COVID-19 có thể lây truyền qua thực phẩm đông lạnh?
Cho đến nay, việc lây nhiễm COVID-19 từ người sang người do tiếp xúc gần vẫn được các nhà khoa học coi là con đường lây nhiễm có khả năng xảy ra cao nhất, bất chấp những tuyên bố về các đợt bùng phát mới ở New Zealand và Trung Quốc có liên quan đến các bề mặt, theo The Telegraph đưa tin.
Tại New Zealand, các nhà chức trách đang điều tra xem liệu các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên của nước này sau 102 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng có phải liên quan tới hàng đông lạnh nhập khẩu hay không, khi một trong bốn ca bệnh làm việc trong một kho hàng đông lạnh ở Auckland.
Tại Trung Quốc, giới chức đã chỉ ra rằng bao bì hàng đông lạnh có khả năng là nguồn lây truyền SARS-CoV-2, sau khi virus này được tìm thấy trên bao bì hải sản ở thành phố Yên Đài. Sản phẩm đến từ thành phố cảng Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, nơi có ổ dịch xuất hiện hôm 24/7.
Một thành phố khác của nước này cũng đã tìm thấy virus trên tôm nhập khẩu từ Ecuador.
Vào tháng 6, Trung Quốc cho biết một đợt bùng phát dịch mới ở Bắc Kinh có liên quan đến cá hồi đông lạnh khi tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên thớt được dùng chế biến cá hồi nhập khẩu tại chợ Tân Phát Địa.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện tại không có trường hợp xác nhận nào về COVID-19 lây qua thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm.
Nhưng vẫn cần lưu ý về việc đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng virus có thể tồn tại đến 72 giờ trên nhựa và khả năng lây truyền trên bề mặt hoặc fomite (bề mặt bị ô nhiễm) là có thể xảy ra.
Giáo sư Jonathan Ball, một nhà virus học tại Đại học Nottingham, cho biết: "Lây nhiễm từ người khác vẫn là nguồn lây COVID-19 phù hợp nhất, bởi virus không thể tồn tại trong một thời gian dài trên các bề mặt và cũng bởi vì bề mặt này cần có mức ô nhiễm đủ lớn để virus có thể tồn tại và lan truyền cho ai đó khi chạm vào".
Một nghiên cứu ở Lancet vào tháng 4 cho thấy mặc dù virus SARS-CoV-2 có thể được phát hiện trong vài ngày trên một số bề mặt, đặc biệt là trên các bề mặt nhẵn như nhựa và thép không gỉ, nhưng vẫn chưa rõ liệu một người có thể thực sự bị nhiễm COVID-19 khi chạm vào bề mặt đó hay không.
Giáo sư Ball cho hay: “Cá hồi ở Trung Quốc là nguồn lây nhiễm virus là điều rất khó tin. Nhưng trên lí thuyết, chuyện này vẫn có thể xảy ra nếu bề mặt bị nhiễm bẩn nặng".
Tuy nhiên, ông cũng cho biết đúng là ở môi trường nhiệt độ thấp như trong vận chuyển hàng hóa đông lạnh có thể giúp virus tồn tại.
Bộ trưởng Bộ Y tế New Zealand Ashley Bloomfield cũng cho hay: "Chúng tôi biết virus có thể tồn tại trong môi trường lạnh khá lâu", ông nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình hôm thứ 12/8.
Nhiệt độ lạnh cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch tại các nhà máy chế biến thịt trên khắp thế giới vào đầu năm nay, bao gồm cả ở Anh và Đức, cùng với các yếu tố khác khiến các nhà máy trở thành lò ấp hoàn hảo cho virus.
Calum Semple, giáo sư về sức khỏe trẻ em và y học tại Đại học Liverpool, cũng cho biết: "Nếu tôi muốn lưu giữ một loại virus, tôi sẽ đặt nó trong một môi trường lạnh, tối hoặc một môi trường mát mẻ và không có tia cực tím, về cơ bản có thể là một cái tủ lạnh".
Ông nói thêm: "Nơi hoàn hảo để giữ virus tồn tại trong thời gian dài là nơi lạnh giá, không có ánh sáng mặt trời".
Nghiên cứu tương tự của Lancet, từ Đại học Hong Kong vào tháng 4, phát hiện ra rằng virus có thể tồn tại ổn định trong thời gian dài ở 4 độ C.
Giáo sư Ball nói rằng nếu các trường hợp được xác nhận có liên quan đến sự lây truyền trên bề mặt, các biện pháp kiểm tra và khử trùng tại các cảng có thể sẽ phải thực hiện nhiều hơn để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc lây truyền từ người sang người vẫn là nguyên nhân hàng đầu.