|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may: NHNN nên điều chỉnh tỷ giá 24.000 - 25.000 VNĐ/USD để dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh

17:22 | 19/07/2018
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các nguồn cung mà Việt Nam đang thiếu hụt trong đó có vải, từ đó giảm bớt phụ thuộc từ Trung Quốc. Đồng thời giúp hàng dệt may Việt Nam có giá thành tốt hơn, tăng sức cạnh tranh.
chu tich hiep hoi det may nhnn nen dieu chinh ty gia 24000 25000 dongusd de det may viet nam tang suc canh tranh Việt Nam tự vệ trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, từ điều hành VNĐ đến xuất khẩu

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem lại một số lợi ích cho ngành dệt may, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng những lợi ích này không nhiều trong khi rủi ro lại lớn.

Lợi ích không nhiều

Ông Vũ Đức Giang nhận định chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại một số cơ hội cho ngành dệt may nhưng không nhiều.

chu tich hiep hoi det may nhnn nen dieu chinh ty gia 24000 25000 dongusd de det may viet nam tang suc canh tranh
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

Lợi ích đầu tiên, theo ông Giang là cơ hội lượng hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ tăng, đây hiện là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 6,3 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời chiếm 46,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành.

Tuy nhiên, ông Giang nhận định không nên quá kỳ vọng vào điều này do các công ty nhập khẩu của Mỹ sẽ không bao giờ “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nói cách khác, họ sẽ mua hàng dệt may từ nhiều nước chứ không riêng Việt Nam.

“Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ có thể tăng nhưng tăng không quá mạnh”, ông Giang nói.

Ngoài ra, việc tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm giúp giá thành nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc phục vụ cho may mặc sẽ giảm. Thế nhưng, ông Giang cho rằng: “Hiện nay ngành dệt may của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc về nguồn cung nguyên liệu mà còn nhập khẩu rất nhiều từ các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan… Như vậy, lợi ích từ việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc rất ít”.

Thách thức lớn với hàng dệt may Trung Quốc tràn vào Việt Nam khi nhân dân tệ giảm giá

Nói về vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ đang xuống thấp, ông Giang nhận định hành động này cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách để xuất khẩu sản phẩm với giá thành tốt hơn các nước trong khu vực.

Dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông Hoàng Hữu Chương, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Hữu Hoàng bày tỏ quan ngại rằng: “Hàng dệt may Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tràn về Việt Nam với số lượng lớn. Việc tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm khiến khả năng cạnh tranh hàng may mặc của chúng tôi bị ảnh hưởng ngay tại sân nhà”.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong bối cảnh bất ổn chiến tranh thương mại, một trong những yếu tố bất lợi mà Việt Nam phải hứng chịu đó là xu hướng lợi dụng danh nghĩa về xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác. Ưu thế của Việt Nam giờ không chỉ là nhân công giá rẻ, nhiều FTA mà còn lý lịch "sạch", hàng hóa các nước đổ bộ thị trường Việt Nam vì không bị áp thuế chống bán phá giá, chống trừng phạt thương mại. Việc lợi dụng danh nghĩa sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Ông Vương Đức Anh, Trưởng nhóm đàm phán Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định TPP, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng rủi ro lớn mà ngành dệt may có thể vấp phải đó chính là nguy cơ Trung Quốc tìm đường chuyển hàng dệt may sang Việt Nam để gia công không đáng kể rồi xuất khẩu sang Mỹ. Nguy hiểm hơn, Trung Quốc có thể chuyển hẳn sang đầu tư tại Việt Nam và có sản xuất một số khâu nhất định rồi xuất khẩu.

“Những hình thức lẩn tránh như vậy rất khó để nhận ra”, ông Vương Đức Anh nói.

Đề xuất điểu chỉnh tỷ giá USD

Để đối phó với những thách thức này, ông Giang kiến nghị các doanh nghiệp nên tập trung xây dựng năng lực nội tại bền vững, tăng cường đầu tư công nghệ song song với việc chủ động kiểm soát chất lượng bởi “những nhà nhập khẩu bây giờ không còn quá dễ dãi”. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần hình thành chuỗi sản xuất để giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nước ngoài, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.

Ông Giang đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề đảm bảo quy tắc xuất xứ từ vải và sợi nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP và EVFTA.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Dệt may đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh tỷ giá, tốt nhất là 24.000 - 25.000 VNĐ/USD. Điều này sẽ giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các nguồn cung mà Việt Nam đang thiếu hụt trong đó có vải, từ đó giảm bớt phụ thuộc nguồn cung từ nước khác trong đó có Trung Quốc. Đồng thời việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp hàng dệt may Việt Nam có giá thành tốt hơn, từ đó tăng sức cạnh tranh”.

Xem thêm

Đức Quỳnh