Việt Nam chi 3,3 tỷ USD nhập nguyên phụ liệu dệt may, da giày trong 7 tháng
Dự án gần 1 tỷ USD bị từ chối: Bí thư thành ủy tiết lộ lý do | |
Ngành dệt may tăng trưởng tốt, Dệt may Thành Công lại báo lãi sau thuế 6 tháng giảm nhẹ |
Theo Tổng Cục Hải Quan, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày của Việt Nam trong tháng 7 đạt 502 triệu USD, tăng 2,14% so với tháng trước đó và tăng 5,66% so với cùng tháng năm ngoái.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt hơn 3,3 tỷ USD, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam chi 3,3 tỷ USD nhập để nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da, giày trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trong tháng 7, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày chủ yếu từ Trung Quốc với 175 triệu USD, chiếm 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 4,01% so với tháng trước đó nhưng tăng 9,3% so với cùng tháng 7/2017, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2018 lên hơn 1,2 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp theo là Hàn Quốc với hơn 78 triệu USD, chiếm 15,7% trong tổng kim ngạch, tăng 3,51% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc đạt 456 triệu USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số thị trường có kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 bao gồm, Canada tăng 94% lên 22 triệu USD, Hà Lan tăng 45,4% lên 2,5 triệu USD, Anh tăng 27% lên 9,4 triệu USD, sau cùng là Indonesia tăng 24,6% lên 34 triệu USD.
Tuy nhiên, một số thị trường có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh bao gồm, Newzealand giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6,2 triệu USD. Tiếp theo là Brazil giảm 34,4% xuống còn 57 triệu USD, Pháp giảm 34% xuống còn 2,5 triệu USD, sau cùng là Achentina giảm 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 18 triệu USD.
Hiện nay, hàng rào kỹ thuật và việc đảm bảo quy tắc xuất xứ đang là một trong những thách thức lớn đặt ra cho ngành dệt may nhằm tận dụng tối đa ưu đãi trong các FTA do Việt Nam vẫn còn thiếu hụt nhiều nguyên liệu trong khâu may mặc.
Tại Hội thảo hiệp định CPTPP - EVFTA những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng, Cục xuất nhập khẩu, nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật khác thì FTA cũng trở nên vô nghĩa.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Điều này giúp đảm bảo quy tắc xuất xứ của các FTA.