-19 là thai phụ
Chiều nay, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam đã thông tin về 2 ca bệnh mới tại tỉnh (BN898, BN905). Trong đó, bệnh nhân 898 là thai phụ sinh năm 1993, địa chỉ tại tổ 1, Sơn Viên, Duy Nghĩa, Duy Xuyên, làm nội trợ.
Hiện sản phụ này đang được làm thủ tục vận chuyển đến điều trị tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Bệnh nhân hiện tại mệt mỏi, tức ngực (mang thai 5 tháng).
Theo kết quả xác minh dịch tễ, trước ngày 14/7, bệnh nhân sinh sống cùng gia đình gồm mẹ chồng L.T.Tr (1963), ba chồng (là bệnh nhân số 796), chồng Đ.N.V (1991), anh chồng Đ.N.V (1988), chị dâu P.T.L (1991), cháu Đ.K.V (2015) và Đ.T.A.N (2020) (tất cả các thành viên trong gia đình đã cách li tập trung). Bệnh nhân hằng ngày phụ bán tạp hóa cho gia đình tại nhà và không đi đâu.
Ngày 14/7, bệnh nhân tiếp xúc với bệnh nhân 796 đi khám tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng (khoa Thận - Tiết niệu, 8h00 đi, 10h30 về).
Từ ngày 14-26/7, do bệnh nhân đang mang thai nên chỉ ở nhà, thỉnh thoảng phụ bán tạp hóa (số lượng rất ít, không rõ), có một số người đến thăm bệnh nhân 796 nhưng không tiếp xúc gần.
Trong đó từ ngày 21-23/7, chồng Đ.N.V đưa ba là bệnh nhân 796 nhập viện tại khoa Thận - Tiết niệu, bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng (23/7 chồng có tiếp xúc với bệnh nhân 428).
Từ ngày 26-7/8, bệnh nhân tự cách li tại nhà, không bán hàng sau khi chồng Đ.N.V đi khai báo y tế (Sau đó V được đưa đi cách li tập trung vì tiếp xúc với bệnh nhân 428).
Ngày 7/8 khi bố chồng là bệnh nhân 796 phát hiện. 11h ngày 8/8, bệnh nhân được chuyển đi cách li tại trung tâm Y tế Duy Xuyên. Tới ngày 9/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm.
Đây là thai phụ thứ 3 mắc COVID-19 tại Việt Nam từ đầu mùa dịch đến nay.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm COVD-19 đang mang thai, đó là:
Bệnh nhân số 495 (mang thai 11 tuần) công bố hôm 31/7, vừa được Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng công bố khỏi bệnh sáng nay.
Bệnh nhân số 569 (mang thai 35 tuần) công bố hôm 1/8 đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Theo BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em của Bộ Y tế, các nghiên cứu gần đây cho thấy, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh.
Người ta cũng không tìm thấy SARS-CoV-2 qua xét nghiệm rau thai, máu cuống rốn, nước ối hay sữa mẹ.
Bên cạnh đó, chưa thấy có sự liên quan giữa nhiễm COVID-19 và tình trạng sẩy thai, tuy nhiên cũng có báo cáo cho thấy viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh...
Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra, thai phụ cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và thai nhi.
Đảm bảo dinh dưỡng và rèn luyện thể lực hợp lí
Ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, cần thiết cho phụ nữ có thai, chị em cần đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D, một loại vitamin cần thiết cho chuyển hoá canxi, phát triển hệ xương của thai nhi.
Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung lượng vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết.
Phụ nữ có thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất.
Thai phụ chỉ ra khỏi nhà nếu thật cần thiết và cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh, hạn chế chạm tay vào các vật có nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, dụng cụ tập thể dục, thể thao nơi công cộng, ghế ngồi, thiết bị vệ sinh công cộng, cây ATM, vé gửi xe… Thai phụ có thể bị lây bệnh nếu tiếp xúc với những đồ vật bị nhiễm virus.
Phụ nữ có thai rất cần phải luyện tập, vận động thể lực một cách hợp lí. Do phải hạn chế ra ngoài trong mùa dịch, thai phụ nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai.
Vệ sinh sạch sẽ nhà ở và nơi làm việc
Nơi ở của phụ nữ mang thai cần thông thoáng. Vì vậy, cần mở cửa sổ vừa giúp phòng có nhiều ánh sáng đem lại tác dụng sát khuẩn, vừa tăng cường tổng hợp vitamin D cho cơ thể.
Nếu không mở rộng cửa sổ vì lí do thời tiết, phụ nữ có thai có thể sử dụng các loại quạt thông gió nhằm tăng cường lưu thông không khí trong nhà.
Cùng với đó, đặc trưng của virus SARS-CoV-2 là lây nhiễm qua giọt bắn của người nhiễm bệnh, qua hắt hơi, ho, nói.
Giọt bắn có chứa virus tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, đồ dùng với thời gian khá lâu, đặc biệt là trên các đồ vật bằng kim loại như tay nắm cửa, vòi nước... Do vậy, việc thường xuyên vệ sinh nơi ở bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng hoá chất diệt khuẩn là điều quan trọng.
Khám thai định kì
Hạn chế ra ngoài là phương án tối ưu để phòng dịch, tuy nhiên việc đi khám thai định kì rất cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh, chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thấy thuốc, trừ khi có những đấu hiệu bất thường xảy ra.
Lưu ý chỉ siêu âm khi thật cần thiết, vì khi siêu âm có thể lây nhiễm virus nếu đầu dò siêu âm không được khử khuẩn.
Khi đến khám, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vịn cầu thang… tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh.
Trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra nước ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản.
Khi đi, cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đã nêu.
Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Cần giữ tâm lí bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm cũng có thể gây sốt, ho...